Tha hương mưu sinh
Đến một số bản làng miền Tây xứ Nghệ, dù là sáng sớm hay chiều muộn, thì cảnh tượng dễ bắt gặp là những ngôi nhà cửa đóng then cài, bởi chủ nhân đã tha hương mưu sinh. Còn ở những nhà có người ở, thì hầu hết đều là người già hoặc con trẻ. Nằm trong tình cảnh này, bà Vi Thị Tím ở bản Văng Môn xã Tam Hợp (Tương Dương) kể: Chỉ có hai vợ chồng già cùng đứa cháu nội còn chưa biết đi ở nhà thôi. Con trai và con dâu vào miền Nam tìm kiếm việc làm rồi.
Hỏi chuyện thì được biết, bản Văng Môn có 79 hộ với 328 nhân khẩu, nhưng có đến 70 người đi làm ăn xa quê. Theo anhh Lương Văn Thuận, Phó bản Văng Môn, xã Tam Hợp những người đi làm ăn xa ở miền Nam, chủ yếu là lao động chính trong gia đình. Vào trong đó, họ xin làm công nhân cao su, hoặc làm thuê công nhật, thu nhập cũng không cao nhưng vẫn còn hơn, vì ở nhà không có việc làm.
Cũng tình trạng vắng vẻ như vậy, bản Kẻo Nam, xã Bắc Lý (Kỳ Sơn) có khoảng 60 hộ nhưng giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bắc Lý Nguyễn Viết Dũng cho biết: Nhiều gia đình đã để lại nhà cửa, con nhỏ cho ông bà trông nom để vào Nam làm thuê; thậm chí có nhiều gia đình bồng bế nhau đi hết luôn. Họ đi suốt, mãi cuối năm, cũng có khi mấy năm mới về một lần.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở các huyện miền Tây xứ Nghệ, việc người dân rời quê hương đi tìm việc làm xa quê có xu hướng ngày càng tăng. Trong số đó, có không ít người là cán bộ thôn bản, cán bộ xã. Chẳng thế, mà khi đề cập đến câu chuyện lao động tha hương, Bí thư Đảng uỷ xã Bảo Thắng Vi Thị Đắm thốt lên tiếc nuối: Cứ vào đầu các năm, xã lại nhận được đơn xin nghỉ việc của một số cán bộ bản, hoặc cán bộ hội đoàn thể với lý do đi tìm việc làm.
Lý giải về nguyên nhân này, bà Vi Thị Đắm cho biết, ngoài sự khó khăn về sản xuất, chăn nuôi, thì phụ cấp cho cán bộ thôn bản, các hội, đoàn thể quá thấp, buộc họ phải xoay xở tìm việc khác để có thể nuôi gia đình, con cái.
Cơ hội tìm kiếm việc làm ở tại quê hương chưa bao giờ là dễ dàng. Đơn cử tại địa bàn huyện Quế Phong và Quỳ Châu, mặc dù hàng năm có khoảng 3.000 người bước vào độ tuổi lao động nhưng chủ yếu là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo nghề, do vậy gần 10 năm lại đây, 2 huyện gần như không có dự án nào thu hút được trên 50 lao động
Tại huyện Quế Phong, có một số nhà máy thủy điện, nhưng cần nhân lực kỹ thuật cao; có một đơn vị, là Dự án Sản xuất than hoạt tính tại xã Đồng Văn, nhưng cũng chỉ sử dụng được khoảng 40 lao động phổ thông theo mùa vụ; huyện Quỳ Châu chưa có nhà máy nào sử dụng trên 20-30 lao động.
Tình hình tại các huyện miền núi khác như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Hợp… cũng tương tự. Trên thực tế, tại các huyện trên cũng có hoạt động kinh tế như: khai thác khoáng sản hay chế biến nông lâm sản, nhưng chủ yếu chỉ sử dụng lao động gia đình và lao động nam nên các lao động nữ trẻ thường phải đi làm ăn xa. Hoặc có nhiều lao động khác nhưng họ không muốn làm công việc này.
