Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Duy trì tính bền vững chương trình điều trị Methadone ở Lai Châu

PV - 15:32, 17/04/2021

Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế vừa được triển khai thí điểm tại Lai Châu. Đây là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn, là tiền đề cho việc duy trì tính bền vững của chương trình điều trị, tạo điều kiện cho người bệnh tiếp cận điều trị và giúp giảm chi phí không cần thiết cho bệnh nhân.

Cán bộ y tế cấp túi thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Thùy Chi
Cán bộ y tế cấp túi thuốc Methadone nhiều ngày cho bệnh nhân tại Lai Châu. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Lai Châu, là tỉnh miền núi biên giới có điều kiện kinh tế khó khăn so với nhiều địa phương trên toàn quốc. Tỉnh có 20 dân tộc sinh sống trên địa bàn, phong tục, tập quán, điều kiện kinh tế khó khăn đã tác động, ảnh hưởng đến gia tăng tỷ lệ lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện ma tuý đối với nhiều địa bàn, nhiều quần thể dân cư, nhất là nhóm các đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Lai Châu như SiLa, La Hủ, Mảng...

Theo đánh giá của Bộ Y tế, Lai Châu là một trong 10 tỉnh, thành phố có tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS và nghiện chích ma tuý phức tạp. Năm 2001 trường hợp nhiễm HIV đầu tiên tại tỉnh được phát hiện, tính đến hết năm 2020 số lũy tích nhiễm HIV là 3.532 trường hợp, trong đó số nhiễm HIV còn sống 1.816 người, về cơ bản Lai Châu đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của dịch, khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng ở mức 0,39%.

Đối với Chương trình điều trị thuốc thay thế, Lai Châu là tỉnh tiên phong thực hiện mở rộng mạng lưới cấp phát thuốc tại tuyến xã. Hiện nay, chương trình tiếp cận điều trị duy trì trung bình hằng tháng từ 2.250 đến 2.300 người bệnh, tại 8 cơ sở điều trị tuyến huyện và 30 cơ sở cấp phát tuyến xã, đạt độ bao phủ là 76% so với số người nghiện có hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong số hơn 2.200 người bệnh đang tham gia điều trị Methadone, có tới gần 60% số người bệnh cần di chuyển từ 5 km - 7km đến cơ sở uống thuốc hằng ngày và gần 10% số người bệnh di chuyển từ 10km - 15km. Đây là trở ngại cho việc duy trì tính bền vững của chương trình điều trị thuốc thay thế đối với địa bàn tỉnh Lai Châu hiện nay. Gây ảnh hưởng đến sự tuân thủ của người bệnh, tốn kém về chi phí đi lại, mất an toàn giao thông, ảnh hưởng giãn đoạn thời gian lao động cho người bệnh có việc làm ổn định tại địa phương...

Ông Nguyễn Thế Phong, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, được Bộ Y tế, các tổ chức dự án quốc tế quan tâm hỗ trợ, tỉnh Lai Châu bắt đầu triển khai thí điểm Đề án giai đoạn 2021-2022 tại địa bàn 3 huyện thành phố, là: Than Uyên, Tân Uyên và TP Lai Châu. Cụ thể, 3 cơ sở điều trị tại Trung tâm Y tế Than Uyên, Tân Uyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và 4 cơ sở cấp phát tuyến xã là Tà Mung, Phúc Than huyện Than Uyên và cơ sở cấp phát xã Hố Mít, xã Pắc Ta huyện Tân Uyên. Có 250 bệnh nhân sẽ được tham gia chương trình thí điểm này.

Đề án thí điểm cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế sẽ là tiền đề cho việc duy trì tính bền vững của chương trình điều trị thuốc thay thế, giúp giảm chi phí không cần thiết cho người bệnh. Đề án được thí điểm trong giai đoạn 2021-2022.

Theo Kế hoạch đề án thí điểm đã đưa ra, mục tiêu là năm 2021 Lai Châu cấp thuốc cho 266 bệnh nhân, hết năm 2022 cấp thuốc mang về cho tối thiểu 400 bệnh nhân, tối đa 700 bệnh nhân.

Anh Giàng A Khoa, 45 tuổi, ở Tả Lèng, Tam Đường, tỉnh Lai Châu – người được tham gia chương trình thí điểm cấp phát Methadone nhiều ngày cho biết, anh tham gia chương trình điều trị Methadone từ 4 năm nay. Từ khi được điều trị sức khỏe của anh cải thiện rõ rệt, không còn cảm giác thèm muốn heroin. Tuy nhiên, hằng ngày anh phải vượt gần 10 km để đến uống thuốc tại cơ sở điều trị Methadone của tỉnh là trở ngại lớn nhất đối với anh. Nhiều hôm mưa bão, hay vướng bận công việc anh vẫn phải thu xếp vượt chặng đường dài để đến uống thuốc. Việc phải đến cơ sở điều trị hàng ngày cũng khiến anh khó tìm được công việc ổn định. Do đó, được lựa chọn tham gia chương trình khiến anh rất vui.

“Tôi rất vui khi được tạo điều kiện cho tham gia chương trình cấp phát thuốc Methadone về nhà nhiều ngày. Để không gặp phải những rủi ro trong công tác điều trị, các cán bộ y tế đã căn dặn tôi rất kỹ lưỡng. Tôi sẽ tuân thủ điều trị, thực hiện nghiêm ngặt các quy định về điều trị, uống thuốc tại nhà”, anh Giàng A Khoa cho hay.

Việc cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là công việc mới, do đó vẫn cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, cùng sự hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn của các cán bộ y tế, sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế nhằm tạo điều kiện để các tỉnh, thành phố được lựa chọn triển khai thành công Đề án thí điểm./.