Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Tây Nguyên: Vẫn là bài toán nan giải (Bài 1)

Lê Hường - 08:11, 10/12/2020

Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ đất sản xuất để giúp đồng bào DTTS nói chung và đồng bào DTTS ở các tỉnh Tây Nguyên nói riêng có đất canh tác, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa không có đất sản xuất hoặc thiếu đất sản xuất vẫn còn tồn tại khá nhiều. Đặc biệt, điệp khúc có đất rồi lại mất đất đang lặp đi lặp lại như chưa có hồi kết.

Bà H’Num Knul (bên trái) đã được cấp đất nhưng giờ vẫn không có đất sản xuất
Bà H’Num Knul (bên trái) đã được cấp đất nhưng giờ vẫn không có đất sản xuất

Nửa buôn thiếu đất sản xuất

Đất sản xuất là nhu cầu không thể thiếu đối với người nông dân nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. Gần 20 năm qua, rất nhiều chính sách hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS đã được triển khai. Tuy nhiên, đến nay tình trạng thiếu đất sản xuất vẫn là bài toán nan giải.

Buôn Trí B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đăk Lăk có 234 hộ, với 846 nhân khẩu thì có đến 50% số hộ thiếu đất sản xuất, người dân chủ yếu sống bằng việc đi làm thuê, làm mướn theo mùa vụ nên đời sống vô cùng khó khăn. Toàn buôn hiện nay có 112 hộ nghèo, 46 hộ cận nghèo.

Chị H’Men Byă, buôn Trí B lập gia đình năm 2012, không có đất ở, đất sản xuất nên gia đình chị sống cùng bố mẹ. Chị H’Men chia sẻ: Cha mẹ hai bên đều ít đất sản xuất nên khi con cái lập ra đình không có đất để chia. Vợ chồng chị ở cùng  và làm chung 1ha đất của bố mẹ, năm trồng mía, năm trồng sắn, cả năm thu hoạch một vụ nhưng được khoảng hơn 10 triệu chẳng đủ trả tiền ứng mua giống, phân bón cho đại lý. Vợ chồng đi làm thuê theo mùa vụ, thu nhập không ổn định, kinh tế rất khó khăn. 

“Từ trước tới giờ mình chỉ làm nông nghiệp mà không có đất sản xuất nên mình rất mong muốn được cấp đất, dù ít, dù nhiều cũng còn có kế sinh nhai”, chị H’Men Byă mong muốn.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Trưởng buôn Trí B, ngoài gia đình chị H Men, ở buôn Trí B hiện nay vẫn còn nửa số hộ thiếu đất sản xuất, trong đó có nhiều hộ đã thiếu từ xưa đến nay và cũng có những gia đình mới tách hộ nên không có đất sản xuất. Ngày xưa không có đất dân ở đây sống bám rừng, hàng ngày họ vào rừng lấy các loại lâm sản phụ như măng, nấm, lan… bán cũng trang trải được cuộc sống thường ngày. 5 năm nay, Nhà nước có lệnh đóng cửa rừng, đồng bào cũng muốn về làm nương rẫy ổn định cuộc sống, nhưng lại không có đất sản xuất, đời sống càng khó khăn hơn. 

Theo báo cáo triển khai Quyết định 132/QĐ-TTg, năm 2002, toàn xã Krông Na có 450 hộ cần giải quyết đất sản xuất. Xã đã cấp cho 205 hộ với 208,96 ha, số còn lại chưa có quỹ đất để giải quyết nên đã chuyên sang Chương trình 134 cấp đất cho đồng bào DTTS nghèo. 

Việc hỗ trợ đất sản xuất cho người dân ở Krông Na thời gian sau đó, chuyển tiếp sang thực hiện ở nhiều chương trình, chính sách khác như 755, 2085... Tuy nhiên, số hộ thiếu đất sản xuất đang ngày một tăng; hiện toàn xã Krông Na vẫn còn khoảng 350 hộ thiếu đất sản xuất, tập trung ở các buôn Trí A, Trí B, Yang Lành, Ea Ma, Ea Yông.

Điệp khúc có đất rồi lại mất

Người dân mong chờ được cấp đất để sản xuất ổn định cuộc sống, nhưng thực tế quỹ đất eo hẹp nên nhiều địa phương đành liều, cấp đất xấu không thể canh tác được cho dân. Cuối cùng, có đất dân vẫn phải đi làm thuê để sống qua ngày.

Năm 2003, buôn Ea Kmăt, xã Hòa Đông, Krông Păk, Đăk Lăk cũng có 30 hộ được cấp đất theo Quyết định 132/QĐ-TTg; đất được cấp tại vị trí buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn. Tuy nhiên, do đất xấu không thể canh tác, nên chỉ sau thời gian ngắn các hộ dân buôn Ea Kmăt đành bỏ hoang, đến nay, chỉ còn vài hộ bám trụ sản xuất.

Năm 2003, gia đình Y Son Êban, ở buôn Ea Kmăt được cấp 4 sào đất rẫy và 3 sào ruộng ở buôn Ea Nông B, xã Vụ Bổn theo Quyết định 132/QĐ-TTg. Anh trồng lúa và đậu để cải thiện kinh tế nhưng thiếu nước, đất cằn cỗi nên năng suất rất thấp. Sau 1 vụ, trừ chi phí chỉ còn vài triệu đồng, cộng với xa nhà, nước sinh hoạt cũng gặp khó nên gia đình quyết định bỏ đất về buôn làm rẫy và đi làm thuê trang trải cuộc sống.

"Đối với Quyết định 2085/QĐ-TTg tỉnh Đăk Lăk còn 9.878 hộ đồng bào DTTS có nhu cầu hỗ trợ đất sản xuất, 8.097 hộ cần đất ở. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh chưa bố trí hỗ trợ đất sản xuất cho dân".

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk

Tương tự, gia đình ông Y Kôm Knul cũng được cấp 2,3 sào đất sản xuất theo Quyết định 132/QĐ-TTg. Nhưng liên kết với doanh nghiệp trồng cây công nghiệp dài ngày nên nhiều năm qua, cả gia đình gần chục người chỉ trông chờ vào gần 1ha đất ông bà để lại, trồng mía mỗi năm chỉ thu khoảng chục triệu đồng, cả gia đình đi làm thuê, ngày nào đi thì có tiền nên bữa đói bữa no. 

“Dù đất ở đây có xấu đi nữa, thì bà con vẫn muốn có đất để làm. Chứ nghề nghiệp không có, đi làm thuê thời vụ bữa có việc bữa không, cuộc sống bấp bênh lắm”, ông Y Kôm chia sẻ.

Ông Lê Ngọc Vinh, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk cho biết: Hiện nay, việc hỗ trợ đất sản xuất cho người dân đang gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như Quyết định 132, mặc dù hoàn thành 100% các nội dung, cấp đất ở, đất sản xuất cho hàng nghìn hộ dân. Tuy nhiên, qua gần 20 năm nhìn lại, phải thừa nhận việc cấp đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo chưa thực sự hiệu quả. Bởi đất cấp cho dân được chuyển đổi từ đất rừng nghèo kiệt, đất xấu bà con canh tác không hiệu quả thì khó vươn lên thoát nghèo.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.