Theo đó, từ đầu năm đến nay, Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị đã tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, truyền thông, vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ; các hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của đồng bào DTTS về bình đẳng giới, phòng chống tội phạm về ma túy, hôn nhân gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. In và phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền về lĩnh vực hoạt động bình đẳng giới; in tái bản 320 cuốn sổ tay tuyên truyền về phòng, chống ma túy và 10.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống ma túy vùng DTTS và miền núi.
Tổ chức 5 hội nghị tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người dân liên quan về hôn nhân và gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; bình đẳng giới, phòng chống tội phạm về ma túy cho khoảng 1.130 người là cán bộ làm công tác dân tộc cấp huyện, cấp xã, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ dân số, nhân viên y tế thôn bản, cán bộ thôn, đại diện các đoàn thể của thôn, Người có uy tín và người DTTS.
Duy trì hoạt động 6 mô hình điểm “Nam, nữ bình đẳng; không bạo lực học đường” tại 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh; Thực hiện 10 mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” (tại 5 trường học và 5 xã có tỷ lệ và nguy cơ xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao).
Theo đánh giá của Lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, thông qua các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, giúp cho người dân trong vùng đồng bào DTTS và miền núi có thêm nhiều kiến thức, nâng cao nhận thức, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…