Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Gần 200 con gia súc ở Mù Cang Chải mắc bệnh lở mồm long móng

PV - 18:07, 10/12/2020

Tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xuất hiện ổ dịch lở mồm long móng với gần 200 con gia súc mắc bệnh.

Cơ quan chuyên môn huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống dịch lở mồm long móng ở xã Nậm Có.
Cơ quan chuyên môn huyện Mù Cang Chải kiểm tra công tác phòng chống dịch lở mồm long móng ở xã Nậm Có.

Trước đó vào cuối tháng 11 vừa qua, gia đình ông Chang Nhà Tông và một số gia đình khác tại bản Lùng Cúng, xã Nậm Có phát hiện đàn gia súc có biểu hiện ốm nên đã báo cho chính quyền xã và cơ quan thú y huyện Mù Cang Chải đến kiểm tra. Theo đó xác định đàn gia súc ốm mắc bệnh lở mồm long móng. Nguyên nhân được biết, trước đó gia đình ông Chang Nhà Tông có mua 1 đôi trâu giống từ địa phương khác về nuôi.

Đến nay xã Nậm Có đã có hơn 170 con trâu, bò và lợn bị mắc bệnh, trong số này đã tổ chức tiêu hủy 7 con lợn.

Ông Thào A Cu, Phó Chủ tịch UBND xã Nậm Có cho biết, trong bản Lùng Cúng còn không có sóng điện thoại nên đã cho thành lập một chốt kiểm dịch ở đó ngăn không cho bà con đưa trâu bò đi ra, đi vào.

Để khống chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng, Trung tâm Dịch vụ - Hỗ trợ phát triển Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải cũng đã phối hợp với chính quyền xã Nậm Có tuyên truyền, phổ biến các biện pháp ngăn chặn dịch đến từng hộ dân, đưa những con gia súc có biểu hiện mắc bệnh vào khu chăn nuôi cách ly để chăm sóc, theo dõi.

Ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ - Hỗ trợ phát triển Nông nghiệp huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái cho biết, nhận được tin huyện đã phối hợp với xã khoanh lại vùng dịch và phun tiêu độc khử trùng, tiêm phòng và hướng dẫn bà con sát trùng. Những xã lân cận cũng có văn bản thông tin, hướng dẫn, nhắc nhở bà con không nhập đàn gia súc từ vùng dịch về.

Ổ dịch lở mồm long móng ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái hiện cơ bản được khống chế, tuy nhiên người dân không nên chủ quan, do mùa đông sức đề kháng của vật nuôi yếu, nếu nhiễm bệnh sẽ lây lan nhanh và khó cứu chữa./.