Nhiều hệ lụy từ việc lấy chồng sớm
Trước căn nhà sàn xập xệ ở làng Kon Rung (xã A Yun, huyện Mang Yang) cô bé Om, dân tộc Ba Na đang chuẩn bị cơm, nước cho mẹ đi làm. Om năm nay 12 tuổi, mới học hết lớp 3 đã phải nghỉ học để ở nhà chăm em. 2 năm trước, bố Om ra đi vì một cơn bạo bệnh, gánh nặng kinh tế đổ cả lên vai mẹ Oa- mẹ của Om. Mẹ Oa năm nay mới 28 tuổi mà phải một mình nuôi 3 đứa con thơ, đứa nhỏ nhất chỉ mới 2 tuổi. Cả gia đình 4 miệng ăn chỉ trông vào nửa sào lúa ruộng.
Ở nhà, Om phải làm tất cả công việc của mẹ, từ cơm nước đến chăm sóc em nhỏ để mẹ đi làm. Vì cuộc sống chỉ quẩn quanh trong làng, Om nói không rõ tiếng phổ thông. Khi được hỏi về việc đến trường, đôi mắt của Om thoáng buồn, em từ từ diễn đạt: "Em muốn đi học, nhưng nhà nghèo quá, em lại phải trông em cho mẹ. Nhìn bạn bè được đến trường, em thèm lắm!”.
Chị Oa đang cho đứa con thứ 3 bú kể: “ Mình lấy chồng từ năm 17 tuổi. Hồi đấy vì thích nhau nên lấy nhau về, đến nay được 3 đứa con. Chồng mình bị mất vì bệnh, nhà nghèo lắm nên mình phải làm việc quần quật thì mới đủ cái ăn. Thương con phải nghỉ học sớm nhưng nếu không nghỉ học thì không ai trông con cho mình đi làm cả”.
Còn ở làng Chan (xã Ia Pnôn, Đức Cơ), chị Rơ Châm Phyang, dân tộc Gia Rai cũng lấy chồng từ năm 14 tuổi. Nay chị Phyang 29 tuổi nhưng đã có 2 đời chồng. Chồng đầu chị lấy năm 14 tuổi nhưng đã bỏ vì không hợp nhau. Sau đó, chị lập gia đình với người chồng thứ 2 và có với nhau 2 đứa con. Vì con mới được vài tháng tuổi, chị Phyang ở nhà lo cho con, còn chồng đi làm thuê. Nhà chị Phyang nghèo, đất ít, kinh tế gia đình phụ thuộc vào mấy đồng tiền làm thuê ít ỏi của chồng. Mấy đứa con nhà chị Phyang đen nhẻm, nhỏ hơn hẳn so với bạn bè cùng trang lứa.
Các chị Oa, Phyang là hai trong rất nhiều trường hợp tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Vì nhận thức hạn chế, các tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ và do hoàn cảnh khó khăn nên các bậc cha mẹ đều muốn con lấy vợ, chồng sớm để có thêm lao động trong nhà dẫn đến tình trạng tảo hôn khó chấm dứt trong vùng đồng bào DTTS.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Trước thực trạng trên, để giảm thiểu và đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai đã và đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều hoạt động truyền thông, vận động, nâng cao nhận thức cho bà con về TH&HNCHT.
Trong 5 năm qua, các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức được 101 lớp tập huấn tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân, TH&HNCHT với 7.320 lượt người tham dự; tổ chức 1.393 cuộc truyền thông, 647 cuộc tư vấn về tảo hôn và hôn nhân gia đình.
Giai đoạn 2016-2018, tỉnh Gia Lai chọn xã Krong, huyện Kbang làm điểm triển khai mô hình thí điểm về dịch vụ tư vấn, hỗ trợ tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu TH&HNCHT trong vùng DTTS. Thực hiện tuyên truyền lưu động bằng hình thức chiếu phim liên quan đến TH&HNCHT; cấp phát sổ tay song ngữ Việt- Gia Rai, Việt- Ba Na; lắp đặt các pano, tờ bướm treo ở các địa phương, các nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa để nâng cao nhận thức cho người dân.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, qua 5 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2016- 2020, tình trạng TH&HNCHT đã giảm. Cụ thể, năm 2015 có 1.132 vụ tảo hôn, đến năm 2020 giảm xuống còn 869 vụ. Số cặp tảo hôn trên địa bàn tỉnh cũng đã giảm, đây là tín hiệu đáng mừng, chứng tỏ nhận thức của đồng bào DTTS về tác hại của nạn TH&HNCHT đã được nâng lên rõ rệt.