Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Dưới những mái nhà “sính con trai”

Đào Quỳnh Anh - 17:25, 03/03/2022

Dưới những mái nhà “sính con trai”, là những bóng đen tâm lý của những đứa trẻ đang phải chịu nhiều tổn thương từ tư tưởng trọng nam khinh nữ. Chúng loay hoay tìm cách lớn lên và mang theo những vết thương khó lành, do chính những người thân gây ra.

Bố mẹ trọng nam khinh nữ khiến cuộc sống của những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương (Ảnh minh họa)
Bố mẹ trọng nam khinh nữ khiến cuộc sống của những đứa trẻ chịu nhiều tổn thương (Ảnh minh họa)

Con chỉ cần ông bà thôi

Tại Đan Phượng (Hà Nội) có một ngôi nhà cấp 4, nhỏ nhưng sạch sẽ và thoáng mát. Lối vào nhà qua một khu vườn nhỏ, với những luống rau cải mọc lưa thưa cùng vài cây ăn quả. Dưới mặt đất là mấy con gà đang mổ thóc. Đây là mái ấm của 3 chị em gái N.L. (9 tuổi), T.T. (8 tuổi) và C.T. (6 tuổi) cùng ông bà nội. Bố mẹ đã ly hôn. Cả hai đều đi thêm bước nữa để lại các em ở cùng với ông bà.

Nhớ lại hồi mới kết hôn, bố mẹ các em đều chưa có công việc ổn định, cuộc sống sinh hoạt vẫn phải nhờ đến sự hỗ trợ từ ông bà nội. Và rồi, họ chào đón đứa con đầu lòng N.L. trong hạnh phúc đong đầy - là một bé gái. Một năm sau đó, tiếng khóc lại vang lên trong ngôi nhà ấy, vẫn là một bé gái, nhưng đã thoáng có chút hụt hẫng.

“Yên tâm con sẽ giống mẹ, đón hai đứa con gái đầu, đứa thứ ba sẽ là con trai thôi”. Nhưng lời mong ước của người mẹ chồng kia, lại chẳng thể thành hiện thực, khi bé C.T. chào đời, vẫn tiếp tục là một đứa con gái. Sự thất vọng hiện rõ trên gương mặt từng thành viên. Vậy là vẫn sẽ tiếp tục đẻ cho đến khi được con trai sao?

Bố mẹ em đã chọn ly hôn như một cách để “giải thoát cho nhau”, nhất là khi tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi đè nặng trong suy nghĩ của người bố, cùng với áp lực nuôi dưỡng 3 đứa con của người mẹ. Sau đó, bố dọn ra riêng sống với gia đình mới cùng cậu con trai kháu khỉnh. Mẹ cũng về với hạnh phúc của riêng mình.

Thiếu vắng bố, mất đi trụ cột kinh tế, ba chị em sống nương tựa vào ông bà. Tuổi cao nên không có công việc ổn định, ai gọi việc gì, ông của N.L. cũng không hề ngần ngại. Mảnh vườn nhỏ cũng được tận dụng để trồng rau, quả giúp gia đình em có thêm thu nhập. Dù vậy, nhà đông người, công việc bấp bênh, bữa cơm cho 5 người đôi khi chỉ vỏn vẹn là trứng và rau trong vườn.

Mọi khoản chi tiêu trong nhà đều phải tiết kiệm để ưu tiên việc học của ba chị em. Nhưng nó cũng chẳng thấm vào đâu, so với số tiền cần bỏ ra cho việc học của 3 học sinh tiểu học. “Có lần không kịp đóng tiền học cho đứa bé út. Nó về nhà cứ khóc vì trên lớp bị cô giáo nhắc nhở. Còn nhỏ mà nó đã biết xấu hổ với bạn bè rồi đó. Còn với hai đứa lớn thì hầu như lần nào cũng là người nộp học phí cuối cùng của lớp”, bà của N.L. chia sẻ.

Thiếu vắng bố là vậy, còn thiếu mẹ là thiếu đi sự chăm sóc, tình thương. “Thỉnh thoảng bố cũng về thăm nhà, gửi tiền trợ cấp nuôi chúng nó, nhưng ít lắm, không đủ để lo cho cả ba đứa được đầy đủ như các bạn đồng trang lứa. Còn mẹ thì coi như đi biệt. Có khi cả năm chỉ gửi được một bộ quần áo mới vào dịp Tết, chứ chẳng thấy gặp mặt hay hỏi han gì”. Bà của N.L. vừa thương các cháu, vừa trách mình không lo được để cháu chịu cảnh thiếu thốn.

Trên gương mặt của cô bé 9 tuổi N.L. không phải sự thơ ngây như bao bạn bè cùng trang lứa, mà là vẻ đượm buồn thường trực. “Em tự học hoặc sẽ nhờ các anh chị hàng xóm phụ đạo vào buổi tối. Năm nay C.T. cũng bắt đầu đi học, nên em cũng dành thời gian dạy em viết chữ, đánh vần nữa. Ông bà cũng lớn tuổi rồi nên không dạy theo sách để em hiểu được”, N.L. cho biết.

Họp phụ huynh đầu năm có ông bà tham gia. Kết quả học tập có ông bà lắng nghe. Những chuyện cần sự có mặt của bố mẹ được thay thế bằng tình thương của ông bà.

“Đợt vừa rồi phải ở nhà, học trực tuyến. Nhà không có điện thoại hay máy tính, nhưng may có trường giúp đỡ, tặng cho một chiếc điện thoại thông minh để ba chị em học chung. Ông bà nhiều tuổi nên chẳng biết sử dụng, chúng nó phải tự làm hết mọi thứ thôi”, bà của N.L. kể.

