Giá lợn hơi liên tục tăng cao
Trong những tháng gần đây, giá lợn hơi trong nước trồi sụt nhưng không vượt qua nổi mốc 60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ cuối tuần trước, giá lợn hơi đã dần nhích lên.
Tại khu vực miền Bắc, thị trường heo hơi điều chỉnh tăng từ 1.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg trên diện rộng. Theo đó, Hà Nội và Bắc Giang lần lượt tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên mức 63.000 - 64.000 đồng/kg.
Thị trường khu vực miền Trung, Tây Nguyên tăng 5.000 đồng/kg. Hiện tại, giá thu mua heo hơi ở khu vực miền Trung, Tây nguyên dao động trong khoảng 58.000 - 63.000 đồng/kg.
Tại miền Nam, giá heo tăng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Giá heo hơi khu vực miền Nam dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.
Cập nhật mới nhất, hôm nay (12/7), giá lợn hơi tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tiếp tục tăng, dao động trong khoảng từ 63.000 - 70.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, giá lợn hơi tăng nhẹ, dao động trong khoảng 58.000 – 64.000 đồng/kg. Còn tại khu vực miền Nam, giá lợn hơi đã tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 54.000 - 63.000 đồng/kg.
Giá heo Trung Quốc cũng tăng lên khá cao so với heo Việt Nam, chênh lệch gần 20.000 đồng/kg. Đây có lẽ đang có một lượng xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc khiến thị trường Việt Nam tăng giá.
Người chăn nuôi bắt đầu có lãi
Từ đầu năm đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã điều chỉnh 6 lần tăng, tương đương tăng khoảng 20%, cộng các chi phí đầu vào khác (con giống, chuồng trại, nhân công, thuốc khử khuẩn, sát trùng...). Lý do dẫn đến tăng giá thức ăn, phần lớn là do nguyên liệu sản xuất và chi phí vận chuyển tăng khi giá xăng, dầu tăng và quan trọng hơn cả là phần lớn nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước hiện phải nhập khẩu từ nước ngoài, đặc biệt cuộc xung đột căng thẳng giữa Nga và Ukraine khiến tình hình nguồn nguyên liệu càng khan hiếm.
Nếu như vẫn giữ mức giá dưới 60.000 đồng/kg lợn hơi thì người chăn nuôi sẽ bị lỗ nặng do chi phí chăn nuôi tăng cao. Vì vậy, giá lợn hơi liên tục tăng trong những tuần gần đây khiến người chăn nuôi phấn khởi hơn bởi với mức giá lợn hơi trên 60.000 đồng/kg thì người chăn nuôi mới có lãi, tạo động lực đầu tư, tái đàn.
Hiện, thức ăn chiếm 70 - 80% trong tổng cơ cấu giá thành chăn nuôi. Trước giá cám tăng cao, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã tìm cách tự phối trộn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để giảm chi phí sản xuất, nhưng đó chỉ là giải pháp trước mắt và phù hợp với hộ chăn nuôi lợn quy mô nhỏ (từ vài chục con lợn trở xuống).
Do đó, nếu giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá lợn vẫn ở mức thấp thì nguy cơ rất nhiều hộ chăn nuôi lớn phải giảm đàn để giảm bớt chi phí, hộ nuôi quy mô nhỏ có thể phải "treo chuồng".
Theo Hiệp hội trang trại và doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam, ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn, giá thức ăn tăng cao, nhiều hộ nông dân bỏ chuồng, hoặc không thể tăng đàn, khiến cho giá lợn hơi trong thời gian tới vẫn có thể tiếp đi lên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khuyến cáo nên chăn nuôi theo chuỗi doanh nghiệp liên kết với các tổ chức và nông hộ thì mới có hiệu quả, tiết giảm chi phí đầu vào, đảm bảo lợi nhuận cho người chăn nuôi cũng như doanh nghiệp, trong khi giá cả sẽ ổn định hơn.
Tiểu thương kêu khó
Trong khi nhiều người chăn nuôi có hy vọng chuyển từ lỗ sang bắt đầu có lãi thì các doanh nghiệp, tiểu thương bán lẻ thịt lợn lại kêu khó, bởi việc tăng giá thịt lợn tăng làm mặt hàng này trở nên khó bán hơn.
Các tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn tăng theo ngày, trong khi người mua lại ít. Một doanh nghiệp chuyên phân phối thịt cũng cho hay, vẫn đang phải chấp nhận thua lỗ khi giá tăng mà không kịp đưa vào giá thành. Từ tháng 6 đến nay, giá lợn hơi mua vào tăng 10k/kg, trong khi giá bán cho khách hàng không thể tăng kịp với tốc độ này.