Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Gió qua miền đất trống

PV - 22:15, 22/11/2020

Tiếng còi xe ồn ã của đoàn người về từ đồi Chim. Vui một chốc, dù bùn lầy bám lên lưng, lên mặt, ám cả cái cười của những người dân Phước Thành (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Cũng dễ hiểu, vì sau 21 ngày đằng đẵng, họ đã trút được những bao tải gạo, dầu mắm từ lưng mình xuống yên xe máy, trở ngược về làng. Niềm vui bé mọn bắt đầu cho một hành trình, dùng chữ cho sang gọi là “tái thiết”…

Dòng Đăk Ba Sao trước đây chỉ rộng chừng 2m, bị lũ quét xé toang. Ảnh: T.C
Dòng Đăk Ba Sao trước đây chỉ rộng chừng 2m, bị lũ quét xé toang. Ảnh: T.C

1. Chiếc xe xúc lật chuyên dụng gầm lên trong đống bùn lầy. Phía trước, bánh xích một xe múc khác ngập trong nước, cần mẫn bới dọn đống đất đá khổng lồ đầu con dốc vào thôn 2 xã Phước Thành. Hàng dài người dân đứng dõi theo từng khắc. Chỗ này, là điểm sạt lở cuối cùng ngăn cách đường vào Phước Thành, trong số cả trăm điểm làm cô lập hơn 1.800 nhân khẩu suốt ba tuần qua…

Con bé lớn của chị Hồ Thị Hoa - chủ quán cà phê Phố Núi ôm đứa em ngồi trên võng, khẽ đu đưa. Trống hoác phía bên con bé ngồi, nhìn sang là khoảng hàm ếch bên kia dòng Đăk Ba Sao, sát chân một căn nhà gỗ chực chờ đổ ụp xuống đống đá khổng lồ bên dưới. Ba tuần trước, cũng vào giờ quá trưa như lúc này, chỉ khác là trời không có nắng, một nửa căn nhà của chị Hoa bị cắt đôi, vùi trong dòng thác lũ. Con bé chắc không đủ lớn để hiểu chuyện gì đang xảy ra, nhưng có lẽ, nó biết được sự lo lắng của mẹ. “Từ đó đến giờ con bé ngoan lắm, nó ôm em suốt” - chị Hoa nói. Đứa út, chỉ mới vài tháng tuổi, ngủ ngon lành, chiếc võng mắc giữa cột nhà nằm ngay bên miệng vực. Gió hù hù thổi qua.

Hai đứa con của chị Hồ Thị Hoa bên căn nhà trống hoác vì sạt lở. Ảnh: T.C
Hai đứa con của chị Hồ Thị Hoa bên căn nhà trống hoác vì sạt lở. Ảnh: T.C

Phước Thành, và kề bên là Phước Lộc đều đã mất điện, thiếu nước sạch, bị chia cắt, cô lập suốt từ 28.10 đến nay. Trận lũ đã cắt nham nhở con đường ĐH1 với hàng trăm điểm sạt lở, chặn đứng lối đi từ Phước Kim đến nơi này. Đã có 49 căn nhà bị phá hỏng hoàn toàn, chính xác hơn, là tuyệt nhiên mất dấu. Thêm 55 căn nhà khác, trong đó có nhà của chị Hoa bị hư hỏng từ 30 - 70%. Tất cả dân làng đã may mắn thoát cái chết trong gang tấc. Một ngày trước khi trận lũ quét kinh hoàng cuốn theo đất đá đổ từ đỉnh núi xuống, cán bộ xã, công an, dân quân chạy ngược chạy xuôi kêu gọi người dân tránh trú. Nhiều người không đi. Đến lúc núi gầm lên, tiếng gầm chưa từng có trong trí nhớ của những người hàng chục năm gắn bó với miền đất này, họ mới bàng hoàng tháo chạy.

Họ nhắc nhớ, ông Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành khi đó đứng trước trạm y tế xã, ngay sát bên dòng Đăk Ba Sao gào lên, rồi khóc, nhờ tiếng khóc đó mà họ còn sống. “Khu sạt lở không nằm trong diện di dời khẩn cấp, chưa một ai nghĩ dòng Đăk Ba Sao, vốn chỉ rộng chừng hai mét, lại dẫn về một cơn lũ quét kinh hoàng như thế. Không quá vài phút, mọi thứ bị xóa xổ nhanh hơn nổ mìn. Những tảng đá to bằng cả căn nhà lăn lục cục, va vào nhau, rền như sấm. Nhiều người còn không kịp ngoảnh lại lần cuối nhìn ngôi nhà của mình. Dân làng chưa một ai từng chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp như thế, kể cả những người già nhất. Lũ quét sát chân trạm y tế xã, nhiều người đang tránh trú trong đó phải trèo tường, chạy lên đồi để trốn” - anh Nguyễn Doãn Tuấn, cán bộ phụ trách văn phòng UBND xã Phước Thành kể.

Chị Mai Ly rưng rưng nước mắt, nỗi ám ảnh quá lớn chưa thể xóa nhòa sau trận lũ quét. Ảnh: T.C
Chị Mai Ly rưng rưng nước mắt, nỗi ám ảnh quá lớn chưa thể xóa nhòa sau trận lũ quét. Ảnh: T.C

2. Tôi đi vào trạm y tế xã. Chị Nguyễn Thị Mai Ly - y sĩ trạm y tế xã Phước Thành lui cui bắc nồi cơm xuống từ kiềng bếp. Mười lăm hộ, như Ly, mất nhà sau lũ. Trạm y tế trở thành “nhà chung”, mỗi căn phòng nhỏ làm chỗ ngủ cho hơn mười người. Bữa trưa, ngoài nồi cơm, có một chảo cá khô, một ít măng, và tô canh bèo nhèo.

“Sáng đó tụi em đang cấp cứu cho một người ở làng. Bọn em chỉ nghĩ là sạt lở đâu đó trên đồi, không nghĩ là lũ quét, cứ đinh ninh nhà mình kiên cố nên bão chắc cũng không ảnh hưởng gì nhiều. Cấp cứu xong thì em nghe tiếng hô hoán gọi mọi người chạy. Ra tới sân thì đã thấy mấy nhà ở phía trên đổ xuống. Nhà của mình hồi xưa, giờ thay bằng hòn đá tảng khổng lồ. Mười năm công tác, bao nhiêu công sức dành dụm giờ trôi sạch sẽ, không còn lấy một bộ đồ” - Ly nói.

Không một ai muốn nhớ về những gì đã xảy ra. Bà Nguyễn Thị Lệ, quê Đại Đồng, Đại Lộc, dắt díu vợ chồng, con cái lên Phước Thành từ 20 năm nay. Bà chưa có một đêm yên giấc, từ ngày lũ ống đổ về. Nước mắt như chực đâu đó từ khóe mắt, cứ thế chảy dài trên gương mặt đã hằn in mỏi mệt. Ám ảnh và đau xót. Từ chỗ trạm y tế xã nhìn xuống, là con đường đã đứt đôi, lởm chởm những khối đá khổng lồ. Sót lại một tấm ảnh trong điện thoại của Nguyễn Doãn Tuấn một đoạn đường thẳng tắp, rợp cờ đỏ. Thật khó để xác nhận những gì tôi đang thấy khi so chiếu với bức ảnh, là cùng một đoạn đường, mà mới đó thôi còn xanh ngăn ngắt màu bình yên nơi góc núi.

Sau rất nhiều nỗ lực, điểm sạt lở cuối cùng trên cung đường từ Phước Kim vào thôn 2 Phước Thành đã được khơi thông. Ảnh: T.C
Sau rất nhiều nỗ lực, điểm sạt lở cuối cùng trên cung đường từ Phước Kim vào thôn 2 Phước Thành đã được khơi thông. Ảnh: T.C

