Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai, 6 tháng đầu năm nay, 60 - 70% lao động trong ngành Du lịch, dịch vụ phải tạm nghỉ việc. Một số doanh nghiệp (DN) du lịch phải ngừng hoạt động hoặc nợ lương của nhân viên. Dự đoán trong thời gian tới, nếu dịch còn kéo dài, thì các DN du lịch, dịch vụ phải giảm công suất 70 - 80% hoặc phải giảm giá để cạnh tranh, bù đắp doanh thu.
Homestay Tiên Sơn Pleiku của Công ty TNHH Xây dựng và Bất động sản Vinacolour (phường Hội Thương, TP. Pleiku) là một trong những DN bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19. Anh Cao Huyền Tuấn Anh, chủ Homestay Tiên Sơn cho biết: “Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, dịch vụ lưu trú Homestay, cà phê của chúng tôi đón tiếp bình quân 1.200 lượt khách/tháng, doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, thời gian qua, vì ảnh hưởng của đại dịch, doanh thu đã giảm xuống còn 400 triệu đồng. Dù doanh thu giảm rất thấp và có xu hướng giảm trong thời gian tới, nhưng DN vẫn quyết định duy trì đội ngũ nhân viên, mặc dù chúng tôi vẫn phải trả lãi ngân hàng theo định kỳ.
“Chúng tôi mong Chính phủ và UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ người lao động trong ngành Du lịch mất việc. Thực tế, trong các đợt hỗ trợ trước, ít trường hợp lao động du lịch đủ điều kiện được hưởng các khoản tiền hỗ trợ”.
Ông Nguyễn Tấn Thành Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Gia Lai
“Đa phần các DN đều phải vay vốn ngân hàng để đầu tư thêm cơ sở vật chất hạ tầng rồi trả lãi bằng doanh thu. Do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nên hầu hết DN đều giảm, hoặc không có doanh thu do lượng khách du lịch ít. Do vậy, chúng tôi mong các ngân hàng chung tay với DN lúc khó khăn này bằng việc giảm lãi suất hoặc khoanh nợ, giãn nợ, để chúng tôi có thể duy trì và phục hồi sau dịch. Khi DN hoạt động ổn định thì sẽ có tiền trả ngân hàng”, anh Tuấn Anh biết thêm.
Tương tự, theo chị H., chủ một chuỗi nhà hàng, dịch vụ giải trí, đại dịch Covid-19 đã khiến cho rất nhiều đơn vị lao đao. Từ DN lớn đến các DN vừa và nhỏ, kể cả những người lao động chân tay. DN của chị H. cũng gặp khó khi phải duy trì các dịch vụ.
Chị H. cho biết: “Nếu không có dịch, chuỗi dịch vụ giải trí và ăn uống của chúng tôi phát triển rất tốt và đón được nhiều khách du lịch. Để phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng và thu hút du lịch, chúng tôi đã vay nhiều khoản khác nhau ở các ngân hàng để đầu tư thêm bằng nhiều hình thức thế chấp, bảo đảm để đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, vì dịch nên lượng khách ghé thăm giảm, một số dịch vụ buộc phải đóng cửa tạm thời. Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải gồng gánh các khoản vay đồng thời trả tiền lương cho nhân viên đúng kỳ hạn. Vì vậy, chúng tôi rất mong giai đoạn này các ngân hàng trên địa bàn tỉnh xem xét áp dụng tăng hạn mức vay, giảm lãi và khoanh, giãn nợ”.
Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Gia Lai, trước đợt dịch thứ 4, toàn tỉnh có 9 DN du lịch lữ hành, trong đó có 2 DN đăng ký Tour nước ngoài và 7 DN dẫn Tour trong nước. Hiện 2 DN đăng ký dẫn khách tham quan nước ngoài đã nộp đơn xin chuyển sang dẫn Tour trong nước. Trong 6 tháng đầu năm nay, lượng khách quốc tế giảm 85% và khách trong nước đến Gia Lai giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020. Ông Hoàng Phương, Giám đốc Công ty Du lịch Niềm Vui Việt (Vietjoy Tourist) buồn bã chia sẻ: “Công ty hiện đang bên bờ vực phá sản. Hiện nay chúng tôi đã ngừng hoạt động. Không có doanh thu, chúng tôi phải lấy quỹ dự phòng để chi trả lương cho cán bộ, nhân viên”.
Trước thực trạng trên, Sở VHTT&DL tỉnh đã tổng hợp các ý kiến, đề xuất tháo gỡ khó khăn trình UBND tỉnh xem xét. Ông Lâm Ngọc Đường, Phó Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VHTT&DL) cho biết: “Các DN du lịch, dịch vụ chủ yếu kiến nghị 4 vấn đề chính, là: Giảm lãi, giãn nợ ngân hàng; miễn, giảm và gia hạn các khoản thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN; miễn, giảm tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; hỗ trợ đời sống vật chất, bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, nhân viên. Sau khi thu thập ý kiến từ các công ty, Sở đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ”.