Lễ hội dự kiến xây dựng các khu không gian chung, gian hàng các tỉnh thành, gian hàng du lịch, không gian ẩm thực, làng nghề. Trong đó, khu không gian chung sẽ thiết kế các tiểu cảnh 2D, 3D giới thiệu điểm đến du lịch Hà Nội tại khu vực phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và các tuyến phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Lai, Lê Thạch.
Khu gian hàng các tỉnh, thành giới thiệu du lịch và đặc sản địa phương tại phố Đinh Tiên Hoàng. Khu gian hàng của các cơ quan du lịch quốc tế giới thiệu điểm đến du lịch các nước, thúc đẩy hoạt động du lịch song phương.
Ban Tổ chức sẽ bố trí các gian hàng và quầy du lịch giới thiệu các sản phẩm tour, combo du lịch, khách sạn, vé máy bay tại các phố: Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch và Lê Lai. Khu không gian làng nghề, ẩm thực Hà Nội giới thiệu một số sản phẩm làng nghề tiêu biểu, giới thiệu món ăn, đặc sản của Thủ đô tại khu vực nhà Bát Giác.
Song song với hình thức triển lãm và giới thiệu, bán sản phẩm trực tiếp, Ban Tổ chức sẽ triển khai trang web quảng bá du lịch Hà Nội và bán sản phẩm du lịch nền tảng công nghệ trực tuyến để giới thiệu, bán sản phẩm của các đơn vị du lịch tham gia Lễ hội. Sân khấu chính tại tượng đài Lý Thái Tổ là nơi tổ chức lễ khai mạc, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn kỹ thuật chế biến món ăn, tổ chức gameshows để thu hút du khách.
Dịp này, các sản phẩm du lịch của Hà Nội và sản phẩm liên kết với các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ được giới thiệu đến người dân và du khách. Người dân và du khách có thể mua các tour du lịch, vé máy bay, dịch vụ tham quan, du lịch tại các khu điểm du lịch tại Hà Nội và các tour du lịch, dịch vụ du lịch có khuyến mại kết nối Hà Nội với cả nước.
Tiềm năng du lịch làng nghề - ẩm thực Hà Nội cũng được giới thiệu tại đây với các loại bánh, nem Phùng Đan Phượng, chè lam, kẹo lạc, bánh tẻ Sơn Tây, tò he, sản phẩm mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, lưu niệm...
Trong thời gian diễn ra Lễ hội, Ban Tổ chức sẽ tổ chức các đoàn khảo sát dành cho doanh nghiệp du lịch cả nước đi khảo sát một số điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội.