Quỹ đất eo hẹp
Phong Châu (huyện Trùng Khánh), là một trong 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) sớm nhất ở tỉnh Cao Bằng, chính thức “về đích” năm 2016. Với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc, đến nay, Phong Châu vẫn duy trì các tiêu chí, và phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1018/QĐ-UBND ngày 15/8/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng.
Theo ông Hoàng Ích Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Châu, để hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn NTM nâng cao, xã đã và đang tập trung cao độ để giải quyết những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, nhất là tiêu chí thu nhập. Người dân Phong Châu chủ yếu sản xuất nông, lâm nghiệp; để nâng cao thu nhập thì bên cạnh cần tư liệu sản xuất, nhất là đất sản xuất, người dân Phong Châu cũng cần phương tiện sản xuất (vốn, công cụ, máy móc,...).
Tuy nhiên, việc giải bài toán nâng cao thu nhập cho người dân xã Phong Châu, từ việc mở rộng diện tích canh tác sẽ là rất khó khăn. Xã có diện tích tự nhiên rộng (2.577ha) nhưng chủ yếu núi đá; diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 367,11ha. Trong khi toàn xã có 518 hộ, với khoảng 2.065 nhân khẩu.
Không chỉ khó mở rộng diện tích đất canh tác cho người dân để thúc đẩy phát triển sản xuất, mà ở xã Phong Châu, quỹ đất ở cũng rất hạn hẹp. Toàn xã có 374,77ha đất phi nông nghiệp, đã cơ bản được bố trí để xây công trình trụ sở hành chính, công trình phục vụ kinh tế - xã hội, dân sinh và đất ở. Vì thế, không ít hộ trên địa bàn xã thuộc diện nghèo vì thiếu đất ở, nhà ở, một hộ có nhiều nhân khẩu cùng chung sống.
Gia đình ông Hoàng Văn Cầu, sinh năm 1958, dân tộc Tày, ở Bản Viết là một ví dụ. Cả nhà có 9 nhân khẩu, cùng chung một hộ, hiện đang thuộc danh sách hộ nghèo của xã Phong Châu. Tương tự là hộ nghèo Nông Văn Đề, sinh năm 1987, dân tộc Tày, ở bản Phia Bó - Cô Bây, nhà có 6 nhân khẩu; hộ nghèo Nông Văn Khôn, sinh năm 1964, ở bản Tân Phong, nhà có 5 nhân khẩu;...
Không riêng ở Phong Châu mà trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, nhiều gia đình do do thiếu đất ở, đất sản xuất nên đang thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Theo Báo cáo số 3624/BC-UBND ngày 28/12/2023 của UBND tỉnh Cao Bằng, toàn tỉnh có 6.369 hộ nghèo và 2.799 hộ cận nghèo không có đất sản xuất, đất ở.
“Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 21.357 hộ nghèo và 12.091 hộ cận nghèo không có vốn sản xuất, kinh doanh; 7.257 hộ nghèo và 3.007 hộ cận nghèo không có công cụ/phương tiện sản xuất”, Báo cáo số 3624/BC-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng nêu rõ.
Khó giải ngân
Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện 10/10 dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719). Đây là nguồn lực quan trọng để tỉnh giải quyết căn bản những vấn đề bức thiết của một bộ phận đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; trong đó có nhu cầu về đất ở, đất sản xuất.
Hỗ trợ đất ở, đất sản xuất là nội dung chính sách thuộc Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719. Để triển khai nội dung này, ngày 30/12/2022, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND quy định về định mức đất ở, định mức bình quân đất nông nghiệp cho hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025.
UBND tỉnh Cao Bằng giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng liên quan, hướng dẫn UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát, đối chiếu, xác định hộ DTTS nghèo; hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi thiếu hoặc chưa có đất ở, chưa có đất nông nghiệp; có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện rà soát đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu hỗ trợ đất ở, đất nông nghiệp trên địa bàn, gửi Ban Dân tộc tỉnh để tổng hợp, thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Trong Quyết định số 41/2022/QĐ-UBND của UBND tỉnh Cao Bằng, định mức bình quân đất nông nghiệp của hộ gia đình được tính theo công thức: Số nhân khẩu của hộ x 590m2 (590m2 là định mức diện tích bình quân đất chuyên trồng lúa của 01 nhân khẩu). Trong điều kiện trên 90% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là núi đá, sông suối; đất sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 1,4% diện tích đất tự nhiên thì việc bố trí quỹ đất để hỗ trợ đất sản xuất cho các hộ có nhu cầu là rất khó khăn.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, trước đây, trong giai đoạn 2016 – 2020, để triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016, thống kê từ các địa phương cho thấy, toàn tỉnh còn hơn 960 hộ DTTS có nhu cầu hỗ trợ về đất ở và trên 3.660 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất. Tuy nhiên, tỉnh cũng không thực hiện được do chưa bố trí được quỹ đất.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS, thúc đẩy tiến độ giải ngân Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG 1719, ngày 11/10/2024, UBND tỉnh Cao Bằng đã có Tờ trình số 2722/TTr-UBND, trình HĐND tỉnh xem xét, ban hành Nghị quyết quy định chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Việc ban hành chính sách này cũng nhằm cụ thể hóa những quy định mới của Luật Đất đai năm 2024.
Bài cuối: Phát huy nội lực từ cộng đồng