Nghệ sĩ Thu Phương đã sớm nổi danh với những người yêu Xẩm Hà Thành. Mỗi bài Xẩm được người nghệ sĩ cất lên là mỗi lần lan tỏa tình yêu Xẩm đến công chúng.
Nhớ lại những ngày đầu đến với hát Xẩm, nghệ sĩ Thu Phương kể, năm 2008, khi biết tin có lớp dạy hát Xẩm miễn phí tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa (Hà Nội), cô đã đi từ Quảng Ninh lên để học. “Thời điểm ấy, gia đình ngăn cản lắm, vì lo theo nghiệp nghệ sĩ sẽ vất vả, nhưng trót si mê điệu hát rồi nên tôi quyết tâm theo đến cùng”.
Âm nhạc dân gian nói chung và Xẩm nói riêng rất cần năng khiếu thiên bẩm, khả năng thẩm âm, lắng nghe được những âm thanh tinh tế. Nghệ sĩ Thu Phương có chất giọng khàn, phù hợp với những bài hát Xẩm nam- nữ. Mặc dù cô có năng khiếu bẩm sinh nhưng để thành công với Xẩm là cả quá trình khổ luyện và học hành bài bản. Đặc biệt là kiến thức về lịch sử, âm nhạc, ca dao tục ngữ… luôn được nghệ sĩ Thu Phương trau dồi.
“Chính những kiến thức đó đã giúp tôi nuôi dưỡng tình yêu với những giá trị thuộc về truyền thống, dân gian, từ đó có thể cảm được bài hát tốt hơn. Các thầy luôn dạy tôi, hãy biến những điều giản dị trong cuộc sống trở thành nhạc cảm, cảm xúc, nó sẽ chạm được trái tim người nghe, người xem”, nghệ sĩ Thu Phương chia sẻ.
Khi nghệ sĩ Thu Phương gặt hái được nhiều thành công thì chị lại đau đáu với nỗi niềm làm sao để thế hệ trẻ cũng tiếp nối đam mê và giữ gìn làn điệu Xẩm. Để thực hiện mong muốn đó, chị đã mở những lớp dạy hát Xẩm miễn phí tại quê nhà.
Dù lớp học được mở ra chưa lâu, nhưng đã thu hút được nhiều học viên tham gia. Em Hoàng Văn Tới, học viên lớp học chia sẻ: “Cô Thu Phương mở lớp học vào dịp nghỉ hè, lớp học của chúng em có 7 nam, 5 nữ. Hát Xẩm được thực hiện trên nền thơ lục bát, nên chỉ cần học thuộc thơ là có thể biến bài thơ thành điệu hát Xẩm. Càng học, chúng em càng thấy yêu Xẩm. Chúng em mong muốn sẽ lan tỏa tình yêu hát Xẩm tới bạn bè trang lứa, thông qua các buổi biểu diễn văn nghệ tại trường và tại địa phương”.
Tại lớp học, nghệ sĩ Thu Phương còn mời các nghệ nhân chơi đàn nhị, trống đến để đánh nhạc cho các bạn trẻ hát Xẩm, dạy các bạn trẻ cả cách chơi các nhạc cụ truyền thống. Ông Đặng Văn Chiệm, nghệ nhân đàn nhị chia sẻ: “Tôi năm nay 79 tuổi, biết đánh đàn nhị, trống, từ năm 12 tuổi. Nhìn thấy thế hệ trẻ có niềm đam mê với nghệ thuật, tôi vui lắm! Mỗi khi lớp học mở, tôi đều đến để đánh đàn và dạy các cháu chơi nhạc cụ”.
Không chỉ đưa Xẩm về miền quê nơi mình sinh ra và lớn lên, nghệ sĩ Thu Phương còn đem Xẩm đến với các em nhỏ trong Vườn ươm tài năng của Giáo sư Ngô Bảo Châu ở Tuần Châu và một số lớp sinh hoạt hè trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Tại đây, các bạn trẻ được học hát Xẩm theo những bài thơ trong sách giáo khoa, giúp việc nhớ lời dễ và tiếp thu kiến thức tốt hơn.
Có thể thấy, những gì mà Nghệ sĩ Thu Phương đang làm để Xẩm “sống” trong giới trẻ thật đáng trân quý. Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều câu lạc bộ bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật nữa được mở ra, để có thêm nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp cận được với các loại hình âm nhạc dân gian.