Giải Leo núi “Bước chân trên mây” cũng là nơi tăng cường sự đoàn kết, cống hiến và sáng tạo của các nhà báo, phóng viên với nhiều tác phẩm báo chí có giá trị về hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, đặc biệt là vùng DTTS.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Tổng Biên tập Báo Pháp Luật Việt Nam Vũ Hoài Nam cho biết, Giải Leo núi “Bước chân trên mây” lần thứ II - Chinh phục đỉnh Tà Xùa năm 2024 có hơn 100 vận động viên tham gia. Thời gian tổ chức từ ngày 11 đến 14/10/2024. Lễ Khai mạc sẽ được tổ chức tại Sân vận động huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái.
Ông Vũ Hoài Nam nhấn mạnh, Giải Leo núi “Bước chân trên mây” không chỉ là một “sân chơi” cho báo giới, đây còn là hoạt động góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tác dụng của thể dục, thể thao trong việc nâng cao sức khỏe và góp phần phát triển du lịch, nhất là du lịch mạo hiểm cho địa phương nơi tổ chức giải.
Trên hành trình chinh phục đỉnh núi Tà Xùa, các vận động viên sẽ được trải nghiệm cảm giác thăng hoa khi chinh phục những cung đường cheo leo, băng qua khu rừng nguyên sinh Đỗ Quyên cổ thụ phủ đầy rong rêu. Một trong những điểm nhấn của hành trình là "Sống Lưng Rồng Trời" - một dãy núi hẹp và dài, ẩn hiện giữa biển mây tựa như sống lưng rồng khổng lồ. Đây sẽ là một đoạn đường đầy thử thách, đòi hỏi vận động viên phải có sự can đảm và kỹ năng leo núi vững vàng.
Tuy nhiên, khi vượt qua được đoạn đường này, vận động viên sẽ được tận hưởng một khung cảnh vô cùng ấn tượng với những dải mây trắng bồng bềnh, phủ kín các thung lũng bên dưới, tạo nên một bức tranh thiên nhiên kỳ ảo và hùng vĩ. Chinh phục đỉnh Tà Xùa là một trải nghiệm tuyệt vời, không chỉ để thử thách bản thân mà còn để tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ của đất nước. Mỗi bước chân trên hành trình này sẽ mang đến những cảm xúc đáng nhớ và những kỷ niệm khó quên.
Không chỉ tham gia tranh tài, các vận động viên còn được hòa mình vào không gian của Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Trạm Tấu. Cùng với đó là chuỗi các hoạt động đặc sắc như: Trình diễn trang phục dân tộc; gian hàng sản phẩm nông sản địa phương của 12 xã; trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống; trình diễn nghệ thuật làm khèn Mông; thi đấu và giao lưu các môn thể thao dân tộc truyền thống; khám phá Bản Cu Vai, tọa lạc trên một đỉnh núi cao, được bao phủ bởi sương mù quanh năm.
Đặc biệt, Ban Tổ chức sẽ triển khai các gian hàng “0 đồng” với hàng nghìn các sản phẩm như: quần áo, chăn ấm và một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để người dân đến tham gia ngày hội được trải nghiệm, mua sắm hàng hóa với giá “0 đồng”. Đây là hoạt động thiết thực và nhiều ý nghĩa, hứa hẹn trở thành một trong những điểm nhấn của chương trình.
Cơ cấu giải thưởng gồm 2 bộ giải. Bộ giải cá nhân nữ, gồm 1 giải nhất; 1 giải nhì; 1 giải ba và 3 giải khuyến khích.
Bộ giải cá nhân nam, gồm 1 giải nhất; 1 giải nhì; 1 giải ba và 3 giải khuyến khích. Tổng giá trị giải thưởng bao gồm tiền mặt và hiện vật (là kim cương) lên đến 185 triệu đồng.
Giải nhất: 35 triệu đồng; giải nhì: 25 triệu đồng; giải ba: 15 triệu đồng; giải khuyến khích: 5 triệu đồng.