Kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; tăng cường giảm nghèo trong đồng bào DTTS; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững…; hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu giảm nghèo trong giai đoạn 2021 - 2025.
Tỉnh Gia Lai hiện có 1 huyện nghèo, 43 xã đặc biệt khó khăn, 7 xã biên giới, 384 thôn, làng đặc biệt khó khăn thuộc vùng DTTS và miền núi; đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2021 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai còn 45.688 hộ nghèo, chiếm 12,09% tổng số hộ dân trong tỉnh. Số hộ nghèo đồng bào DTTS 40.475 hộ, chiếm tỷ lệ 25,58% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh. Còn 33.866 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 8,96% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Số hộ cận nghèo đồng bào DTTS là 24.839, chiếm tỷ lệ 15,70% tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Theo kế hoạch, Gia Lai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo của cả tỉnh bình quân 2%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm trên 3% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025. Tỷ lệ hộ nghèo ở huyện nghèo giảm từ 5%/năm trở lên.
Kế hoạch cũng đặt ra một số kết quả và chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được, chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đến năm 2025. Trong đó, phấn đấu giảm trên 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 5 mô hình, dự án giảm nghèo phù hợp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo.
Theo Kế hoạch, Chương trình sẽ triển khai 7 dự án, gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội huyện nghèo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát đánh giá Chương trình.
Chương trình có tổng số vốn thực hiện hơn 905,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hơn 819 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng 10% trên tổng số vốn Trung ương phân bổ cho tỉnh Gia Lai (là hơn 81,9 tỷ đồng); vốn huy động hợp pháp khác gần 4,4 tỷ đồng.