Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Gặp nghệ nhân “xứ ta” gần 60 năm gắn bó với nghề làm kèn Tây

Vũ Mừng - 10:02, 08/07/2024

Ở Nam Định người chơi được kèn Tây không hiếm. Hầu hết các giáo xứ, giáo họ trong tỉnh có đến 25% dân số theo đạo Công giáo này đều có hội kèn, mỗi hội có từ vài chục đến cả trăm người. Nhưng vừa chơi được kèn vừa làm ra được những chiếc kèn đồng vốn có xuất xứ từ phương Tây, thì chỉ có người dân xứ đạo Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định).

Từ thành phố Nam Định, xuôi theo tỉnh lộ 490C, vượt cầu phao Ninh Cường chúng tôi tìm tới xã Hải Minh để thăm ông Nguyễn Văn Cường, người có thâm niên lâu năm nhất trong nghề làm kèn tại làng Phạm Pháo. 

Điều thú vị là tất thảy những người đã và đang gắn bó với nghề làm kèn, đều được người dân trân trọng nhắc tới với hai từ nghệ nhân. Và khi được vào tham quan không gian làm việc của nghệ nhân Nguyễn Văn Cường - nơi có hàng ngàn cây kèn đang trong các công đoạn chế tác, mới thấy được vì sao người dân lại trân trọng và quý mến những người thợ làm kèn như thế!

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường và con trai Nguyễn Trung Kiên tỉ mẩn bên những cây kèn
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường và con trai Nguyễn Trung Kiên tỉ mẩn bên những cây kèn

Giáo xứ Phạm Pháo có lịch sử hình thành lâu đời, thuộc địa bàn xã Hải Minh, với cả chục giáo họ. Mới đây, một số giáo họ thuộc xứ Phạm Pháo đã phát triển, nâng cấp thành các giáo xứ mới như: Trại Đáy, Tân Bồi, Nam Hòa…

Ngay từ năm 1908, xứ đạo Phạm Pháo đã xây dựng ngôi thánh đường khá nguy nga. Cùng khoảng thời gian này, xứ đạo đã thành lập đội kèn đồng mà mọi người quen gọi là đội nhạc “Tây” vì nó vốn được du nhập từ phương Tây. Trong quá trình sử dụng lâu ngày có chiếc bị hư hỏng và sẽ khá nhiêu khê nếu muốn tìm nơi sửa chữa. Từ đó, ngoài biết cách chơi kèn Tây thành thạo, một số cá nhân ở Phạm Pháo đã mày mò để có thể tìm ra “bệnh” của những chiếc kèn đồng.

Trước đây, nhiều người ở bên ngoài do tìm hiểu không kỹ nên hay nói rằng, ở Phạm Pháo cả làng cùng làm kèn đồng nhưng không phải thế. Nghề chính của người dân ở đây là sản xuất, buôn bán đồ gỗ mỹ nghệ, đồ đồng và cả đồng hồ cổ cùng nhiều dịch vụ khác. Thực tế từ xưa đến nay, ở Phạm Pháo chỉ có gia đình 3 anh em ruột của ông là Nguyễn Văn Đông, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Văn Phương nối nghiệp cha làm kèn đồng, ngoài ra còn có gia đình một người em con chú ruột của ông là Nguyễn Văn Hưởng cùng làm.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường là thế hệ thứ 4 trong gia đình tiếp nối và theo đuổi nghề
Nghệ nhân Nguyễn Văn Cường là thế hệ thứ 4 trong gia đình tiếp nối và theo đuổi nghề

Với gần 60 năm theo nghề, nghệ nhân Nguyễn Văn Cường bộc bạch rằng, nghề làm kèn đồng đến với ông như một duyên cơ. Hay như cách nói của ông là “bề trên đã chấm sổ” cho ông sau này thành người sản xuất kèn. Ông là thế hệ thứ 4 trong gia đình tiếp nối và theo đuổi nghề.

Điểm làm nên nét riêng của kèn đồng Phạm Pháo, là hầu hết các công đoạn đều được thực hiện thủ công mà không cần đến các thiết bị máy móc hiện đại. Trong hầu hết các loại kèn, người thợ làng Phạm Pháo chỉ cần đến chiếc máy cán đồng và máy hàn, là có thể làm được những loại kèn một thời vốn phải nhập từ phương Tây.

Đến nay, những người nặng lòng với kèn như nghệ nhân Nguyễn Văn Cường có thể làm đến hàng chục loại kèn như Clarinet, Saxophones, Trumpet, Alto Saxophones, Trombone, Baritone, Bass, Tubas… đặc biệt là chiếc Helicon cho âm trầm đáng nể.

Kèn Phạm Pháo chỉ thua kém kèn nhập ngoại về độ bóng bẩy, nhưng điều đó không ảnh hưởng tới chất lượng âm thanh, bởi người thợ kèn Phạm Pháo có thể bảo đảm tất cả các yêu cầu của kèn một cách chuẩn xác.

Một đội kèn Tây tại xứ Đạo tại mảnh đất Hải Hậu, Nam Định.
Một đội kèn Tây tại xứ Đạo ở Hải Hậu, Nam Định

Thông thường mỗi chiếc kèn Tây có từ 180 đến 250 chi tiết, trong đó có bộ phím cần phải kín như chiếc xi lanh nhưng cũng phải nhẹ nhàng, trơn tru để dễ bấm. Các loại kèn đồng giống nhau ở điểm đều có bộ hơi gồm 3 quả pháo, mỗi quả có 6 lỗ tạo ra các nốt nhạc.

Trong quá trình chế tác, khâu khó nhất vẫn là chế tạo quả pháo và bộ phím. Ngoài sự lành nghề, người thợ còn phải có cả kiến thức về âm nhạc và quan trọng nhất là đôi tai phải có độ thẩm âm tinh tế để nắm bắt được các biến tấu của thanh âm.

Nhắc đến kèn đồng, ông Cường không ngần ngại mà thổ lộ rằng, chẳng có gì vui và hạnh phúc hơn khi con cái trong gia đình đều yêu thích và đam mê kèn Tây.

Anh Nguyễn Trung Kiên (28 tuổi) là một trong số những người con trai của nghệ nhân Nguyễn Văn Cường quyết chí theo cha làm nghề. Tay nâng niu một cây Alto Saxophones, Kiên nhoẻn miệng cười khoe: "Có lẽ em là người thợ làm kèn trẻ nhất của mảnh đất này anh ạ. Không chỉ với bản thân em mà với tất cả những người lớn lên ở xứ đạo, cây kèn đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các Thánh lễ”.

Có thể nói, hơn bất cứ người nào hết - có lẽ người làng Phạm Pháo chính là người yêu kèn nhiều nhất của vùng đất Nam Định này!

Tin cùng chuyên mục
Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Nguyên Bình - Nơi sáng lên tình dân tộc, nghĩa đồng bào

Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ ngày 7 - 10/9, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, mưa lớn kéo dài liên tục, xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt trên diện rộng, đặc biệt ở huyện Nguyên Bình có 3 điểm sạt lở tại các xóm Khuổi Ngọa, Lũng Lỳ, xã Ca Thành và xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc, làm chết, bị thương và mất tích nhiều người. Ngay khi mưa lũ xảy ra, các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã nhanh chóng tiếp cận hiện trường, triển khai công tác ứng cứu.