Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giám sát biểu diễn nghệ thuật Ca Huế trên sông Hương

Nguyệt Anh - 07:29, 09/05/2024

Ca Huế là một thể loại âm nhạc cổ truyền của xứ Huế được hình thành từ sự kết tinh giữa âm nhạc dân gian và âm nhạc cung đình Huế đến nay đã hơn 300 năm. Ca Huế đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2015 và đang được tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, thời gian qua, do thiếu sự giám sát dẫn đến tình trạng Ca Huế trên sông Hương khá lộn xộn, cần phải chấn chỉnh lại.

Biểu diễn ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch
Biểu diễn ca Huế trên sông Hương phục vụ khách du lịch (Ảnh TL)

Ca Huế bị xô bồ

Ca Huế là một sản phẩm du lịch đặc trưng độc đáo của Cố đô Huế bởi được biểu diễn trên thuyền rồng nổi trôi bồng bềnh trên sông Hương. Theo đó, khi TP Huế bắt đầu lên đèn và cầu Trường Tiền lấp lánh sắc màu cũng là lúc những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng Hương Giang để bắt đầu một đêm ca Huế.

Trên sông Hương hiện có 128 thuyền rồng, trong đó có 50 thuyền đôi và 78 thuyền đơn. Hoạt động Ca Huế trên sông Hương đang thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến với Cố đô Huế. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp thẻ hành nghề hoạt động Ca Huế cho hơn 450 ca sĩ và nhạc công. Trung bình mỗi năm có hơn 15.000 suất biểu diễn Ca Huế phục vụ hơn 350.000 lượt khách nghe Ca Huế trên sông Hương hoặc tại các cơ sở dịch vụ du lịch cùng như một số địa điểm khác trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Mặc dù có nhiều quy định về việc tổ chức biểu diễn Ca Huế, song thời gian gần đây, tình trạng Ca Huế trên sông Hương khá lộn xộn do thiếu sự giám sát. Theo nhận xét của lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế thì, những năm gần đây, Ca Huế trên sông Hương tồn tại những bất cập như: Thuyền chở khách quá tải; số lượng diễn viên, nhạc công không đủ theo quy định; rút ngắn thời lượng chương trình; không gian biểu diễn Ca Huế chưa văn minh, lịch sự; chất lượng diễn viên, nhạc công Ca Huế còn thấp do chưa được sàng lọc, tuyển chọn kỹ lưỡng. Ðã có tình trạng nhiều chủ thuyền tự đứng ra tổ chức suất diễn, hạ giá cạnh tranh; hoặc mời các nghệ sĩ trẻ chỉ diễn một bài để trả thù lao ít hơn khiến chương trình bị cắt xén, chất lượng nghệ thuật Ca Huế giảm.

Thuyền rồng chở khách du lịch vãn cảnh trên sông Hương
Thuyền rồng chở khách du lịch vãn cảnh trên sông Hương

Sau khi Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn Ca Huế giải thể vào năm 2018, hoạt động Ca Huế phụ thuộc vào công tác hậu kiểm. Nhưng, lực lượng thanh tra văn hóa mỏng, tổ kiên ngành kiểm tra hoạt động Ca Huế không thể hoạt động suốt cả tuần. Khi không có mặt lực lượng chức năng, những vi phạm trong tổ chức biểu diễn Ca Huế trên sông vẫn tái diễn.

Ông Võ Quê, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca Huế thính phòng chia sẻ: "Hiện có nhiều người dẫn chương trình về Ca Huế trên sông Hương, nhưng chưa thật sự hiểu rõ về Ca Huế, dẫn đến việc không thể quảng bá rộng rãi được loại hình nghệ thuật này. Thậm chí, có chủ thuyền còn đưa con cháu chen vào biểu diễn những ca khúc nhạc trẻ trữ tình về Huế, không đúng với Ca Huế. Việc tổ chức như thế khiến chương trình nghệ thuật Ca Huế giảm sút, không đạt chất lượng, gây hiểu nhầm cho du khách, làm nhiều nghệ sĩ tên tuổi quay lưng với việc biểu diễn Ca Huế trên sông Hương".

