Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Giải phóng nguồn lực đất đai cho đồng bào DTTS: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai (Bài 9)

Tùng Nguyên - 01:06, 18/10/2022

Đất đai là tài nguyên vô giá của quốc gia, là tư liệu sản xuất quý báu của đồng bào các DTTS có thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai là yêu cầu cấp thiết để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Mặc dù các nhóm DTTS có xu hướng đa dạng hoá thu nhập nhưng thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính. (Trong anh: Một góc Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)
Mặc dù các nhóm DTTS có xu hướng đa dạng hoá thu nhập nhưng thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính. (Trong anh: Một góc Bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Sửa đổi luật phải giải quyết được các vướng mắc

Tại Điều 27 của Luật Đất đai hiện hành (được sửa đổi 2013) có quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về bảo đảm đất ở, đất sản xuất đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Luật cũng quy định, quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là người DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất.

Tuy nhiên, quy định của luật hiện vẫn chưa được triển khai thực hiện một cách đầy đủ trong thực tiễn. Tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất trong vùng đồng bào DTTS vẫn đang là vấn đề cấp bách cần giải quyết; trong khi việc thu hồi quỹ đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh (NLTQD) sử dụng không hiệu quả để bàn giao cho địa phương, tạo quỹ đất thực hiện hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS, sau hàng chục năm triển khai đến nay vẫn đang chờ hướng dẫn phê duyệt phương án sử dụng đất!.

Bởi vậy, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là một trong những dự án luật hiện đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân cả nước nói chung, của hơn 14,2 triệu đồng bào DTTS nói riêng. Khi được thông qua, dự án luật này được kỳ vọng sẽ giải phóng nguồn lực đất đai có nguồn gốc từ các NLTQD để giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS được đặt ra trong Nghị quyết 18 - NQ/TW; trong Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị khóa XII; trong các Nghị quyết số 88/2019/QH14, Nghị quyết số 120/2019/QH14 của Quốc hội khóa XIV phê duyệt Đề án Tổng thể và Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Nước ta có 53 DTTS, số lượng người DTTS đông, quyền tiếp cận đất đai cũng đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa giải quyết được nhiều. Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm, bởi lẽ chính sách dân tộc là chính sách rất lớn của Đảng và Nhà nước, nếu làm không tốt sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phát sinh nhất là vấn đề an ninh. Vì vậy, cần phải được luật hóa để giải quyết một cách căn bản, căn cơ tạo quỹ đất cho đồng bào DTTS. (Phát biểu tại Hội thảo góp ý Luật Đất đai (sửa đổi) do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức ngày 30/9/2022).

Ông Nguyễn Trung ThànhPhó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo kế hoạch, dự kiến dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4 (khai mạc vào ngày 20/10/2022 và dự kiến bế mạc vào ngày 18/11/2022); dự án luật này sẽ được xem xét, thông qua sau ba Kỳ họp Quốc hội. Ngày 22/9 vừa qua, trong khuôn khổ Phiên họp chuyên đề pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu tiên về dự án luật này trước khi trình Quốc hội.

Tại phiên họp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (HĐDT) của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm đã góp ý một số vấn đề liên quan đến đồng bào DTTS trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Liên quan đến quy định giao đất, cho thuê đất đối với đồng bào DTTS, hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị cần mở rộng hình thức giao đất để đáp ứng theo nhu cầu sử dụng đất của người dân làm đất ở, đất sản xuất kết hợp kinh doanh dịch vụ. Đây cũng là giải pháp, chính sách để hướng người dân chuyển dần cho các nghề phi nông nghiệp, hạn chế sử dụng nhiều diện tích đất để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất ở các địa phương.

Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải đảm bảo sinh kế của đồng bào DTTS theo điều kiện tự nhiên, tập quán sản xuất, kết hợp trồng được dược liệu, hoa, cây cảnh, chăn nuôi gắn việc thực hiện các quy định về bảo vệ và phát triển rừng. Đồng thời, luật cần có quy định cụ thể để giải quyết các trường hợp đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất, nhất là ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS…

