Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở Nghệ An: Vẫn còn ở mức cao (Bài 1)

An Yên - 14:33, 03/11/2024

Trong những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, trong đó tranh thủ phát huy hiệu quả từ nguồn hỗ trợ các hoạt động theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS &MN giai đoạn 2021-2025… nhưng mỗi năm trên các bản làng miền núi xứ Nghệ, vẫn có hàng trăm trường hợp tảo hôn xảy ra. Điều này đang đặt ra thách thức không nhỏ về việc phải làm sao để kéo giảm tình trạng này ở mức thấp nhất.

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại dai dẳng trong các bản làng người Đan Lai - Trong ảnh: Cuộc sống khốn khổ ở bản Khe Búng xã Môn Sơn huyện Con Cuông
Tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn còn tồn tại dai dẳng trong các bản làng người Đan Lai. (Trong ảnh: Cuộc sống của người dân ở bản Khe Búng, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông còn bộn bề khó khăn, thiếu thốn khiến cho những đứa trẻ sinh ra ít được cha mẹ chăm sóc đầy đủ dinh dưỡng)

Dai dẳng nơi bản làng

Trên các bản làng miền núi xứ Nghệ, vẫn đang có những đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lấy vợ, lấy chồng, chưa kịp trưởng thành đã vội vã lập gia đình. Phía sau một thực trạng nhói buốt là bao hệ lụy khó lường cho chính con trẻ, cho gia đình và cả cộng đồng.

Cuối tháng 9, chúng tôi có chuyến ngược núi để lên với các bản làng huyện Con Cuông. Hành trình non 20km đường đất từ trung tâm xã Môn Sơn vào với các bản làng người Đan Lai ở khe Búng và Co Phạt đầy trắc trở, nhọc nhằn. Trên con đường vào nội bản, khi được hỏi về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của người Đan Lai, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao trầm tư: Vẫn còn nhiều đấy. Chúng tôi rất buồn trước thực tế nhiều em bỏ học, lấy chồng sớm.

Về lại huyện Con Cuông lần này, cầm trên tay danh sách những trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chúng tôi cũng thực sự sửng sốt, cũng rơi vào trạng thái không nói nên lời. Lướt nhanh qua danh sách với 3 xã Môn Sơn, Đôn Phục và Châu Khê, là những địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn đã xảy ra trong các năm vừa qua; trong đó có cả đứa trẻ người Đan Lai tảo hôn khi mới 12 tuổi. Đó là La Thị Tuyết, ở xã Châu Khê, sinh ngày 20/11/2010, tảo hôn năm 2022. Còn những trường hợp tảo hôn trong khoảng 15-17 tuổi thì hầu như chiếm đa số.

Nói về những trường hợp tảo hôn ở Con Cuông, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Con Cuông Vi Thị Hương cho biết: Chỉ tính từ tháng 7/2024 đến nay, trên địa bàn xã Môn Sơn đã có 5 trường hợp mang thai ngoài ý muốn và sinh con. Tất cả đều sinh năm 2008, một số đã nghỉ học để đi làm, có em thì đang đi học và có em đã lấy chồng, tảo hôn sớm.

Trên các bản làng miền biên viễn xứ Nghệ, mỗi năm đang có hàng trăm đứa trẻ chưa kịp lớn đã vội vã lấy vợ, lấy chồng; chưa kịp trưởng thành đã vội vã lập gia đình… để lại bao tiếc nuối, day dứt cho cả cộng đồng.

Câu chuyện ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong cũng khiến bao người ngậm ngùi. Hiện đang có nhiều cháu nhỏ chưa thể làm giấy khai sinh để theo học các lớp mầm non. Thì ra đằng sau câu chuyện của những đứa trẻ ấy là do, bố mẹ các cháu lấy nhau khi chưa đủ tuổi rồi gồng gánh nhau vào các tỉnh phía Nam làm việc. Sau 2-3 năm lại quay trở về gửi con cho ông bà rồi lại đi tiếp.

Tập huấn, nâng cao năng lực về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Châu
Đảm bảo công tác tuyên truyền phải đến được với từng ngõ và và "gõ từng nhà". (Trong ảnh: Một buổi tập huấn, nâng cao năng lực về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Châu)

Chủ tịch UBND xã Tri Lễ Lữ Văn Cương nói: Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với nhà trường và gia đình để làm giấy tờ, thuận lợi cũng như đảm bảo quyền lợi cho các cháu theo học. Với những cặp đã đủ tuổi kết hôn thì dễ, còn với những cặp chưa đủ tuổi thì phương án là sẽ để trống họ tên cha và xác định họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ.

