Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Suối đá cổ Jrai Phă- điểm check-in hấp dẫn của “dân phượt”

Nguyệt Anh (T/h) - 08:33, 27/06/2021

Tại suối đá cổ Jrai Phă thuộc khu vực làng Vân, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai có một bãi đá đĩa mới phát lộ khiến nhiều “dân phượt” thích thú, ngỡ ngàng. Người dân làng Vân, thị trấn Ia ly, huyện Chư Păh vẫn gọi con suối độc đáo này là Gia Rai Phă hoặc Ia Ruai.

Bãi đá đĩa suối Jrai Phă mang vẻ đẹp hoang sơ
Bãi đá đĩa suối Jrai Phă mang vẻ đẹp hoang sơ

Từ thành phố Pleiku, di chuyển khoảng 1 giờ về hướng thị trấn Ia ly và hỏi người dân địa phương, bạn sẽ tới địa điểm suối Jrai Phă.

Men theo 300 m đường mòn ven con suối, hiện ra trước mắt bạn là bãi đá cổ với những khối đá hình lục giác, tròn vuông được tự nhiên sắp đặt khéo léo thành từng lớp kỳ vĩ rộng khoảng 200m, trải dài hơn 1km hai bên con suối. Nếu nhìn từ trên cao, bãi đá cổ như một tổ ong khổng lồ.

Nhìn từ trên cao, bãi đá cổ như một tổ ong khổng lồ.
Nhìn từ trên cao, bãi đá cổ như một tổ ong khổng lồ.

Ngoài những tảng đá được sắp xếp ấn tượng, những khe đá bị dòng nước bào mòn qua năm tháng cũng tạo nên vẻ đẹp riêng cuốn hút, nơi bị bào mòn sâu nhất lên đến 5m.

Người dân địa phương kể rằng, người Gia Rai sống tại khu vực này đã biết tới dòng suối từ khá sớm, nhưng trước đây, suối nhiều nước, cây cối rậm rạp nên bãi đá cổ này không lộ thiên như ngày nay.

Những lớp đá xếp chồng lên nhau
Những lớp đá xếp chồng lên nhau một cách tự nhiên, tựa như có bàn tay xếp đặt của con người

Loại đá tại con suối này là đá bazan được hình thành từ cách đây hàng trăm triệu năm do hoạt động của núi lửa tại vùng đất cao nguyên này. Lý giải về cơ chế hình thành các bãi/mỏ đá bazan cột, các nhà khoa học cho rằng, hình dạng của những cột đá này là do nham thạch phun lên từ núi lửa chảy ra gặp dòng nước lạnh liền bị đông cứng lại, cùng lúc xảy ra hiện tượng ứng lực. Do đó gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo các mạch dọc, ngang, xiên làm cho những cột đá bị cắt thành nhiều khúc, tạo nên những khối đá có hình dạng như hiện nay.

Du khách check- in tại suối đá cổ
Du khách check- in tại suối đá cổ

Hiện, khu vực suối đá đĩa Gia Lai đang trở thành một trong những điểm đến check-in hấp dẫn của nhiều người mê vẻ đẹp tự nhiên độc đáo, tránh xa ồn ào của những điểm du lịch đông đúc. Tuy nhiên, khi tới thăm địa điểm này, bạn cần chú ý gìn giữ cảnh quan tự nhiên, không xả rác hay tác động xấu lên những khối đá cổ để giữ gìn thắng cảnh của địa phương.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Gia Lai đã đề nghị xếp hạng di tích địa điểm suối đá cổ Jrai Phă và lên kế hoạch bảo vệ, đồng thời khai thác tiềm năng du lịch hợp lý.

Trong thời gian tới, suối đá đĩa cổ cùng thủy điện Ialy, núi lửa Chư Đang Ya, hàng thông 100 tuổi của huyện Chư Păh sẽ giúp du khách có thêm nhiều trải nghiệm khám phá thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp của vùng đất đỏ bazan Gia Lai. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.