Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hà Giang: Khai thác hiệu quả các công trình hạ tầng 135

Minh Thu - 17:58, 04/09/2021

Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn của Chương trình 135, tỉnh Hà Giang đã đầu tư trên 1.102 tỉ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng. Nhờ đó, bộ mặt nông thôn, miền núi được cải thiện đáng kể. Đặc biệt, ý thức của người dân trong việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác hiệu quả công trình phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống dân sinh.

 Làm đường giao thông nông thôn ở Cốc Pài, huyện Xín Mần
Làm đường giao thông nông thôn ở Cốc Pài, huyện Xín Mần

Những công trình góp phần thay đổi bản làng

Trước đây, con đường từ thôn Nà Chõ đến trung tâm thôn Tân Bình, xã Tân Nam (huyện Quang Bình) dài khoảng 7 km, nhưng việc đi lại của 28 hộ dân, với 136 khẩu trong xóm vô cùng khó khăn. Vào mùa mưa, xe máy khó có thể đi lại được do đường trơn trượt; nhiều hôm học sinh trong bản không thể đến trường.

Cuối năm 2018, từ vốn Chương trình 135 (CT135), con đường liên thôn Nà Chõ - Tân Bình được bê tông hóa 1,5 km. Dù mới chỉ đầu tư được một phần, nhưng con đường đã làm vơi đi nỗi vất vả và tạo điều kiện cho bà con giao thương hàng hóa được thuận lợi.

Ông Hoàng Văn Bình, người dân thôn Nà Chõ, cho biết: Nhà nước đã đầu tư cho con đường, dù mới chỉ một phần, nhưng như vậy đã là đáng quý rồi. Người dân trong xóm luôn nhắc nhở nhau phải giữ gìn con đường, hạn chế xe chở nặng đi vào, đảm bảo việc đi lại được hai mùa cho người dân. 

Với nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình 135, hằng năm, người dân trong thôn còn bỏ ra hằng chục ngày công để tu sửa, dặm vá đường, giữ cho tuyến đường không xuống cấp, phục vụ tốt cho việc đi lại, lưu thông hàng hóa.

Hay như tại huyện Vị Xuyên, từ năm 2016 - 2020, huyện đã đầu tư xây dựng 119 công trình giao thông, thủy lợi, với tổng kinh phí 97 tỷ đồng cho 124 thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) từ nguồn vốn CT135.

Trên công trình kênh dẫn nước tưới thôn Lùng Chang, xã Linh Hồ, chị Đặng Thị Thích chia sẻ: Được Nhà nước đầu tư công trình thủy lợi, hỗ trợ sản xuất, người dân trong thôn có điều kiện phát triển kinh tế. Như gia đình chị, được đảm bảo nước tưới, 0,4ha lúa vụ Xuân phát triển tốt, năng suất đạt bình quân 40 tạ/ha. 

"Chúng tôi bảo nhau phải giữ gìn công trình, không để trẻ em, gia súc phá hoại. Hai năm qua, từ nguồn kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình, người dân trong thôn đã đóng góp ngày công để tu sửa, nạo vét, khơi thông kênh thủy lợi, đảm bảo nước tưới cho hàng chục ha lúa nước, góp phần nâng cao hiệu quả công trình, nâng cao năng suất mùa vụ", chị Thích chia sẻ.

Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn CT135, hạ tầng nông thôn ở Vị Xuyên có nhiều thay đổi tích cực, đời sống Nhân dân có nhiều khởi sắc. Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 24,2 triệu đồng/người/năm (tăng 4,2 triệu đồng so năm 2019). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện còn 23,3%.

 Người dân thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình) đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất
Người dân thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình) đưa cơ giới vào phục vụ sản xuất

Ưu tiên công trình phục vụ phát triển sản xuất

Báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang cho biết: Trong giai đoạn 2016 - 2020, từ nguồn vốn CT135, tỉnh Hà Giang đã đầu tư trên 1.102 tỉ đồng để đầu tư các công trình hạ tầng, như điện, đường, trường, trạm. Trên cơ sở tiêu chí, định mức, UBND tỉnh đã phân bổ cho các huyện, thành phố triển khai thực hiện, chủ yếu thanh toán trả nợ cho các công trình đầu tư từ những năm trước; lồng ghép thanh toán các công trình khác trên địa bàn xã thôn ĐBKK, tổng số có 1.408 lượt công trình được bố trí vốn. Số công trình do xã làm chủ đầu tư là 190 công trình.

Các hạng mục công trình được đầu tư đảm bảo đúng theo danh mục quy định, ưu tiên những công trình có tác động trực tiếp đến phát triển sản xuất, phục vụ đời sống như: thủy lợi, trường học, điện, nước sinh hoạt... Sau đầu tư, tỉnh đã phân khai nguồn vốn để các địa phương thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo tiến độ, hiệu quả. 

Đến nay, đã có 308 công trình hạ tầng tại các xã được phân bổ vốn duy tu, bảo dưỡng. Trong đó, việc huy động sức dân, sức mạnh cộng đồng được chú trọng, nhờ đó phát huy hiệu quả các công trình hạ tầng, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Kết quả đạt được của từng hợp phần của CT135, từng nội dung đầu tư, đã và  đang tác động trực tiếp  thúc đẩy KT-XH, xóa đói, giảm nghèo ở vùng DTTS và miền núi; góp phần thay đổi diện mạo nông thôn miền núi; nhất là các xã ĐBKK. Hạ tầng được đầu tư xây dựng nên việc đi lại, khám chữa bệnh, học hành có nhiều thuận lợi hơn trước; đời sống Nhân dân từng bước được cải thiện; sản xuất nông, lâm nghiệp có chuyển biến tích cực.

Việc đầu tư hạ tầng đồng bộ đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Hà Giang đã giảm 33.163 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% (năm 2016) xuống còn 22,53% (năm 2020, bình quân giảm 4,2%/năm). Trong đó, 6 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 64,03% (năm 2016) xuống còn 34,0% (năm 2020).

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.