Báo cáo tổng hợp sơ bộ từ Ban Dân tộc Nghệ An, từ năm 2021 đến 2023, đã có hàng trăm trường hợp tảo hôn tại 11 huyện, thị xã vùng miền núi. Theo đó, năm 2021 có 309 trường hợp, năm 2022 có 295 trường hợp và năm 2023 có 230 trường hợp. Riêng hôn nhân cận huyết, thì năm nào cũng xảy ra từ 1-2 vụ. Dẫn đầu các địa phương có số lượng trường hợp tảo hôn nhiều, là Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Thanh Chương…

Nhận thức hạn chế

Tảo hôn và hôn nhân cận huyết khiến chất lượng dân số suy giảm, suy thoái nòi giống, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực; và là một trong những lực cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, tiến bộ xã hội và sự phát triển bền vững của vùng DTTS. Nhưng vì sao, tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn đang hiện hữu dưới những bản làng miền biên viễn xứ Nghệ?

Đi tìm nguyên nhân của thực trạng này, chúng tôi nhận thấy: nhận thức, suy nghĩ hạn chế, cùng với tập tục là mấu chốt dẫn đến thực trạng day dứt này.

Lễ phát động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Hợp
Lễ phát động phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Hợp

Theo lãnh đạo của nhiều địa phương, cán bộ các tổ chức đoàn thể ở tỉnh Nghệ An, mặc dù đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng ảnh hưởng của những quan niệm, thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới đã ăn sâu, bám rễ trong cuộc sống của người dân nên để thay đổi rất khó thực hiện. 

Ví dụ như, cũng vì cuộc sống khó khăn nên một bộ phận gia đình thường ép con lấy vợ, lấy chồng khi còn quá trẻ (15 -16 tuổi), để phụ giúp gia đình và có thêm lao động đi làm nương rẫy chăm lo cuộc sống hằng ngày.  Mặt khác, do tác động những mặt trái của cơ chế thị trường, từ mạng xã hội, phim, ảnh độc hại, đã xâm nhập nhanh vào lứa tuổi vị thành niên, do đó tình trạng sống chung như vợ chồng giữa nam và nữ đã trở nên bình thường, đã dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Bên cạnh đó, tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn bắt nguồn từ trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế. Tuy đã được phổ cập giáo dục tiểu học nhưng tình trạng bỏ học giữa chừng của học sinh ở vùng sâu, vùng xa vẫn còn xảy ra, chất lượng giáo dục còn nhiều hạn chế. 

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng còn nhiều bất cập, hiệu quả việc tuyên truyền chưa cao; sự can thiệp từ phía chính quyền cơ sở còn thiếu kiên quyết; các cặp vi phạm đôi khi còn liên quan là họ hàng, trong dòng tộc của cán bộ cơ sở nên không tránh được tình trạng nể nang. 

Tăng cường giải pháp ngăn ngừa từ sớm

Hiện nay, chế tài trong xử lý vi phạm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, chủ yếu vẫn dựa vào việc tuyên truyền, nhắc nhở khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, nhưng trên thực tế, có nhiều gia đình có con em tảo hôn, đã cố tình dấu dẫn đến việc ngăn ngừa, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống hiệu quả chưa cao.

Bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu cũng cho rằng, tảo hôn và hôn nhân cận huyết còn xảy ra, cho thấy nhận thức, suy nghĩ của người dân về hôn nhân gia đình, về giới tính và sức khỏe sinh sản còn chưa đầy đủ, hạn chế. Vì vậy, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp thì, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; cán bộ cơ sở, các tổ chức đoàn thể phải tích cực hơn nữa việc nắm bắt tình hình thực tế, để kịp thời có giải pháp ngăn chặn tình trạng này từ khi có dấu hiệu.

Công tác thông tin, tuyên truyền phải đảm bảo đến được từng thôn, xóm, "gõ từng nhà",  để mỗi em gái, em trai và các gia đình nắm bắt cụ thể hơn về những hệ lụy từ tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Như, sinh con dưới 15 tuổi nguy cơ tử vong cao; những đứa trẻ có mẹ dưới 18 tuổi thường còi, thấp, nhẹ cân, thiểu năng trí tuệ, dễ bị chết non, khuyết tật tạo ra gánh nặng cho xã hội. Hay trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thống thường mắc các bệnh di truyền như: Bệnh tim mạch, mù màu, down (đao), bạch tạng, da vảy nến, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh, thiểu năng trí tuệ; còi cọc, kém phát triển về chiều cao và cân nặng, giảm tuổi thọ,… 

Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các chương trình MTQG nhằm xây dựng hỗ trợ các mô hình sinh kế giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, qua đó người dân có thêm điều kiện cải thiện nâng cao chất lượng cuộc sống, mở mang được dân trí..., qua đó thay đổi suy nghĩ cho con cái lấy chồng, vợ sớm để có thêm lao động làm việc cho gia đình, từng bước giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết ở những vùng miền núi xứ Nghệ còn nhiều khó khăn này.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.