Dưới những mái nhà “sính con trai” là những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm mà trở nên e dè, nhút nhát. Em út C.T. (6 tuổi) có lẽ do còn nhỏ nên chưa hiểu hết được hoàn cảnh gia đình. Em hồn nhiên, hiếu động và chạy ra tíu tít nói cười mỗi khi tôi ghé thăm. Trái lại, hai người chị của C.T lại khá nhút nhát, rụt rè, ít nói cười, đùa nghịch như các bạn đồng trang lứa. Còn T.T. , tôi nhớ khi được hỏi về mẹ, em chỉ lắc đầu, mắt cụp xuống, quay đi: “Chỉ cần ở cùng với ông bà thôi”.

Trọng nam khinh nữ là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới. (Tranh minh họa của họa sĩ LET)
Trọng nam khinh nữ là nguyên nhân chính gây mất cân bằng giới. (Tranh minh họa của họa sĩ LET)

Áp lực, trách nhiệm và tội lỗi

Tưởng chừng dưới những mái nhà mang nặng tư tưởng phải có con trai để nối dõi chỉ có sự vỡ vụn trong tâm hồn các bé gái. Nhưng thật ra, những cậu trai cũng phải chịu nhiều bóng đen tâm lý không kém.

Là con trai út trong gia đình 6 người con, câu nói nhiều nhất mà Th. được nghe từ bố mình mỗi ngày là “Con là trụ cột gia đình mình”, “Bố chỉ có mình con thôi”. Những biệt danh vô hình như “con trai vàng”, “cục vàng”, “cháu đích tôn”, “người nối dõi” được đặt cho cậu bạn 21 tuổi này, ngay khi vừa chào đời khiến cậu không khỏi áp lực.

“Từ nhỏ bố mẹ cũng có phần bênh vực mình hơn các chị. Việc học hành hay mua sắm đồ dùng, sở thích cá nhân của mình cũng được ưu tiên hơn các chị. Nhưng được ưu tiên nhiều hơn, thì bố mẹ cũng kỳ vọng nhiều hơn. Hầu như mỗi ngày bố mình đều căn dặn mình chuyện cố gắng học hành, chuyện cả nhà chỉ dựa vào mình và bố tự hào như thế nào về đứa con đích tôn, niềm tự hào của bố”, Th. chia sẻ.

Càng “sính” con trai bao nhiêu, thì lại càng đặt nhiều kỳ vọng vào con bấy nhiêu. Chính điều này đã tạo nên tâm lý sợ thất bại, không dám lên tiếng, sợ không được công nhận của những đứa trẻ dưới mái nhà trọng nam khinh nữ.

Th. chia sẻ rằng bản thân chưa từng một lần ngừng cố gắng để làm tốt nhiệm vụ “không làm gia đình phải xấu hổ”. “Bố mình khá gay gắt chuyện học hành. Bố từng nói chuyện với giáo viên gần 1 tiếng đồng hồ để yêu cầu chấm lại bài kiểm tra Vật lý mình bị điểm kém, và khẳng định có sai sót khi chấm bài. Mình cảm thấy bản thân là người gây ra phiền phức, rắc rối cho người khác vậy. Hầu như mọi ý kiến của mình đều không được bố mẹ lắng nghe, nếu có thì cũng chỉ gật đầu cho xong chuyện. Ngược lại, nếu mình làm trái lời, bố bắt đầu than vãn, dọa sẽ tự tử để buộc mình nghe theo”, Th. kể.

Không chỉ áp lực đến từ trách nhiệm của cháu đích tôn, mà Th. còn mang trong mình sự áy náy, dằn vặt, khi cho rằng bản thân là một phần nguyên nhân gây ra bất công của các chị. Th. kể bạn từng cảm thấy sợ khi phải đối diện với các chị trong nhà bởi cảm giác tội lỗi. Bạn kể rằng, tình huống cảm nhận rõ nhất sự phân biệt trong gia đình mình là khi hai chị gái phải “nhường suất đi học” cho bạn và đi làm kiếm tiền phụ giúp gia đình.

L. (chị gái thứ 4 của Th. - sinh năm 1995) nghỉ học vào năm 16 tuổi khi bạn vào học THCS. Đến khi bạn lên bậc THPT thì chị Th. (chị gái thứ 5 của Th. - sinh năm 1997) cũng từ bỏ việc học để xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

“Mình cảm thấy mình là một phần nguyên nhân khiến các chị phải khổ. Dù chị mình rất tài giỏi, nhưng chưa từng được bố công nhận, rồi lại trở thành người lao động trong nhà để nuôi mình. Chính vì trong một hoàn cảnh như vậy, chị em mình hầu như ít khi chia sẻ, cả ba đều khá ngượng ngùng”.

Là đứa em trai duy nhất trong gia đình trọng nam khinh nữ, Th. đủ hiểu được tư tưởng của bố mẹ không đúng, hiểu được cả những bất công mà chị gái mình đã trải qua. Nhưng bị kẹt ở giữa, đứa con trai trong gia đình như vậy lại chỉ đành làm người ngoài cuộc và hy vọng “các chị mình mỗi ngày đều luôn vui vẻ”.

Tình thân thì chỉ có một. Nhưng trong một gia đình trọng nam khinh nữ, tư tưởng phải có bằng được mụn con trai nối dõi tông đường đã khiến nhiều người phải chịu sự bất hạnh. Một người nhận hết mọi sự ưu ái, còn một người, thậm chí nhiều người lại bị đè ép đến đáng thương. 

Con cái không thể thay đổi được tư tưởng của bố mẹ, nhưng có thể thay đổi chính mình để nhìn nhận khác về trọng nam khinh nữ. Ít nhất là sẽ không có những vòng lặp như vậy ở thế hệ tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.