Hiệu quả kinh tế từ nguồn vốn tín dụng chính sách
Năm 2022, thông qua Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Hội phụ nữ, chị Phan Thị Thu Trang ở ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai được vay vay 40 triệu đồng chương trình giải quyết việc làm duy trì và mở rộng việc làm của NHCSXH huyện. Nhờ đó, gia đình đã có vốn để đầu tư, cải tạo ao nuôi baba. Đến nay, ao nuôi baba của gia đình chị đã đi vào hoạt động ổn định giúp gia đình ổn định cuộc sống, có nguồn vốn tích lũy, tái sản xuất, mang lại thu nhập ổn định, bình quân 80 triệu đồng/năm.
Chị Trang cho biết: Bằng nguồn vốn tín dụng chính sách, chúng tôi đã có kinh phí để thực hiện phương án, đầu tư cải tạo ao nuôi, áp dụng KHKT để nâng cao hiệu quả sản xuất. Ước tính, mỗi năm ao baba đem lại cho gia đình tôi thu nhập 70 - 90 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm cho 2 lao động gia đình và một số lao động địa phương khi vào thời vụ.
Cũng giống như chị Trang, chị Lỷ Vòng Mùi ở ấp 5, xã Phú Tân, huyện Định Quán cũng là một trong hộ được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, chia sẻ: Để phát triển sản xuất, người dân luôn rất cần vốn. Do không có tài sản thế chấp, sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, trình độ còn hạn chế nên chúng tôi gặp nhiều trở ngại khi tiếp cận vốn vay của các Ngân hàng Thương mại. Do đó, nguồn vốn tín dụng chính sách với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, đa dạng các chương trình được xem là cứu cánh để chúng tôi phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Hiện, gia đình đang chăn nuôi dê với hơn 80 con mỗi năm đã cho gia đình thu nhập 120 - 150 triệu đồng, xây dựng được ngôi nhà khang trang, cuộc sống ngày càng sung túc.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Giám đốc Phòng Giao dịch (PGD) NHCSXH huyện Định Quán cho biết: Hiện nay, PGD đang triển khai thực hiện 12 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 507 tỷ đồng với 13.464 khách hàng. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, người dân trên địa bàn huyện đã thực sự phát huy vai trò làm chủ trong việc thực hiện các mô hình kinh tế. Qua đó, đời sống vật chất của người dân được nâng lên rõ rệt, nhiều mô hình sản xuất hàng hóa được hình thành, diện mạo nông thôn được đổi mới. Hiện thu nhập bình quân khu vực nông thôn trên địa bàn huyện đạt 84,5 triệu đồng/người/năm, tăng trên 1,5 lần so với năm 2020.
Hay như Chị Võ Thị Thu Cúc, ấp 5, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, cho biết: sau khi nhận được nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ NHCSXH tôi đã mở rộng thêm diện tích trồng sầu riêng và cải tạo, nâng cấp công trình nước sạch và vệ sinh môi trường để tiếp tục phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của gia đình. Tôi hy vọng thời gian tới, NHCSXH huyện tiếp tục quan tâm để có thêm nhiều người dân được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, có thêm thu nhập, ổn định đời sống.
Bà Trần thị tuyết, Phó Giám đốc NHCSXH huyện Tân Phú cho biết: Từ hoạt động vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh với thủ tục đơn giản, mức vay và phương thức trả nợ phù hợp, lãi suất ưu đãi, thời gian dài..., người nghèo và các đối tượng chính sách đã dần thay đổi nhận thức theo hướng tích cực, sử dụng vốn có trách nhiệm, trả nợ đúng hạn, tạo được việc làm, tăng thu nhập. Tính đến ngày 29/02/2024 Tổng dư nợ của NHCSXH huyện Tân Phú đạt 567,3 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH với tổng số tiền trên 22 tỷ đồng.
Tiếp tục làm trợ lực cho các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo
Ông Lê Bá Chuyên, Giám đốc NHCSXH tỉnh Đồng Nai cho biết: Xác định nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân, thời gian qua, Ban đại diện HĐQT chi nhánh NHCSXH tỉnh và huyện đã chủ động tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế. Riêng năm 2024, ngân sách địa đã ủy thác bổ sung 154 tỷ đồng để thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 14 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt 5.166 tỷ đồng, tăng 187,6 tỷ đồng so với năm 2023. Dòng chảy vốn chính sách đã về đến hầu hết xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thành phố thuộc tỉnh, trong đó được ưu tiên đầu tư tập trung vào vùng sâu, vùng khó khăn.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đầu tư đến 100% các ấp, khu phố trên địa bàn tỉnh, giúp nhiều người dân có vốn kịp thời để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Hoạt động nguồn vốn tín dụng chính sách đã cơ bản đáp ứng được một phần nhu cầu vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ… Trong thời gian tới, NHCSXH tỉnh tiếp tục tiếp tục chỉ đạo các PGD phối hợp nâng cao chất lượng bình xét đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tuyên truyền đến người vay sử dụng vốn đúng mục đích, thực hiện trả gốc, lãi, gửi tiết kiệm đầy đủ.
Bên cạnh đó, NHCSXH tiếp tục tham mưu, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tích cực huy động các nguồn vốn, trọng tâm là tăng nguồn lực từ địa phương nhằm đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác để hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.