Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế. Nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đồng nghĩa với việc sản xuất bị ngừng trệ, các hộ kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu thì phải đóng cửa, người lao động thì bị mất việc làm...
Để hỗ trợ doanh nghiệp, mới đây, Chính phủ vừa công bố dự thảo đề xuất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giải pháp về thuế hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh khắc phục khó khăn do COVID-19. Trong đó điểm nhấn chính là gói miễn, giảm thuế lên tới 20.000 tỷ đồng.
"Tiếp tục giảm thuế TNDN cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ, giảm các loại thuế phải nộp cho hộ kinh doanh cho mọi hình thức khai nộp thuế, chúng tôi dự kiến giảm 50%. Giảm thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh như giao thông vận tải, kinh doanh lưu trú, du lịch… Miễn tiền chậm nộp thuế cho người nộp thuế gặp khó khăn. Giảm tiền thuê đất phải nộp năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn", Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại buổi họp báo Chính phủ tháng 7.
Gói miễn, giảm thuế tại thời điểm này được ví như "cơn mưa trong ngày nắng hạn". Bởi trải qua 3 đợt dịch bệnh, đến lần 4, "sức đề kháng" của doanh nghiệp và người lao động hầu như đã cạn kiệt.
Cú hích cho doanh nghiệp
Như tại một doanh nghiệp du lịch, trong 7 tháng đầu năm thì có đến 4 tháng hầu như không có doanh thu. Dịch COVID-19 khiến khách hàng đồng loạt hủy tour.
Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn phải duy trì hoạt động và trả lương cho vài chục nhân viên. Nếu được miễn 1 phần thuế TNDN và thuế GTGT, thì doanh nghiệp sẽ có thêm 1 nguồn vốn không nhỏ để tái đầu tư vào các sản phẩm du lịch mới, chờ hết dịch sẽ triển khai.
"Là một nguồn lực rất lớn tạo ra cho doanh nghiệp, để có thể duy trì hoạt động, tuyển dụng lại lao động, để dần dần khắc phục qua các đợt dịch này", ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho biết.
Còn tại doanh nghiệp nhỏ, gần 1 tháng nay, đóng cửa dừng hoạt động để thực hiện phòng chống dịch theo Chỉ thị 17 của TP. Hà Nội. Đồng nghĩa với việc cũng không có doanh thu. Gần chục nhân viên vì thế mà cũng không có việc làm. Do vậy, nếu được giảm thuế thì sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp.
"Giai đoạn khó khăn như thế này, khoản chi phí dù là nhỏ thì cũng giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nên là giãn thuế, mà lại được giảm thuế nữa thì là quá tuyệt vời. Để giúp cho các doanh nghiệp siêu nhỏ như chúng tôi có động lực cố gắng để vượt qua", bà Nguyễn Thị Loan - Phó Giám đốc Công ty CP Thương mại dịch vụ Lửa Xanh cho biết.
6 tháng đầu năm nay, có khoảng hơn 70.000 doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Do vậy, việc miễn, giảm thuế là sự chia sẻ và hỗ trợ rất thiết thực của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
"Những doanh nghiệp tốt là những doanh nghiệp đã đóng thuế trong năm 2019 - năm trước dịch và bây giờ phải ngưng hoạt động. Dựa trên số thuế họ đã đóng trong năm 2019, Nhà nước quay trở lại, giảm trực tiếp cho họ bằng 1 tỉ lệ % của số thuế đã đóng 2019", ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright đánh giá.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc miễn, giảm thuế lần này sẽ khiến ngân sách hụt thu khoảng 20.000 tỷ đồng, trong khi áp lực cân đối thu chi rất lớn. Điều này thể hiện sự đồng hành của Chính phủ đối với doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội này, nỗ lực để vượt qua khó khăn.
Đề xuất mở rộng đối tượng, thời gian hưởng chính sách giảm thuế
Phấn khởi vì được miễn, giảm thuế, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn gói chính sách này được thiết kế nhanh chóng, đơn giản và đặc biệt là phù hợp cho từng ngành, từng lĩnh vực, bởi mỗi ngành nghề lại chịu những tác động khác nhau từ dịch COVID-19.
Dự thảo gói hỗ trợ quy định chỉ doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng mới được giảm 30% thuế TNDN. Theo các doanh nghiệp, nên mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp có quy mô dưới 300 tỷ đồng.
Vì 2 quy mô này đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, chịu ảnh hưởng thiệt hại như nhau. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng mong muốn được kéo dài thời gian giảm thuế, thay vì chỉ áp dụng cho quý III và IV năm nay. Vì rất nhiều ngành nghề như du lịch, vận tải… trong quý III hầu như không có doanh thu
"Nên kéo dài hết quý I và tốt nhất là quý II/2022 vì mùa du lịch nội địa năm nay gần như đã qua. Quý IV hiện tại tình hình dịch vẫn biến biến phức tạp, vẫn khó khăn khôi phục lại du lịch", ông Phùng Quang Thắng - Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist đề xuất.
Theo chuyên gia, Chính phủ có thể cân nhắc mở rộng thêm đối tượng doanh nghiệp thụ hưởng gói miễn, giảm thuế là quy mô dưới 300 tỷ đồng. Còn đối với thời gian thụ hưởng, phải dựa vào nhiều yếu tố, đặc biệt là cân đối ngân sách của từng năm, chưa thể đưa ra ngay quyết định giảm cho tới đầu năm sau.
"Các chính sách về giảm thuế cho năm 2022 phải dựa trên cân đối ngân sách của năm 2022, như vậy, chúng ta phải đánh giá 1 cách tổng thể, tác động ngân sách như thế nào và tác động đến doanh nghiệp như thế nào thì sẽ cân nhắc trong thời gian tới là phù hợp hơn", PGS.TS. Lê Xuân Trường - Trưởng khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho biết.
Ngoài gói giảm thuế do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 lần này, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất để giảm thuế TNDN, cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa xuống chỉ còn 15 - 17%, thay vì 20% như hiện nay
Hiện nay, Bộ Tài chính đang gấp rút lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan, để tổng hợp báo cáo Chính phủ. Trong phiên họp gần nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ sẽ trình để cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét, quyết định ban hành nghị quyết về gói hỗ trợ này
Theo kết quả điều tra gần 12.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiến hành cuối năm ngoái, các nhóm giải pháp hỗ trợ về thu ngân sách là nhóm giải pháp có hiệu ứng và tác động tốt nhất với các doanh nghiệp.
Hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng và chưa từng có, vì vậy các giải pháp hỗ trợ cũng cần phải mạnh mẽ chưa từng thấy. Trong 2 năm qua, Chính phủ đã 2 lần hoãn, giãn nộp thuế cho doanh nghiệp và lần này là chính sách miễn, giảm thuế. Những chính sách này được đánh giá là mạnh mẽ, kịp thời, sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh "hồi sức" sau dịch bệnh và hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.