Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Huyền thoại những người “nuôi lửa”

Tiêu Dao - 14:52, 26/06/2022

Mười mấy đời truyền lại, “Vua Lửa” là người kết nối của lũ làng và thần, người có sự tôn kính bậc nhất của cộng đồng. Trên vương quốc của “Vua Lửa” bây giờ, dù không còn nhiều huyễn hoặc, nhưng “Vua Lửa” vẫn là niềm tin bất diệt của người Jrai.

Người thế thân của “Vua Lửa”, già Rơ Lan Hieo thực hiện nghi lễ cầu mưa đầu tháng 5/2022
Người thế thân của “Vua Lửa”, già Rơ Lan Hieo thực hiện nghi lễ cầu mưa đầu tháng 5/2022

Plei Ơi theo tiếng Jrai có nghĩa là “Làng Ông”. Đó là ngôi làng nhỏ bé thanh bình, vẫn mang đậm dáng dấp Tây Nguyên dù bao biến thiên của lịch sử. Ngôi làng nằm trên một thung lũng bằng phẳng, phía Bắc là đèo Chư Sê với rừng khộp cỗi cằn khoe thân già nua xen trong những dãy đá trọc đầu lô nhô trăm hình vạn trạng, phía Nam là cánh đồng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, Gia Lai) ngút ngát hàng ngàn ha. Đó là vùng đất đắc địa, đẹp hiếm có. Đất ấy còn thêm sức hấp dẫn bởi núi Tao Yang, huyền tích “Vua Lửa” và kiếm thần ngự trị.

Già Rơ Lan Hieo, phụ tá “Vua Lửa” thứ 14 đưa hai tay lên trời, tiếng hú gọi vang cả ngọn đồi thấp nơi ông đang làm lễ cầu mưa cho dân làng. Từng tràng tiếng Jrai bật ra tự trong tâm khảm, đã ăn sâu vào trong trí nhớ của ông khi hàng chục lần theo Yang Pơtao Apui (Vua Lửa) đời thứ 14 làm lễ. Những động tác múa chân và tay linh hoạt, cùng từng câu Jrai vang lên trong gió và nắng cao nguyên.

Già Rơ Lan Hieo đã gần 70 tuổi, tóc bạc trắng như cước, thân hình nhỏ và màu da nâu như con người xứ Thượng nghìn đời qua. Già không được trao truyền, nhưng năm 1999, khi “Vua Lửa” đời thứ 14 Siu Luynh qua đời và do không có người trong “hoàng tộc” mang họ Siu để kế vị nên “ngai vàng” để ngỏ từ đó cho đến nay. Và từ đó đến nay, tất cả mọi lễ tục, những nghi thức của “Vua Lửa” Già Rơ Lan Hieo đều nắm rõ, và mặc nhiên, tất cả người Jrai ở vùng thung lũng Ayun này đều coi già là “Vua Lửa” đời thứ 15, dù không có tước phong.

Cả vùng Ayun xưa, bây giờ chia thành nhiều huyện thị như Phú Thiện, thị xã AyunPa, huyện Krông Pa, huyện IaPa và một phần của huyện KonChro của tỉnh Gia Lai. Đây vốn là “vương quốc” của Yang Pơtao Apui. Vào khoảng cuối tháng 4 tháng 5, mùa khô Tây Nguyên bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Và “Vua Lửa”, theo nhiều tài liệu khảo cứu thì là người nắm giữ được kỹ nghệ rèn kim loại bằng lửa, để tạo nên nông cụ giúp việc sản xuất nông nghiệp để nuôi sống người Jrai, hay chế tạo vũ khí để bảo vệ buôn làng. Chính vì thế, “Vua Lửa” được xưng tôn.

