Tín hiệu tích cực
Ông Bùi Văn Rậu, sinh năm 1958, thôn Đầm Sáng, xã Xuân Thủy được Nhân dân tin tưởng, bầu là Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số kiêm Chi hội trưởng Người cao tuổi của thôn. Nhận thấy một số thôn bên cạnh còn tình trạng tảo hôn, ông luôn trăn trở và tích cực vận động gia đình và Nhân dân trong thôn của mình chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong đó có Luật Hôn nhân và Gia đình… Nhờ đó, nhiều năm trở lại đây, thôn Đầm Sáng không xảy ra trường hợp tảo hôn nào.
Trò chuyện với em Bùi An Khang, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học và THCS Thượng Bì là cháu nội của ông Rậu, Khang tỏ ra rất hiểu biết và nói rõ được độ tuổi kết hôn của nam là đủ từ 20 tuổi, nữ là đủ từ 18 tuổi. Khang nhấn mạnh, những kiến thức đó em được học từ nhà trường, về gia đình thường được ông chia sẻ và qua cuộc giao lưu văn nghệ tuyên truyền về tảo hôn do địa phương tổ chức.
Nhằm giúp học sinh tại Trường Trung học Phổ thông – Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Kim Bôi có thêm hiểu biết để phòng ngừa TH-HNCHT, năm 2023, Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình dựng tấm bảng pa-nô tuyên truyền về TH-HNCHT ở sân trường để toàn bộ học sinh trong trường dễ dàng quan sát.
Đứng dưới tấm bảng pa-nô, em Bùi Hồng Ngọc, lớp 7B cho biết, hằng ngày em nhìn thấy tấm biển ở giữa sân trường với những khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ; bên cạnh đó, Nhà trường thường tổ chức các buổi học ngoại khóa tuyên truyền về TH-HNCHT bằng nhiều hình thức như cuộc thi, sân khấu hóa, bằng video và đặc biệt, năm học vừa qua, em được theo dõi các anh chị trong trường tham gia Cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TH-HNCHT cho học sinh các trường dân tộc nội trú năm 2023 do Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình tổ chức… Qua đó em thấy rằng, TH-HNCHT là không đúng. Việc của chúng em bây giờ là tập trung học tập thật tốt để có một tương lại tươi sáng.
Có thể thấy, em Bùi Văn Khang và em Bùi Hồng Ngọc đã nắm khá rõ kiến thức pháp luật về TH-HNCHT, kiến thức này đến từ nhiều luồng thông tin khác nhau, từ nhà trường, gia đình, bạn bè, thôn, xóm… Điều đó chứng minh rằng, đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trong tuyên truyền về TH-HNCHT trên địa bàn huyện Kim Bôi trong những năm vừa qua.
Đa dạng các hình thức tuyên truyền
Từ năm 2021 đến năm 2024, huyện Kim Bôi đã lồng ghép các chương trình, chính sách, tổ chức các hội nghị tuyên truyền tới cán bộ xã, thôn, đại diện các tổ chức đoàn thể tại thôn, khu, Người có uy tín, người dân và học sinh; các buổi ngoại khóa cho học sinh tại các trường học tìm hiểu về vấn đề giảm thiểu TH-HNCHT, các vấn đề về hôn nhân và gia đình. Bên cạnh đó, là các hoạt động lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị của xã, thôn, sinh hoạt văn nghệ, thể thao tại cộng đồng…
Từ năm 2022-2023, triển khai thực hiện Tiểu Dự án 2, Dự án 9, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tập trung tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình gắn với Luật Bình đẳng giới; các hệ lụy của TH-HNCHT, bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Hệ thống truyền thanh của huyện, xã, thôn, khu; các buổi sinh hoạt cộng đồng tại thôn, xóm, khu.
Phối hợp Ban Dân tộc tỉnh lắp 1 pa-nô tại Trường Trung học Phổ thông – Trung học cơ sở Dân tộc nội trú huyện Kim Bôi; huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa, thể thao và truyền thông phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tuyên truyền trên địa bàn các thôn, xóm trên địa bàn huyện.
Phòng Tư pháp đã tổ chức thành công 43 hội nghị tuyên truyền, PBGDPL “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” trong vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2023, với 2.845 lượt người tham dự trên địa bàn 17 xã, thị trấn; tổ chức 3 buổi giao lưu văn hóa “Giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT” năm 2023 tại xã Xuân Thủy, Hùng Sơn, Nuông Dăm với 355 lượt người tham dự; Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền PBGDPL trên địa bàn 17 xã, thị trấn, đại biểu là cán bộ thôn, bản, Trưởng ban công tác mặt trận, Người có uy tín, thanh niên, phụ nữ, cha mẹ học sinh và người dân…
Ông Nguyễn Việt Hòa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi cho biết, năm 2024, huyện Kim Bôi đã tích cực phối hợp với Báo Dân tộc và Phát triển, Cơ quan ngôn luận của Ủy ban Dân tộc để xây dựng các tin, bài viết, phóng sự tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, góp phần giảm thiểu tình trạng TH-HNCHT trên địa bàn huyện.
"Nhằm đẩy lùi tiến tới xóa bỏ tình trạng TH-HNCHT, huyện Kim Bôi đã huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc cùng các tổ chức đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, các già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào DTTS cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, vận động, phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp vi phạm pháp luật liên quan đến hôn nhân và gia đình ở cơ sở", ông Nguyễn Việt Hòa chia sẻ thêm.