Tháng hành động vì bình đẳng giới diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12 hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới năm nay là “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”.
Với thông điệp “Bình đẳng giới là chìa khoá để xoá bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, việc triển khai Tháng hành động góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh. Qua đó huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia thực hiện bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đảm bảo an sinh xã hội vì mục tiêu phát triển bền vững; bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái...
Phát biểu tại buổi phát động, bà Rcom Sa Duyên - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh Gia Lai, cho biết: Tại Gia Lai, theo số liệu thống kê cho thấy mỗi năm có trên 100 vụ liên quan đến bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em gái được phát hiện. Song, con số này chỉ mang tính bề nổi, được các cấp chính quyền, đoàn thể ở cơ sở phát hiện, xử lý. Trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện do người bị bạo hành, xâm hại không khai báo, cam chịu, im lặng...
Vì vậy, để triển khai Tháng hành động bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 đạt hiệu quả, bà Rcom Sa Duyên đề nghị: Các cấp, ngành trong toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt một số chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, về công tác cán bộ nữ. Tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh thiếu niên và nam giới tại các thôn, làng; các trường học,... thông qua các hình thức và phương tiện truyền thông phù hợp; lãnh đạo địa phương quan tâm đẩy mạnh thực thi pháp luật về bình đẳng giới, đặc biệt là Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các văn bản luật khác có liên quan; các vụ bạo lực gia đình gây hậu quả nghiêm trọng cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.... Sự vào cuộc chủ động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội sẽ tạo nên sức mạnh to lớn hướng tới mục tiêu xây dựng một môi trường an toàn, bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em.