Không thực hiện hỗ trợ đất một cách cơ học

Liên quan đến công tác hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trong khuôn khổ Phiên họp toàn thể lần thứ 4 diễn ra ngày 25 – 26/8/2022 tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), HĐDT của Quốc hội đã thảo luận về các quy định liên quan đến đồng bào DTTS trong Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Tại phiên họp này, Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm nhấn mạnh, các thành viên của HĐDT cần thảo luận, thẩm tra kỹ dự án luật để khi được thông qua sẽ góp phần thực hiện hiệu quả một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Diện tích đất canh tác mà các hộ DTTS được hỗ trợ là như nhau; tuy nhiên chất lượng đất canh tác và phương thức canh tác có sự khác nhau. (Ảnh minh họa)
Diện tích đất canh tác mà các hộ DTTS được hỗ trợ là như nhau; tuy nhiên chất lượng đất canh tác và phương thức canh tác có sự khác nhau. (Ảnh minh họa)

Theo các đại biểu, những năm gần đây, mặc dù các nhóm DTTS có xu hướng đa dạng hoá thu nhập nhưng thu nhập từ nông nghiệp vẫn là nguồn thu nhập chính (chiếm hơn 63% tổng thu nhập của các hộ gia đình DTTS). Do đó đất đai là một trong những yếu tố quyết định đến đời sống của đồng bào. Tình trạng nghèo của bà con cũng bị ảnh hưởng rất lớn từ các chính sách về đất đai. Việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là cơ hội để giải quyết một số vấn đề bất cập về quản lý sử dụng đất đai; trong đó có vấn đề đất ở, đất sản xuất của bà con vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch HĐDT của Quốc hội Quàng Văn Hương cho rằng, việc sửa đổi Luật Đất đai phải giải quyết được những khó khăn, vướng mắc về đất ở, đất sản xuất ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Đồng thời, cần luật hóa để đẩy nhanh công tác rà soát, thu hồi đất của các NLT hoạt động kém hiệu quả, tạo quỹ đất hỗ trợ các hộ đồng bào DTTS đang có nhu cầu cấp bách.

Một vấn đề được các thành viên HĐDT của Quốc hội quan tâm thảo luận là việc hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào DTTS lâu nay được thực hiện một cách cơ học, tính theo diện tích mà không tính tới chỉ số chất lượng đất. Bởi vậy mới có thực trạng ở một số địa phương nhận quỹ đất bàn giao từ các NLT, thực hiện hỗ trợ đất cho các hộ có nhu cầu; nhưng người dân không nhận. Nguyên nhân là do đất cấp quá xấu, khó canh tác hoặc do bất lợi về cơ sở hạ tầng, không thuận lợi để sản xuất.

Do đất cấp quá xấu, khó canh tác hoặc do bất lợi về cơ sở hạ tầng, không thuận lợi để sản xuất nên ở một số địa phương người dân không nhận đất hỗ trợ. (Ảnh minh họa)
Do đất cấp quá xấu, khó canh tác hoặc do bất lợi về cơ sở hạ tầng, không thuận lợi để sản xuất nên ở một số địa phương người dân không nhận đất hỗ trợ. (Ảnh minh họa)

Theo bà Nguyễn Thị Sửu, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội Thừa Thiên – Huế (nguyên Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên - Huế), một điều cần giải quyết ở đây là tỷ lệ hộ DTTS chưa có đất hoặc thiếu đất sản xuất, kể cả đất ở ứng với từng địa bàn cụ thể; địa bàn nào thiếu bao nhiêu…

“Câu chuyện ở đây chúng ta phân tích được tỉ lệ hộ DTTS thiếu đất nhưng ở vị trí nào trên địa bàn nào thì rất mơ hồ và chúng ta cần phải biết điều đó để có sự điều phối sắp xếp của Nhà nước”, bà Sửu đề nghị.

Các thành viên HĐDT của Quốc hội thống nhất cho rằng, xét từ góc độ hưởng dụng đất đai, diện tích đất canh tác mà các hộ DTTS được hỗ trợ là như nhau; tuy nhiên chất lượng đất canh tác và phương thức canh tác có sự khác nhau. Vì vậy, để xây dựng Luật Đất đai một cách sâu sát, phù hợp với thực tế rất cần có số liệu thống kê cụ thể về diện tích đất đai bà con đang sử dụng, hệ số sử dụng đất ở từng vùng miền, từng dân tộc; từ đó các địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hiệu quả. Nói rộng ra, để có những quyết sách đúng, cần phải có các dữ liệu thực về tình hình sử dụng đất, hiệu quả sử dụng, thu nhập từ đất đai của đồng bào DTTS.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.