Giám sát hoạt động biểu diễn Ca Huế

Trước thực trạng lộn xộn nêu trên, để quản lý và tổ chức tốt hoạt động Ca Huế phục vụ khách đạt yêu cầu và tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa có Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND ngày 3/5/2024 về việc Quy chế Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo quy chế, Ca Huế thính phòng là các bài bản Ca Huế, có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế gồm các yêu cầu như có ít nhất 8 diễn viên, nhạc công và có ít nhất 4 trong 5 loại nhạc cụ là đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu hoặc ngoài ra có thể có nhạc cụ sáo, phách cùng các loại nhạc cụ khác phù hợp với chương trình biểu diễn Ca Huế. Thời lượng biểu diễn tối thiểu 50 phút (không tính phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các chương trình biểu diễn dành cho khách người nước ngoài) và có người điều hành chương trình.

Ca Huế trên sông Hương bao gồm các bài bản Ca Huế, có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế, ca khúc có nội dung về Huế. Tham gia biểu diễn Ca Huế phải đảm bảo yêu cầu là có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền nhỏ (thuyền đơn) với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền lớn (thuyền đôi) với lượng khách 15 người trở lên. Có ít nhất 3 trong 4 loại nhạc cụ là đàn Tranh, đàn Tỳ bà, đàn Nhị, đàn Nguyệt và ngoài ra có thể có nhạc cụ là đàn Bầu, Sáo, Phách và các loại nhạc cụ khác phù hợp với chương trình biểu diễn Ca Huế trên sông Hương.

Theo Quy chế Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế phải đảm bảo yêu cầu là có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền nhỏ (thuyền đơn) với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền lớn (thuyền đôi) với lượng khách 15 người trở lên.
Theo Quy chế Quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn Ca Huế phải đảm bảo yêu cầu là có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền nhỏ (thuyền đơn) với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền lớn (thuyền đôi) với lượng khách 15 người trở lên.

Thời lượng biểu diễn tối thiểu 50 phút (không tính phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các chương trình biểu diễn dành cho khách người nước ngoài) và có người điều hành chương trình.

Chương trình biểu diễn Ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định, chấp thuận tổ chức biểu diễn theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Hoạt động biểu diễn Ca Huế từ 8h - 24h và điểm bán vé nghe Ca Huế bố trí tập trung tại Bến Toà Khâm; phải niêm yết giá vé đã đăng ký tại cơ quan thuế đối với chương trình biểu diễn và vé bán lẻ để du khách rõ, lựa chọn trong quá trình tham gia nghe Ca Huế.

Trang phục biểu diễn của diễn viên, nhạc công, thuyền trưởng tham gia hoạt động dịch vụ Ca Huế phải mang bảng tên (được cấp theo chương trình biểu diễn), trang phục áo dài truyền thống phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và văn hóa Huế…

Không gian phục vụ biểu diễn Ca Huế phải đảm bảo tính trang trọng phù hợp với nội dung biểu diễn Ca Huế và mang đậm đặc trưng văn hoá Huế. Ca Huế trên sông Hương biểu diễn trên thuyền thông thoáng, đảm bảo vệ sinh, các mặt hàng lưu niệm bày bán trên thuyền phải được bố trí khu vực riêng và không làm ảnh hưởng đến chương trình biểu diễn, phải được niêm yết giá công khai…

Biểu diễn Ca Huế trên sông Hương là cầu từ Trường Tiền đến cầu Dã Viên và vị trí neo đậu khi biểu diễn đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa các thuyền là 50m, lắp đặt từ 2 - 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn (có lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày) được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý Sở Văn hoá và Thể thao…

Phát huy di sản Ca Huế

Các nghệ sĩ biểu diễn ca Huế (Ảnh TL)
Các nghệ sĩ biểu diễn ca Huế (Ảnh TL)

Trước đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án "Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc giai đoạn 2020 đến 2025", góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương. Ðề án gắn xây dựng sản phẩm du lịch với việc tăng cường các giải pháp quản lý, đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Ca Huế, tạo cơ sở, tiền đề để có thể đưa Ca Huế trở thành Di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu đại diện của nhân loại.

Cùng với quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Ca Huế cũng được triển khai thực hiện và bước đầu thu được những kết quả khả quan, đó là việc tổ chức các hoạt động văn hóa ở cơ sở về Ca Huế thường xuyên và theo định hướng cụ thể, bài bản. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang thực hiện chương trình đưa Ca Huế vào trường học nhằm khơi dậy niềm đam mê và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này. Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh đưa di sản Ca Huế vào trường học với hai nội dung như tập huấn hát Ca Huế cho giáo viên âm nhạc các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Huế và dạy hát Ca Huế cho học sinh theo hình thức Câu lạc bộ Ca Huế tại các trường trung học cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.