Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Gia Lai: Nâng cao chất lượng dạy và học bậc mầm non

P. Ngọc - 12:14, 24/05/2021

Môi trường giáo dục có vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Gia Lai luôn chú trọng thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non (GDMN), nâng cao chất lượng dạy và học, tạo tiền đề vững chắc cho trẻ bước vào những cấp học tiếp theo.

Giờ học của học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Ảnh: BGL)
Giờ học của học sinh mầm non trên địa bàn tỉnh Gia Lai (Ảnh: BGL)

Mở rộng mạng lưới trường, lớp

Sau nhiều năm thực hiện Chương trình GDMN và 5 năm thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, ngành giáo dục của tỉnh Gia Lai đã đạt được những kết quả quan trọng trong công tác GDMN. Quy mô trường, lớp được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của tỉnh được đến trường.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Gia Lai, năm học 2020-2021, toàn tỉnh có 266 trường mầm non, mẫu giáo; trong đó có 224 trường mầm non công lập, 06 trường mầm non dân lập và 36 trường mầm non tư thục. Huy động được 84.011 trẻ trong độ tuổi mầm non ra lớp, trong đó 6.062 trẻ nhà trẻ, 77.949 trẻ mẫu giáo.

Những năm qua, quy mô GDMN trên địa bàn tỉnh luôn ổn định và tăng dần hàng năm; mạng lưới trường, lớp mầm non được mở rộng đến tận các thôn, làng vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao chất lượng dạy và học.

Đơn cử như ngành giáo dục huyện Chư Păh, trong 14 xã, thị trấn thì có tới 4 xã đặc biệt khó khăn nhưng hệ thống trường, lớp mầm non, mẫu giáo cũng được phủ khắp 14/14 xã, thị trấn; số lượng và chất lượng giáo dục được nâng dần hàng năm. Năm học 2020-2021, toàn huyện có 16 trường mầm non; với tổng số học sinh 4.122 trẻ; trong đó trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS) 2.291 em.

Tỉ lệ trẻ được học 2 buổi/ngày đạt 100%; tỉ lệ trẻ đi học chuyên cần đạt 98%; số trường tổ chức ăn trưa cho trẻ 16/16. Năm qua tỷ lệ trẻ nhẹ cân chỉ còn 4,19%; trẻ thấp còi 5,75%.

Đối với ngành GD&ĐT huyện Đức Cơ, mặc dù điều kiện còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, môi trường an toàn để trẻ học tập, trải nghiệm cũng được ngành GD&ĐT huyện, địa phương quan tâm chỉ đạo và đầu tư. Huyện Đức Cơ hiện có 12 trường mầm non; Các làng ở Đức Cơ đều đã có trường, điểm trường mầm non, đảm bảo nhu cầu học tập của trẻ.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT, loại hình trường, lớp mầm non ngoài công lập trên địa bàn tỉnh cũng tăng hằng năm, nhiều trường mới thành lập được đầu tư theo hướng chuẩn quốc gia như các trường của thành phố Pleiku, thị xã An Khê, huyện Đak Đoa, huyện Chư Sê; Các huyện khó khăn như Kông Chro, Krông Pa, Đức Cơ, Chư Pưh đã được quan tâm, phát triển và duy trì được loại hình trường lớp mầm non ngoài công lập. 

Không những vậy, hạ tầng công nghệ thông tin, liên lạc được kết nối mạng internet 100% ở các trường.

Ưu tiên cho các hoạt động giáo dục mầm non

Những năm qua, môi trường học tập của trẻ cũng được thực hiện theo hướng giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, giúp trẻ có cơ hội phát triển về thể chất, nhận thức, tình cảm xã hội, thẩm mỹ và phát triển ngôn ngữ.

Để nâng cao chất lượng dạy và học trong thời gian tới, trên cơ sở thực hiện mục tiêu theo Quyết định 1677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sở GD&ĐT đã tập trung xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển GDMN của tỉnh đến năm 2025.

Ông Bùi Khoa Nghi, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thời gian tới, ngành giáo dục tỉnh tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới trường lớp mầm non công lập và ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2025 huy động trẻ nhà trẻ ra lớp đạt tỉ lệ 20% trở lên, trẻ mẫu giáo đạt tỉ lệ 95% trở lên và huy động trẻ em trong các cơ sở GDMN ngoài công lập đạt tỉ lệ 28% trở lên.

Về cơ sở vật chất, trường, lớp phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 70% trở lên. Tỉ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia đạt 65%. Ít nhất 65% số trường mầm non được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Bảo đảm củng cố, duy trì nâng cao chất lượng phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi.

Về đội ngũ giáo viên, ngành giáo dục tỉnh Gia Lai phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 85% giáo viên có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở lên, 85% tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn nghề nghiệp mức độ khá trở lên.

Sở GD&ĐT cũng cho biết, tỉnh đã ưu tiên ngân sách chi cho các hoạt động của GDMN. Thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa giáo dục, tạo mọi điều kiện thu hút nguồn lực xã hội để khuyến khích phát triển GDMN ngoài công lập ở những nơi có điều kiện; Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý GDMN; Đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục và nâng cao chất lượng GDMN; Tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển GDMN giai đoạn 2018-2025...


Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.