QUỸ ĐỘC LẬP TRONG TÌNH THẾ “NGÀN CÂN TREO SỢI TÓC”
Sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách, đặc biệt là những khó khăn về kinh tế, tài chính: Quốc khố gần như trống rỗng, kinh tế kiệt quệ, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay tư bản Pháp, ngân quỹ Chính phủ chỉ vẻn vẹn có 1,25 triệu đồng Đông Dương, nhưng trong đó có tới 580 nghìn đồng rách nát đang chờ tiêu huỷ, các khoản nợ của chính phủ bù nhìn, tay sai để lại lên đến 564 triệu đồng… Những khó khăn tài chính càng thêm chất chồng khi quân Tưởng ép chúng ta sử dụng tiền Quan kim, Quốc tệ. Tình hình đó đòi hỏi chính quyền cách mạng cần nhanh chóng có biện pháp bảo đảm tài chính tạo cơ sở vững chắc để có thể tiến hành các nhiệm vụ cách mạng quan trọng tiếp theo.
Đáp ứng đòi hỏi cấp bách của lịch sử, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chủ trương tổ chức “Tuần lễ Vàng” động viên nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “ Quỹ Độc Lập”. Đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời và sáng tạo, có ý nghĩa quan trọng trong vận động mọi người dân yêu nước, tha thiết với nền độc lập của dân tộc tự nguyện đóng góp cho Tổ quốc, đưa cách mạng vượt qua khó khăn thử thách và tiếp tục giành thắng lợi to lớn.
Trong thư gửi đồng bào toàn quốc nhân dịp “Tuần lễ Vàng”, Hồ Chủ Tịch nhấn mạnh: “Muốn củng cố nền tự do độc lập, chúng ta cần sức hy sinh, phấn đấu của toàn quốc đồng bào, cần sức quyên góp của nhân dân, nhất là những nhà giàu có”[1]. Từ đó có thể thấy đối tượng hướng tới của Đảng và Chính phủ cách mạng trong “Tuần lễ Vàng” là “toàn quốc đồng bào”, những người thực sự có trách nhiệm với vận mệnh dân tộc, trong đó trước nhất là những người giàu có, các nhà tư sản dân tộc yêu nước, những điền chủ có tinh thần cách mạng… Đây là sự cụ thể hoá quan điểm về lực lượng cách mạng của Đảng ta trong bối cảnh lịch sử đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chủ trương này cũng có ý nghĩa quan trọng trong khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân lao động, chung sức đoàn kết cùng chính quyền cách mạng non trẻ khắc phục khó khăn. Với chủ trương nói trên, Đảng ta cũng đã tạo điều kiện để các nhà tư sản dân tộc yêu nước và những người giàu có trong xã hội có thể ủng hộ, giúp đỡ cách mạng; qua đó, vừa tạo cho họ niềm tin vào chính quyền mới, đồng thời đập tan những luận điệu chia rẽ, xuyên tạc của các thế lực phản động, tay sai.
Thực tế lịch sử cho thấy, “Tuần Lễ Vàng” đã thu được nhiều kết quả to lớn. Chỉ trong 1 tuần, từ ngày 17-24/9/1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” khá nhiều vàng, bạc, tiền Đông Dương: “chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được 20 triệu tiền đồng và 370 kilôgam vàng”[2]. Lượng tiền, vàng mà nhân dân cả nước ủng hộ cho “Quỹ Độc Lập” là tiền đề tài chính quan trọng giúp Đảng và Chính quyền cách mạng tháo gỡ tình thế “nghìn cân treo sợi tóc”, tạo thế và lực để giải quyết từng bước các nhiệm vụ cách mạng tiếp theo. Quỹ Độc lập là một minh chứng cho thấy khi ý Đảng và lòng dân hội tụ, hòa làm một, mọi khó khăn sẽ được giải quyết, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” sẽ từng bước được tháo gỡ.
QUỸ VACCINE TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19 NGÀY CÀNG PHỨC TẠP, KHÓ LƯỜNG
Cho đến nay, Việt Nam đã bước vào đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 4 với mức độ phức tạp hơn, quy mô lớn hơn nhiều so với các đợt dịch trước. Giải pháp quan trọng được Chính phủ đưa ra trong công tác phòng dịch đợt này ngoài việc tiếp tục áp dụng biện pháp 5K còn có vaccine. Trước tình hình đó, Ngày 26/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Vaccine phòng Covid-19. Mục đích của Quỹ là để tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vaccine của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng Covid-19 cho người dân. Quỹ Vaccine là sự tiếp tục huy động sự đóng góp của nhân dân chung tay cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch.
Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ trên phạm vi toàn cầu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi nhân dân đồng sức, đồng lòng chung tay chống dịch. Ngoài việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế, nhân dân cả nước cùng đông đảo kiều bào Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp công sức, tiền bạc, hiện vật cho công tác phòng, chống dịch. Với tấm lòng tương thân tương ái, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ở nhiều nơi trên khắp cả nước đã xuất hiện những ATM gạo, phát khẩu trang miễn phí... Không chỉ các cơ quan, tổ chức tích cực đóng góp mà cảm động hơn có những bà mẹ Việt Nam anh hùng đóng góp từng đồng trợ cấp chắt chiu, những em nhỏ đóng góp số tiền tiết kiệm từ tiền ăn sáng... Sự đóng góp ấy đã tỏa sáng tinh thần đoàn kết, đùm bọc, sẻ chia của nhân dân Việt Nam trong khó khăn, hoạn nạn, giúp cho Việt Nam trở thành điểm sáng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong ba lần trước đây.
Khác với ba lần trước, đợt bùng phát dịch lần thứ tư diễn ra nhanh hơn, trên phạm vi rộng hơn, với mức độ nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn. Nhận thấy điều đó, Chính phủ đã xác định cùng với áp dụng biện pháp 5K, tiêm vaccine cho người dân trở thành yêu cầu cấp bách trong công tác phòng dịch. Với mục tiêu bao phủ vaccine cho 75% dân số cả nước, Chính phủ đã thành lập Quỹ vaccine. Đây là một sáng kiến cần thiết, thể hiện quyết tâm cao của Chính phủ trong việc sớm ngăn chặn dịch bênh Covid-19 để mang lại cuộc sống bình thường cho nhân dân.
Ngày khi vừa thành lập, Quỹ vaccine đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài. Chỉ trong một thời gian ngắn, Quỹ đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, to lớn không chỉ của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tập đoàn... mà còn của các tầng lớp nhân dân, từ những em học sinh đến các cụ già, từ các cựu chiến binh đến các bà mẹ Việt Nam anh hùng, từ những người nông dân đến các cán bộ hưu trí... Đặc biệt, đông đảo kiều bào ta ở nước ngoài tuy gặp nhiều khó khăn do đại dịch nhưng vẫn hướng về Tổ quốc, cùng chung tay đóng góp cho Quỹ Vaccine.
Đặc biệt, trong tối ngày 05/6/2021, chỉ trong 2 giờ phát động Quỹ vaccine trên Đài Truyền hình Việt Nam, Quỹ không chỉ nhận được sự đóng góp to lớn của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp mà còn tiếp nhận được hơn 17,7 tỉ đồng qua tổng đài 1408. Đó là một minh chứng cho thấy Quỹ vaccine đã thật sự trở thành nơi hội tụ của ý Đảng, lòng dân, làm tỏa sáng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm xã hội của toàn thể nhân dân Việt Nam.
Quỹ vaccine phòng Covid-19 là sự chắt chiu, cộng đồng trách nhiệm của cả dân tộc trong thời khắc cam go. Cũng giống như thành công của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh khi huy động nhân dân đóng góp cho Quỹ Độc lập, chúng ta tin tưởng rằng Quỹ Vaccine sẽ tiếp tục nhận được sự đóng góp to lớn hơn nữa của đông đảo quần chúng nhân dân. Mỗi đồng tiền được đóng góp vào Quỹ không chỉ là sự đóng góp công sức, giá trị vật chất mà còn là sự sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm, đồng tâm hiệp lực của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Tuy cuộc chiến phía trước còn nhiều cam go, khốc liệt nhưng Quỹ Vaccine không chỉ là quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc huy động sức dân mà còn là một minh chứng không gì thuyết phục hơn cho sự chung tay, góp sức của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ trong những thời khắc cam go, thử thách. Đó cũng chính là cội nguồn sức mạnh để nhân dân Việt Nam đã từng chiến thắng nhiều kẻ thù xâm lược và sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.
Quỹ Độc lập và Quỹ Vaccine là những quyết sách đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc huy động sức mạnh của nhân dân, làm tỏa sáng giá trị Việt Nam. Ý Đảng - lòng dân đã hòa làm một và trở thành động lực quan trọng giúp dân tộc ta đã và sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách.
TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh