Chịu nhiều thiệt hại
Tại huyện miền núi Vĩnh Thạnh, người dân rất lo lắng vì tình trạng sạt lở đất đá gây chia cắt. Đây là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong các đợt lũ vừa qua của tỉnh Bình Định.
Tại xã Vĩnh Kim, các thôn O3, Đắk Tra và Con Trú vẫn đang bị chia cắt, đường dẫn vào các làng bị đất đá chắn ngang đường. Hiện một số làng không có điện, nước, thực phẩm,…; người dân sợ ra ngoài vì lo lại sạt lở đường vùi lấp.
Ông Đinh Khư, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Kim, kể lạit: “Mưa lớn từ 3h sáng ngày 6/11 đã gây lũ ống càn quét các khu dân cư và gây sạt lở hệ thống giao thông tại xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn. Trong sáng và trưa cùng ngày, toàn bộ các khu dân cư trên địa bàn xã Vĩnh Kim đều bị cô lập do hệ thống giao thông bị sạt lở nhiều đoạn. Toàn tuyến có trên 40 điểm sạt lở nặng với hơn 12 nghìn mét khối đất đá bồi lấp”.
Theo UBND huyện Vĩnh Thạnh, trận lũ quét kéo theo hàng ngàn khối đất đá từ trên núi đổ xuống bên dưới, phá hủy đường sá và một số nhà cửa, hệ thống điện nước trong khu vực. Hàng loạt cây cối, đất đá bị cuốn trôi, nằm ngổn ngang khắp nơi.
Ông Bùi Tấn Thành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Trước mắt huyện huy động các lực lượng tập trung khôi phục lại hệ thống giao thông đến các làng để vận chuyển lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con. Huyện đã tổ chức 1 đoàn công tác lên và bố trí 1 số gạo, trước mắt là hỗ trợ gạo, mỳ tôm, dầu ăn và các nhu yếu phẩm cần thiết để trước mắt đảm bảo đời sống của bà con và sau đó sẽ có kế hoạch về lâu dài.
Còn tại miền núi An Lão, sáng ngày 12/11, hàng chục hộ đồng bào dân tộc H’re ở khu tái định cư thôn 1, xã An Dũng, chứng kiến trận sạt lở núi khiến ai cũng lo sợ. Sau nhiều ngày mưa lớn kéo dài ảnh hưởng từ hoàn lưu bão số 12, mái ta luy dương cao hơn 20 mét của quả đồi sau khu tái định cư bất ngờ đổ sập xuống, kéo theo hàng ngàn khối đất, đá ập xuống sát nhà dân.
Chị Đinh Thị Nhân, nhà ngay chân quả núi kể lại: Mình đang ngồi cho gà ăn nghe thấy ầm, rồi sạt lở. Kêu mấy người trong nhà hoảng quá chạy ra ngoài, may là cũng kịp chạy. Lo lắng, hồi hộp giờ có dám ở trong nhà đâu, lúc nào cũng đi ra chỗ khác ở, thấy cảnh tượng này bà con ai cũng hoảng loạn.
Sạt lở bất thường
Khu vực định cư thôn 1, xã An Dũng, huyện An Lão chưa bao giờ xảy ra sạt lở. Nhà tái định cư của người dân cũng nằm cách xa chân núi nên qua nhiều mùa mưa bão, chưa xảy ra thiệt hại gì về người và tài sản. Thế nhưng, sau trận sạt lở vừa rồi bà con không dám trở lại nhà.
Chưa đầy 15 ngày, tỉnh Bình Định bị ảnh hưởng bởi 3 đợt mưa bão khiến 23 người mất tích trên biển, 19 người trên đất liền bị thương, gây thiệt hại ước tính hơn 1.043 tỉ đồng. Trong đó, cơn bão số 9 (ngày 28/10) gây thiệt hại gần 500 tỉ đồng, 2 cơn bão số 10 (ngày 6/11) và bão số 12 (ngày 10/11) thiệt hại gần 543 tỉ đồng.
Ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã An Dũng nói: “Trong thời gian tới, đề nghị lãnh đạo huyện sớm có giải pháp khắc phục. Hiện giờ tư tưởng người dân rất hoang mang và cũng sợ tiếp tục sạt lở, nguy hiểm tới tính mạng và tài sản của bà con”.
Trong khi đó, tại huyện Vân Canh, mưa lớn kết hợp với nước từ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Hà Thanh dâng nhanh, gây ngập nhà nhiều hộ dân tại thị trấn Vân Canh, xã Canh Thuận, Hiển Hiển... Trên tuyến đường từ xã Canh Thuận đi Canh Liên, có 10 điểm sạt lở, đất đá nằm chất thành đống trên mặt đường.
Cầu tràn làng Canh Phước, xã Canh Hòa cũng bị sạt lở mố cầu; cầu Bình Long xã Canh Vinh bị tụt 2 nhịp; cầu từ thôn Canh Tân thị trấn Vân Canh và Canh Thuận cũng bị sạt lở mái ta luy dài 20m, âm sâu 1m.
Trực tiếp kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn kéo dài và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả sau lũ ở Vĩnh Thạnh, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở Vĩnh Thạnh, cũng như một số huyện miền núi khác trong tỉnh. Đã xảy như thế này thì sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Về lâu dài sẽ tính đến phương án di dời bà con đi nơi khác để đảm bảo an toàn.
“Lo nhất nếu tiếp tục mưa bão thì khả năng sạt lở sẽ tiếp tục xảy ra cho nên chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt là phải di dời các hộ dân ở chân núi đến nơi an toàn. Tỉnh đã giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh làm trưởng đoàn cùng với các cơ quan chức năng đi khảo sát từng vị trí, từng địa điểm. Ở vị trí nào thì phải di dời đến đâu, có sơ đồ, có phương án, trên cơ sở đó tổ chức thực hiện việc di dời bảo đảm an toàn, tính mạng của người dân”, ông Dũng cho biết thêm.