Lễ cầu mưa là nghi lễ đặc trưng nhất của cư dân làm nông nghiệp, thường được người Ba Na tổ chức vào trung tuần tháng 4 đến hết tháng 4 hàng năm, để cầu mong mưa xuống, bắt đầu cho một mùa vụ mới trong năm.
Đây cũng là nghi lễ độc đáo, làm nên bản sắc văn hóa đa dạng của các dân tộc tại chỗ. Tuy nhiên, do sự thay đổi trong đời sống hiện đại, nghi lễ này đã lâu không được người Ba Na tổ chức.
Hội đồng già làng và Người có uy tín thay mặt người dân bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị thần, nhất là thần núi (Yang Kông), thần nước (Yang Đak)… luôn che chở cho người dân có sức khỏe để lao động sản xuất. Cầu mong các vị thần tiếp tục mang mưa tưới mát cho đồng ruộng, nương rẫy, cho cây cối tốt tươi, mùa vụ bội thu, dân làng no ấm.
Lễ cầu mưa còn là dịp để người dân thể hiện sự đoàn kết, gắn bó để tạo nên sức mạnh của cộng đồng. Mọi người cùng chung tay chuẩn bị các món ăn truyền thống, uống chung ghè rượu thể hiện sự cố kết bền chặt.
Phục dựng lễ cầu mưa nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của người Ba Na làng Hnap nói riêng và trên địa bàn huyện Đak Đoa nói chung, từ đó giúp người dân có ý thức gìn giữ di sản và tiếp tục phát triển trong cộng đồng.
Bà Đặng Thị Hoài - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Đak Đoa, cho biết: Người Ba Na ở vùng đất này có nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn trâu, bỏ mả, mừng lúa mới, tạ ơn cha mẹ, mừng nhà rông mới, cúng giọt nước… Ngày nay, nhiều lễ hội bị mai một, trong đó có lễ cầu mưa. Đây là nghi lễ độc đáo, gắn liền với đời sống văn hóa, tinh thần của dân làng. Nếu mất đi, lễ hội Tây Nguyên sẽ thiếu vắng mảng màu đặc sắc.
"Với nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, huyện Đak Đoa đã tổ chức phục dựng nhiều nghi lễ quan trọng của cộng đồng. Chúng tôi xuống làng tìm hiểu, tôn trọng văn hoá truyền thống, chúng tôi để cho bà con tự tổ chức theo nguyên bản, chúng tôi chỉ hỗ trợ", bà Đặng Thị Hoài cho biết thêm.
Thông qua chương trình phục dựng sẽ góp phần khôi phục các lễ hội đã gắn bó với đời sống của cư dân nông nghiệp trong suốt chiều dài lịch sử, giúp bà con có ý thức gìn giữ, tiếp tục duy trì và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc mình.