Tính từ ngày 20/5 đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã có hơn 1.000 trường hợp vi phạm phòng, chống dịch bị cơ quan chức năng xử lý. Trong đó, nhiều trường hợp F0 đang điều trị tại các khu cách ly tập trung, vùng cách ly nhưng vẫn di chuyển gây lây lan dịch bệnh; đã có không ít trường hợp bị xử lý hình sự vì vi phạm phòng, chống dịch, hoặc chống người thi hành công vụ.
Mới đây, ngày 3/6, Tòa án Nhân dân huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã tuyên phạt bị cáo Lương Văn Tiến (37 tuổi, ở xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng) 2 năm 6 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ”. Theo đó, Tiến đã không đeo khẩu trang, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch COVID-19, tự ý chui qua thanh chắn barie tại chốt kiểm dịch, hành hung lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Còn như trường hợp của chị L.T.H, cư trú tại thôn Phúc Long, xã Tăng Tiến (huyện Việt Yên) là vùng cách ly xã hội, nhưng hàng ngày vẫn đi làm tại TP. Bắc Giang. Đáng nói là, L.T.H lại là điều dưỡng, nhân viên tiêm chủng của Trung tâm tiêm chủng VNVC (Việt Nam Vaccine JSC) Bắc Giang. Khi phát hiện L.T.H có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, đã kéo theo gần 1.000 người thuộc diện F1, F2.
Hay như trường hợp bệnh nhân Covid-19 C.V.N, ở bản Phặng, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu (Sơn La), là công nhân Công ty Samkwang, Khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa, đã trốn ra ngoài mua đồ ăn. Hành vi của N. đã khiến 3 người (1 người bán hàng, 2 khách mua hàng cùng thời điểm) trở thành F1 và 12 người khác thành F2.
Theo đại diện Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa: Bệnh nhân C.V.N. lợi dụng trời tối, lối đi khuất người làm nhiệm vụ, trốn ra ngoài mua đồ ăn trong khoảng thời gian ngắn. Mục đích bệnh nhân C.V.N đi ra ngoài, là mua đồ giúp các bệnh nhân khác cùng phòng, do quá thèm quà bánh và không hiểu biết pháp luật, nên N không nghĩ hành động của mình vi phạm nghiêm trọng đến pháp luật.
Ông Hoàng Công Bộ, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hòa, cho biết: Hiện cơ quan chức năng đang củng cố hồ sơ để xử lý trường hợp C.V.N. trốn khỏi khu điều trị theo quy định pháp luật. Ngoài lỗi chủ quan về sự thiếu ý thức của công dân, việc để bệnh nhân điều trị Covid-19 dễ dàng ra vào khu điều trị, còn có phần nguyên nhân khách quan do khu xây dựng không rào chắn kiên cố và sự lỏng lẻo của công tác an ninh. Chúng tôi sẽ yêu cầu Giám đốc Trung tâm Y tế huyện kiểm điểm làm rõ trách nhiệm người đứng đầu đơn vị; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của tổ bảo vệ.
Bên cạnh những trường hợp nêu trên, có những đối tượng còn in dòng chữ “xe hỗ trợ chống dịch” để qua mặt ngành chức năng, lưu thông trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, dễ dàng vượt qua các chốt kiểm soát. Do đó, việc quản lý lỏng lẻo tại các cơ sở điều trị ở một số địa phương, để các bệnh nhân dễ dàng đi chuyển đã gây nguy hại tới cộng đồng, cũng như kết quả phòng chống dịch bệnh. Nhất là trong thời điểm hiện nay, khi tỉnh Bắc Giang đã bước đầu kiểm soát được sự lây lan của dịch bệnh.
Ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bắc Giang, cho biết: Hiện toàn tỉnh có gần 12.900 trường hợp đủ điều kiện ra khỏi khu cách ly, hơn 500 người đã xuất viện, lấy hơn 408.400 mẫu xét nghiệm tầm soát cộng đồng.
"Đây là kết quả từ sự đồng lòng, đồng sức, đoàn kết của Nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ tham gia chống dịch tại tỉnh Bắc Giang, chúng tôi cương quyết giữ vững những kết quả đạt được, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phòng chống dịch, không để công sức của cả cộng đồng đổ sông, sổ biển vì những cá nhân thiếu ý thức làm lây lan dịch ra cộng đồng", Phó Chủ tịch tỉnh Mai Sơn chia sẻ.
Hiện nay, các địa phương phấn đấu, sau ngày 21/6/2021, địa phương nào để phát sinh ca bệnh trên địa bàn do nguyên nhân chủ quan, thì người đứng đầu địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh.