Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Chủ động chống nóng cho đàn vật nuôi

Hoàng Quý - 10:25, 08/06/2020

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, từ đầu năm đến nay, nhiệt độ trung bình trên phạm vi toàn quốc đều cao hơn so với mức trung bình nhiều năm từ 1 - 1,25oC, cá biệt có nơi cao hơn 3oC. Dự báo là năm có nắng nóng gay gắt, nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Vì vậy, người chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động các giải pháp chống nóng cho đàn vật nuôi.

Người chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc bố trí giờ ăn cho đàn gà tránh lúc nắng nóng đỉnh điểm.
Người chăn nuôi gà ở Vĩnh Phúc bố trí giờ ăn cho đàn gà tránh lúc nắng nóng đỉnh điểm.

Gia đình ông Nguyễn Văn Kho, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc) là một trong những hộ gia đình nuôi gà đẻ trứng lâu năm với quy mô lớn. Để phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm năng suất trứng cho đàn gà, mỗi khi bước vào mùa nắng nóng, ông Kho luôn chủ động rà soát lại chuồng trại và chuẩn bị các biện pháp chống nóng cho đàn gà như hệ thống phun nước, quạt thông gió, thức ăn, nguồn nước.

Vào những ngày thời tiết vượt ngưỡng 38 - 40oC, gia đình ông còn kết hợp vận hành hệ thống phun nước làm mát mái chuồng trại, cùng với cho gà ăn, uống bổ sung các vi chất dinh dưỡng cần thiết. Vì vậy hơn 1 vạn gà Ai Cập đẻ trứng của gia đình ông luôn bảo đảm sức khỏe và cho khai thác trứng với năng suất, chất lượng cao.

Hay như gia đình anh Nguyễn Văn Thọ (Tam Dương, Vĩnh Phúc) thời điểm này cũng đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi của mình. Ở khu vực chuồng trại của anh Thọ, toàn bộ quạt mát, hệ thống làm mát, phun nước tưới trên mái các chuồng nuôi của gia đình anh đều hoạt động hết công suất.

Được biết, trước đây, vì chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi nên trong mùa nắng nóng năm 2019, gia đình anh Thọ đã bị thiệt hại trên 100 con gà vì cảm nắng. Rút kinh nghiệm từ bài học đó, ngay từ những ngày đầu hè năm nay, anh Thọ đã giảm mật độ nuôi cho phù hợp với từng loại gà đẻ, gà thịt và gà con. Ngoài hệ thống làm mát, anh Thọ còn cẩn thận hơn khi phủ thêm rơm, rạ lên mái chuồng nuôi để giảm nhiệt độ trong chuồng.

Anh Thọ chia sẻ: “Để bảo vệ an toàn cho hơn 8.000 con gà, trong đó có hơn 1.000 con gà thịt, vào những ngày nắng nóng kéo dài, tôi chia khẩu phần cho ăn nhiều bữa, cho ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối, hạn chế cho ăn vào buổi trưa”.

Ông Lê Xuân Công, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Ước tính số lượng đàn vật nuôi của tỉnh có hơn 17.000 con trâu, 110.000 con bò, trên 450.000 con lợn, 11,2 triệu con gia cầm. Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, tránh gây thiệt hại về kinh tế, thời gian qua, tỉnh đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền người chăn nuôi bố trí mật độ, lứa tuổi phù hợp cho từng loại vật nuôi, nhất là đối với chăn nuôi lợn thịt, gà thịt, gà đẻ; chuồng trại phải bảo đảm cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với từng đối tượng vật nuôi.

Mùa Hè dễ phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi do thời tiết nóng, ẩm như cảm nắng, cảm nóng hoặc mắc các bệnh như tụ huyết trùng, tiêu chảy, Ecoli,… Địa phương thực hiện theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin để phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.