Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em ở huyện biên giới Ngọc Hồi

Ngọc Chí - 09:17, 04/11/2024

Với sự vào cuộc của các cấp Hội LHPN, việc triển khai Dự án 8, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn huyện biên giới Ngọc Hồi (Kon Tum) đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm; xóa bỏ định kiến về giới, khuôn mẫu giới; nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS.

Các mô hình đi vào hoạt động nề nếp

Từ khi được thành lập đến nay, mỗi tháng 1 lần, các hội viên phụ nữ thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi lại tập trung về nhà rông của thôn để cùng nhau tham gia sinh hoạt. Tại buổi sinh hoạt, các hội viên phụ nữ được Tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền các nội dung về xóa bỏ định kiến giới, thay đổi khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình... Thông qua các buổi tuyên truyền đã giúp cho hội viên phụ nữ thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhận thức đúng đắn về quyền và lợi ích của phụ nữ trên các lĩnh vực.

Tổ truyền thông cộng đồng thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi tổ chức tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về vấn đề bình đẳng giới
Tổ truyền thông cộng đồng thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi tổ chức tuyên truyền cho hội viên phụ nữ về vấn đề bình đẳng giới

Chị Y Sa, thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Từ ngày có Tổ truyền thông cộng đồng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giúp tôi nhận thức rõ hơn về bình đẳng giới. Từ đó, vợ chồng tôi cũng sống hòa thuận, giúp đỡ lẫn nhau từ việc nương rẫy đến việc nhà. Gia đình hạnh phúc thì việc chăm lo cho các con cũng được tốt hơn.

Chị Y Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Bun Ngai, cho biết: Chi hội có 108 hội viên, với 100% là đồng bào Xơ Đăng. Đời sống kinh tế của chị em còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự tuyên truyền thường xuyên của Tổ truyền thông cộng đồng, chị em không chỉ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới mà còn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Ví dụ như trong những ngày mùa các chị giúp nhau ngày công; gia đình nào có va chạm khúc mắc, các chị đã cùng Tổ truyền thông tham gia tuyên truyền, tư vấn giúp gia đình hiểu và xây dựng cuộc sống hạnh phúc hơn.

Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi có 28 thành viên. Mỗi tháng 1 lần, các em lại cùng tham gia sinh hoạt, với nhiều chủ đề khác nhau. Với cách dẫn dắt linh hoạt của các dẫn trình viên, đã giúp cho các em học sinh DTTS tự tin, mạnh dạn trao đổi những vấn đề về bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường; hệ quả của nạn tảo hôn và kỹ năng sống.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi Trường TH&THCS xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi

Cô giáo Vũ Thị Kim Ngân, Trường TH&THCS xã Sa Loong chia sẻ: Trước mỗi buổi sinh hoạt, các thành viên của Ban Chủ nhiệm đều hướng cho học sinh về chủ đề của từng buổi. Từ đó, các em tìm hiểu và triển khai mở rộng thông tin, nâng cao nhận thức xoay quanh các nội dung: Bình đẳng giới; phòng, chống bạo lực đối với trẻ em, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích; nạn bắt cóc, buôn bán trẻ em; tìm hiểu về dậy thì sớm; hệ quả của nạn tảo hôn, kết hôn cận huyết; kỹ năng ứng xử trên không gian mạng.

Qua gần 1 năm hoạt động, 28 thành viên Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, đã thực sự trở thành một tuyên truyền viên tích cực và lan tỏa những kiến thức đến với các bạn học sinh cùng trường và cộng đồng.

Em Vi Thủy Tiên, học sinh lớp 9A, Trường TH&THCS xã Sa Loong, cho biết: Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” vừa là sân chơi bổ ích, vừa là nơi chia sẻ thông tin, kiến thức về tâm lý lứa tuổi, giới tính, kỹ năng giao tiếp trong gia đình, nhà trường, xã hội đối với học sinh. Khi đã hiểu rõ về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực đối với trẻ em, em cũng tuyên truyền đến các bạn cùng trường và gia đình để mọi người chung tay thực hiện và bảo vệ các quyền của trẻ em.

Mang lại hiệu quả thiết thực

Sau hơn 3 năm triển khai Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, huyện Ngọc Hồi đã thành lập được 8 Tổ truyền thông cộng đồng tại 8/8 thôn được thụ hưởng, với 62 thành viên (trong đó có 47 nam và 15 nữ); thành lập 2 Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi tại 2 trường học và kiện toàn lại 5 Địa chỉ tin cậy.

Đồng thời, Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức được 9 buổi truyền thông xóa bỏ định kiến giới, thay đổi khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; về chính sách dân số kế hoạch hóa gia đình; xóa bỏ các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững; lồng ghép tuyên truyền xây dựng gia đình 5 không 3 sạch theo tiêu chí nông thôn mới...

Hội LHPN huyện Ngọc Hồi tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho các Tổ truyền thông cộng đồng
Hội LHPN huyện Ngọc Hồi tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng tuyên truyền cho các Tổ truyền thông cộng đồng

Chị Y Ly Da, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Loong, cho biết: Triển khai Dự án 8, Chương trình MTQG 1719, trên địa bàn xã có 02 thôn được thụ hưởng. Qua quá trình hoạt động, Dự án đã mang lại những hiệu quả thiết thực, giúp hội viên phụ nữ thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; thay đổi nếp nghĩ, cách làm và xây dựng cuộc sống gia đình ngày một ấm no, hạnh phúc hơn.

Hội LHPN huyện cũng đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện mở lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, chăm sóc phát triển trẻ thơ toàn diện cho 50 chị em là chi hội trưởng, hội viên, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Các cấp Hội LHPN đã triển khai 4 gói hỗ trợ phụ nữ DTTS sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Chị Y Xin, thôn Bun Ngai, xã Sa Loong, chia sẻ: Thông qua các hoạt động truyền thông của phụ nữ, nhất là từ khi có Dự án 8 được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực, chị em trong thôn đã nâng cao nhận thức, kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn. Những người có hoàn cảnh khó khăn còn được nhận hỗ trợ khi sinh con tại cơ sở y tế.

Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 không chỉ giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới mà còn tăng thêm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế
Từ khi triển khai thực hiện Dự án 8 không chỉ giúp hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới mà còn tăng thêm tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế

Chị Nguyễn Thị Mai Loan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án 8, thuộc Chương trình MTQG 1719 đã từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong hỗ trợ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em.

Các hoạt động của Dự án 8, cơ bản đã bám sát yêu cầu định hướng nội dung của Chương trình MTQG 1719, vừa mang tính toàn diện, vừa cụ thể, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. 

Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân đón nhận, ủng hộ và được các cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới, trao cơ hội cho phụ nữ, trẻ em gái được khẳng định vai trò trong gia đình và tham gia xây dựng, phát triển cộng đồng.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Ngọc Hồi sẽ tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, các hoạt động thiết thực để tăng cường thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi; phấn đấu thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra trong kế hoạch giai đoạn 2021 – 2025. 

Tin cùng chuyên mục
Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Cao Bằng: Đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn

Từ nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Cao Bằng đang đẩy mạnh phát triển thương mại ở địa bàn đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống, tỉnh cũng chú trọng hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, tạo động lực thúc đẩy kinh tế số.