Nơi cư ngụ của nhiều đời “Vua Lửa” là làng Plei Ơi (thuộc xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, Gia Lai). Sử thi kể rằng, “Vua Lửa” đầu tiên bắt đầu từ hai anh em tên là T’dia và T’diêng rèn gươm báu trên một hòn đá nằm ngay miệng núi lửa Hàm Rồng (cách Plei Ơi khoảng hơn 50 cây số về phía Bắc). Khi rèn xong, thanh gươm bằng đồng cứ đỏ rực, nhúng vào ghè thì ghè cạn; nhúng xuống suối, suối khô; nhúng xuống sông, sông hết nước... Có được thanh gươm thần, người Jrai cho rằng người sở hữu nó ắt có khả năng nói chuyện được với thần linh, để chuyển tải ý nguyện của con người đến với đấng siêu nhiên. Vào những ngày khô hạn, Yang Pơtao Apui thường mang gươm báu đi khắp vùng để cúng cầu mưa cho người Jrai, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Hình ảnh con người và kiến trúc của buôn làng Jrai trong thập niên 1960.  (Ảnh: Dương An – Lịch sử và con người xứ Thượng)
Hình ảnh con người và kiến trúc của buôn làng Jrai trong thập niên 1960.  (Ảnh: Dương An – Lịch sử và con người xứ Thượng)

Ngày 24/3/1993, Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký Quyết định số 281/QĐ-BT công nhận Plei Ơi là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội Cúng cầu mưa của Yang Pơtao Apui được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2015. Giờ đây, lễ hội Cúng cầu mưa đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Jrai. Hoạt động này được đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tin rằng, nhờ có sức mạnh của Thần Gươm ẩn trong chiếc gươm thần mà Pơtao Apui có rất nhiều khả năng đặc biệt, trong đó quan trọng nhất là khả năng chuyển nắng hạn thành mưa. Già Rơ Lan Hieo, phụ tá “Vua Lửa” thứ 14 là người giữ gươm thần thuộc làu những bài Khan, những lời cúng cầu mưa. Trong câu chuyện của già vẫn nhắc về những lần đi cầu mưa giúp dân làng.

Theo đó, Lễ cầu mưa được thực hiện bên cửa hông phía mặt trời mọc trong nhà của Pơtao Apui. Lễ vật gồm: một ghè rượu, sáp mật ong, gạo, thịt... để mời thần Sông, thần Đá, thần Núi. Cuối cùng già Hieo cầu xin các thần linh mang mưa đến cho người dân trong vùng. Thỉnh thoảng già Hieo đi Kon Tum, đi An Khê, đi Phú Yên, Đắk Lắk cầu mưa cho bà con vùng khô hạn. Bình thường, già là một nông dân, chỉ khi có lễ hội hoặc khi được mời đi cầu mưa thì mới vận đồ truyền thống và chuẩn bị cho nghi lễ truyền thống. Và mặc nhiên, già cũng được coi là người nuôi lửa, người giữ lửa thay Yang…

Suốt hơn 5 thế kỷ qua, 14 đời “Vua Lửa” nối ngôi nhau “trị vì” ở làng Plei Ơi. “Vua Lửa” cuối cùng là Siu Luynh và khi ông này chết (năm 1999), “ngôi vương” bỏ trống từ đó cho đến nay. Và bây giờ, Khu di tích lịch sử - văn hóa Plei Ơi rộng một ha nằm bên Quốc lộ 25, dưới chân đập Ayun Hạ, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện. Plei Ơi đã là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và nghi lễ cúng cầu mưa của “Yang Pơtao Apui” - một nghi lễ truyền thống của đồng bào Jrai đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Những câu chuyện về các Pơtao Apui được truyền khẩu từ đời này sang đời khác nửa như thực, nửa như mơ. Tuy nhiên, có một hoạt động rất chân thực được 14 đời “Vua Lửa” thực hiện một cách thường xuyên và giờ đây đã trở thành nét văn hóa truyền thống của người Jrai đó là lễ hội cúng cầu mưa. Hoạt động này được đặc biệt quan tâm nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.