Những năm gần đây, với phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, tỉnh Yên Bái đã xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên dám nghĩ, dám làm, tích cực lao động sản xuất, làm giàu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội, góp sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Điển hình trong phong trào này có đoàn viên Giàng A Dê ở xã La Pán Tẩn, Mù Cang Chải (Yên Bái), là gương mặt thanh niên tiêu biểu được Trung ương Đoàn vinh danh nhận giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2021.
Giàng A Dê sinh năm 1989, Giám đốc Công ty THHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải, là chàng trai hiếm hoi trong số những người Mông ở La Pán Tẩn được học hành đến nơi đến chốn. Năm 2007, chàng trai Giàng A Dê trúng tuyển đại học. Đây là niềm tự hào của người Mông ở La Pán Tẩn, bởi nơi đây nghèo khó, miếng ăn còn chật vật nghĩ gì đến chuyện học hành. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, Giàng A Dê về làm việc tại Viettel Mù Cang Chải. Rồi anh lấy vợ, sinh con như bao người Mông khác ở cái xứ đầu trời cuối đất này.
Thế nhưng, có lẽ cơ duyên đặc biệt nhất đến với Giàng A Dê là khoảnh khắc anh thấy những du khách nước ngoài cắm trại ngủ lại bên cạnh bờ suối, giữa cơn mưa rừng khắc nghiệt của vùng cao. Dê chia sẻ: “Mình nghĩ trong bụng, nếu đêm mà có lũ về thì chẳng biết sao nữa. Thế là đêm ấy về, trong đầu mình cứ trăn trở đến việc làm thế nào phải xây dựng cho được một nơi ăn, chốn nghỉ cho những vị khách đến thăm vùng quê của chính mình. Ngay đêm hôm đó, hàng loạt ý tưởng ra đời”.
Dẫu biết để thực hiện được thì khó khăn trăm bề, nhưng trong anh luôn vững tin “chắc chắn mình sẽ làm được”. Giàng A Dê đứng trước lựa chọn đánh đổi: Công việc ổn định, hay bắt đầu những thử thách mới. Chưa đầy 1 tháng, anh đã có quyết định của mình. Anh kể: “Hôm đó bàn với vợ, thật may mắn vì được vợ ủng hộ và quyết cùng mình thực hiện. Cuối năm 2017, mình nghỉ việc ở Viettel để thực hiện mong muốn đó từ con số 0”.
Khi bắt đầu thực hiện mới thấy mọi thứ thật sự rất khó khăn, những vấn đề liên tiếp xuất hiện: Chọn đất xây dựng nhà nghỉ ở đâu, huy động vốn thế nào? Làm cách nào để có thể phát triển dịch vụ mà không tách rời phong tục của người Mông địa phương? Trong đó, thứ khiến anh trăn trở nhất là: “Đất đồi thì nhiều, tour gắn với cuộc sống đồng bào cũng có thể nghĩ ra, nhưng nguồn vốn đầu tư là điều khiến mình có ý định bỏ cuộc không ít lần”.
Xây dựng được homestay đã khó, nhưng để vận hành được nó lại là một quãng đường gian nan nữa của vợ chồng Giàng A Dê. Khách nước ngoài đến La Pán Tẩn ngày một đông hơn, mà khổ nỗi, anh chị chẳng hề biết tiếng Anh. Nhận thức được rõ sự cản trở ngôn ngữ khi giao tiếp, thế là anh chị lại quyết định “mạo hiểm”. Anh ở nhà tiếp tục cải tạo và xây dựng cảnh quan cho homestay, còn chị ngược lên Sa Pa (Lào Cai) làm phục vụ nhà hàng với mục đích chính là học bằng được tiếng Anh.
Sau 3 năm đi vào hoạt động với muôn vàn khó khăn, trắc trở, Công ty của anh đã gặt hái được những thành tích hết sức nổi bật. Năm 2019, homestay đón trên 600 lượt khách, với doanh thu trên 250 triệu. Năm 2020, anh nâng cấp homestay lên doanh nghiệp, thành Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Hello Mù Cang Chải với slogan: “Đi là thích, đến là mê”.
Công ty đã đạt doanh thu trên 220 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động, 6 hướng dẫn viên theo thời vụ và 12 xe ôm du lịch. Công ty còn mở lớp tập huấn cho các chủ homestay về chăm sóc khách hàng, nấu ăn, cài đặt và hướng dẫn sử dụng các phần mềm khách sạn; tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, như: Hướng dẫn làm thổ cẩm để bán; mua lợn, gà, rau, củ, quả, rượu… chế biến món ăn phục vụ du khách và giới thiệu, quảng bá sản phẩm của người địa phương.
3 năm nay, ngoài phục vụ cho khách du lịch nước ngoài, anh chị còn dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ con ở La Pán Tẩn. Lúc đầu, người Mông vốn chẳng dám cho con đi học. Họ thấy anh chị suốt ngày cứ dẫn mấy ông Tây to cao lực lưỡng đi suối bắt cá, xuống ruộng cấy mạ lại càng ngại. Thế nhưng, khi anh chị được nhiều người ủng hộ hơn, thấy thu được kinh tế từ du lịch là người dân tin ngay. Lớp tiếng Anh cũng từ đó mà có học sinh đi học đều đặn, còn thầy cô giáo thì đến từ đủ mọi quốc tịch. Có khách còn tặng cả một tủ sách cho anh chị.
Qua hơn 3 năm hoạt động, homestay của Giàng A Dê cho thu nhập ổn định với khoảng 30 triệu đồng/tháng. Vào những ngày cuối tuần, nếu không đặt trước khách không có chỗ nghỉ. Dự định của Dê là sẽ tiếp tục làm thêm các bugalow ngay tại ruộng bậc thang để khách nghỉ và ngắm trời. Thành công từ mô hình này của anh Dê sẽ giúp du lịch của tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển, thu hút được lượng lớn du khách và tạo việc làm, mang lại thu nhập cho bà con địa phương./.