Và hệ lụy…
Không nói thì cũng hình dung rõ về những hệ lụy do lao động đi làm ăn xa, để lại. Đề cập đến vấn đề này, ông Phan Thanh Hùng, Phó phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) huyện Con Cuông bày tỏ: Đúng là có rất nhiều hạn chế, bất cập từ việc các lao động đi làm ăn xa nhà. Tôi thấy rằng, ở đâu mà có nhiều lao động đi làm ăn xa, thì ở đó các phong trào của địa phương ấy giảm đáng kể, không có sự sôi nổi và thiếu khí thế. Quá trình đóng góp sức người, sức của trong xây dựng NTM, cũng như các hoạt động xóa đói giảm nghèo bị hạn chế. Chưa kể, việc huy động nhân lực theo phương thức ”4 tại chỗ” khó thực hiện.
Ở một địa phương có đông lao động đi làm ăn xa như huyện Kỳ Sơn, thì hệ lụy, bất ổn còn lớn hơn rất nhiều. Trong giai đoạn 2020 đến nay, hàng năm có từ 10.000 đến 13.000 lao động tự tìm việc làm (lao động tự do). Riêng từ đầu năm năm 2023 đến nay, huyện Kỳ Sơn có hơn 15.353 lao động tự do đi làm ăn xa. Chủ yếu đi làm việc tại các địa phương như Đắc Lắc, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh. Trong khi đó, toàn huyện có 83.480 người. Điều đó cho thấy, số lao động đi làm ăn xa chiếm khoảng 1/7 tổng dân số của cả huyện.
Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Kỳ Sơn thông tin: Có rất nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến địa phương cũng như chính gia đình của các lao động mưu sinh xa quê. Khi bố mẹ đi làm ăn xa, con nhỏ gửi lại cho ông bà nên đang có một bộ phận trẻ nhỏ thiếu đi sự chăm sóc, nuôi dạy của bố mẹ nên việc học hành bị ảnh hưởng, một số em nhỏ đã tự ý bỏ học giữa chừng; nhiều người già và trẻ nhỏ không có người làm chỗ dựa lúc đau ốm.
Cũng do mưu sinh, nhiều lao động khát khao đi xa quê tìm kiếm việc làm, vô tình trở thành nạn nhân của những đối tượng mua bán người. Mặt khác, một bộ phận người lao động do trình độ, nhận thức chưa cao, lập trường không vững nên dễ bị lợi dụng, mua chuộc, lừa đảo thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc dễ sa ngã vào các tệ nạn xã hội: ma túy, mại dâm, cờ bạc,... tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Còn đối với địa phương, do lao động đi làm ăn xã dẫn đến thiếu hụt lao động trong độ tuổi; nhu cầu tiêu dùng hàng hóa ở địa phương bị giảm sút, ảnh hưởng đến việc xây dựng các phong trào thi đua...
Theo giải thích của một số địa phương, vì lí do nhiều lao động đi làm ăn xa nên công tác quản lý, điều tra, thu thập thông tin của một bộ phận người lao động trong độ tuổi tại các địa phương gặp nhiều khó khăn.
Chưa kể, một bộ phận không nhỏ người lao động, tự mình tìm kiếm việc làm thông qua môi giới của các doanh nghiệp, người quen mà không thông qua chính quyền địa phương; hoặc không phải là các doanh nghiệp do chính quyền địa phương các cấp giới thiệu tuyển dụng. Do vậy, khó kiểm soát được người lao động đi làm việc ở đâu và làm nghề gì.
Phải nhìn nhận một cách khách quan, nhiều lao động từ việc đi làm ăn xa đã giúp gia đình có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói nghèo. Song, tỷ lệ lao động đi làm ăn xa quá lớn thì, bất cập, hệ lụy lại là vấn đề lớn hơn, đáng báo động hơn.