Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone ở Mường Tè: Còn nhiều khó khăn

PV - 09:28, 17/09/2019

Sau 4 năm triển khai Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, hiện toàn huyện Mường Tè (Lai Châu) có 430/586 bệnh nhân nghiện các chất dạng thuốc phiện đang được điều trị bằng Methadone. Trên 70% bệnh nhân được cải thiện về sức khỏe, có ý thức, có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Tuy nhiên, để việc điều trị thực sự mang lại hiệu quả, vẫn còn không ít khó khăn.

Kết quả tích cực

Là 1 trong 25 người trong bản tham gia điều trị từ những ngày đầu triển khai Chương trình, anh Lò Văn Tinh, sinh năm 1980, dân tộc Mảng, ở bản Nậm Củm (xã Bum Nưa, Mường Tè) cho biết, anh tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được 3 năm. Từ khi uống thuốc, anh không còn cảm giác muốn sử dụng ma túy nữa, có thể tham gia lao động, sinh hoạt bình thường cùng vợ con.

Người nghiện ma túy đến uống thuốc Methadone tại cơ sở cấp phát thuốc xã Tà Tổng. Người nghiện ma túy đến uống thuốc Methadone tại cơ sở cấp phát thuốc xã Tà Tổng.

Cũng giống như anh Tinh, ông Tao A Đề, năm nay 61 tuổi, dân tộc Mảng (bản Nậm Củm) uống rượu và sử dụng thuốc phiện từ khi mới lên 8 tuổi, được cán bộ y tế vận động uống Methadone từ năm 2015.

“Trước đây, nhà có gì tôi đều đem bán đi để có tiền mua thuốc hút, thậm chí có những lúc không có thuốc hút không kiểm soát được bản thân còn đánh vợ. Đến nay, sau 3 năm được tuyên truyền, vận động uống Methadone, tôi đã làm chủ được hành động và ý thức của mình, không còn lấy đồ trong nhà đi bán để mua thuốc nữa. Giờ tôi cũng đã cùng vợ con đi làm ruộng để có tiền mua thức ăn”, ông Tào chia sẻ.

Cũng như anh Tinh, ông Tào, hàng trăm người nghiện trên địa bàn huyện Mường Tè thời gian qua đã được tuyên truyền vận động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Nhờ đó, kết quả trong công tác điều trị bằng Methadone của huyện Mường Tè trong 4 năm qua khá tích cực.

Bác sĩ Tống Văn Bắc, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Tè cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Tè có 1 cơ sở điều trị, 9 cơ sở cấp phát thuốc Methadone và có 430 bệnh nhân đang điều trị bằng Methadone.

“Trong quá trình điều trị, không có bệnh nhân nào có phản ứng phụ hay tai biến do uống thuốc Methadone. Trên 70% bệnh nhân tham gia điều trị tuân thủ điều trị, chấp hành tốt nội quy cơ sở, quy định chuyên môn; một số tìm được việc làm, có nhận thức, ý thức trách nhiệm với bản thân và gia đình”, bác sĩ Bắc thông tin thêm.

Còn nhiều khó khăn

Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được, công tác tuyên truyền, vận động người nghiện tham gia điều trị bằng Methadone của ngành Y tế huyện cũng gặp không ít khó khăn. Nhất là, lượng người điều trị nghiện bằng thuốc Methadone thấp so với số người nghiện trên địa bàn là 586 người. Nguyên nhân chủ yếu do địa bàn rộng, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn dẫn đễn việc tuyên truyền, vận động người nghiện đến điều trị chưa đạt như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, người nghiện còn mang tâm lý tự ti, mặc cảm, chưa tự giác đến điều trị tại các cơ sở điều trị và cơ sở cấp phát thuốc, nên số lượng bệnh nhân tham gia điều trị có xu hướng giảm.

Mặt khác, cán bộ làm việc tại cơ sở điều trị và các cơ sở cấp phát thuốc phần lớn theo hợp đồng lao động ngắn hạn, thiếu chuyên môn nghiệp vụ, môi trường lao động lại phức tạp, nhiều áp lực nhưng chế độ đãi ngộ thấp, nên ảnh hưởng lớn đến tinh thần cũng như sự nhiệt tình trong gắn kết với bệnh nhân. Đặc biệt, cơ sở điều trị và các cơ sở cấp phát thuốc Methadone phải lồng ghép với các cơ sở y tế với hình thức kiêm nhiệm, thậm chí là các điểm trường mầm non, gây cản trở rất lớn đến công tác điều trị người nghiện.

Để giúp người nghiện có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với tính ưu việt của Chương trình, theo bác sĩ Tống Văn Bắc, thời gian tới các cơ quan chuyên môn của huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền rộng rãi cho người nghiện và người dân hiểu và biết về lợi ích từ Chương trình điều trị bằng Methadone: Đồng thời, tiến hành giám sát chặt chẽ trong việc cấp phát thuốc, bảo quản thuốc Methadone: Phối với với chính quyền địa phương, an ninh viên địa phương sàng lọc đối tượng nghiện thuốc phiện để vận động tham gia điều trị: Mở thêm các cơ sở điều trị tại các trạm y tế xã có đối tượng nghiện chưa triển khai, cùng với đó nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các y, bác sĩ phụ trách. Từ những giải pháp đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều trị cai nghiện bằng Methadone trên địa bàn.

HOÀI DƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.