3. “Anh có thấy đoàn người rất đông kéo ra ngoài kia không. Người làng, họ đi kiếm việc đó. Gạo, mắm muối, cá khô của huyện cấp, của các đoàn từ thiện, đủ để sống trong 15 ngày tới. Nhưng sau 15 ngày đó là gì? Họ phải kiếm sống. Những rẫy quế hàng chục năm nát tươm rồi. 20ha lúa rẫy khó có thể tái sản xuất, đừng nói là thu hoạch. 45 trong tổng số 56ha lúa nước giờ bị đất đá lấp sâu. Tiền chục triệu, trăm triệu của mỗi nhà ở đó, mất rồi, mất không thua gì số nhà cửa, của cải bị trôi vì lũ” - anh Nguyễn Doãn Tuấn chìa hai lòng bàn tay. Mất trắng. Tương lai bất định là điều có thể thấy. Bắt đầu lại, nhưng không ai nhìn thấy điểm bắt đầu. Chông chênh những lựa chọn. Mà vốn dĩ, đã rất ít sự lựa chọn cho sinh kế, cho miếng cơm manh áo của đồng bào.

Góc núi sẽ thật đẹp, nếu đứng từ rất xa, từ đỉnh đồi nhìn xuống dòng Nước Mét. Sẽ bớt đau đớn như thể chỉ đang nhìn đâu đó vào vài ba bức hình gửi từ dân vùng lũ quét lên mạng xã hội, hay những dòng tin tức thống kê. Tôi không muốn nhắc lại những đói nghèo cơ cực ở miền núi, nhất là con số, khi chúng chẳng nói lên được gì nhiều. Tôi muốn kể câu chuyện ở đây, ngay bên ngổn ngang đất đá và đổ nát của thôn 2 Phước Thành, ngay trong bữa cơm mà nước mắt cứ chảy xuống lặng lẽ trên gò má những người đàn bà ở trạm y tế xã.

Bữa cơm trưa của những người phụ nữ ở trạm y tế xã Phước Thành. Chồng con của họ đã đi nhận hàng cứu trợ. Ảnh: T.C
Bữa cơm trưa của những người phụ nữ ở trạm y tế xã Phước Thành. Chồng con của họ đã đi nhận hàng cứu trợ. Ảnh: T.C

Mười lăm hộ ở trạm y tế, 49 căn nhà mất dấu, hay 55 căn nhà hư hỏng, hay bao cánh rẫy quế bật gốc, ruộng lúa bị lấp vùi, mẫu số chung là một nỗi âu lo. Thiệt thòi kép từ cách trở miền núi bện chặt với thảm họa, chắc chắn không thể chỉ trông chờ vào chính sách cứu trợ, càng không thể mang những kinh nghiệm “tái thiết” của vùng khác đặt vào đây, trong những ngày sắp tới.

Ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, sau những giải pháp tạm thời, sắp tới, huyện sẽ xây dựng kế hoạch tổng thể, mời các nhà khoa học để đánh giá tổng quan tình hình các khu vực để đảm bảo chọn được vị trí an toàn mà xây dựng các khu tái định cư, đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ nhân dân một cách lâu dài nhất. Đó chắc chắn là câu chuyện dài, sẽ mất vài năm, có khi lâu hơn để thành hình một góc núi khác yên bình và an toàn như kỳ vọng. Bữa ăn tạm bợ, giấc ngủ tạm bợ, và cả những ám ảnh chực chờ sẽ bao giờ kết thúc? Tôi thấy được sự hân hoan của đám đông đi xe máy chở hàng hóa về làng, cả cái mong chờ của đoàn người đứng theo dõi máy xúc, máy ủi dọn từng mét đường. Thoát khỏi cô lập, nhưng chắc chắn còn bị vây khốn trong bao khó khăn chất chồng phía trước mà chẳng cần dự cảm.

Một chút nắng hanh hao rớt xuống vạt đồi, như ban tặng chút tốt lành cho những ngày sắp tới. Tôi cũng như họ, cầu mong nắng ấm sau quá nhiều những đau thương cho miền đất này suốt ba tuần qua. Và mong gió đừng ràn rạt thổi nữa, qua miền đất trống, yên cho giấc ngủ của đứa bé con chị Hoa bên chiếc võng treo giữa căn nhà nằm ngay bên miệng vực…

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.