Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Thoát nghèo bền vững nhờ nguồn vốn hỗ trợ lãi suất

Mai Hương - 18:44, 07/11/2023

Trong những năm qua, Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An luôn là một trong những điểm tựa vững chắc cho nhiều gia đình nghèo, cận nghèo và nhiều đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định kinh tế, làm giàu chính đáng trên quê hương mình. Theo đó, nhiều cách làm hay, sáng tạo, nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình đã xuất hiện, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện trong thời gian qua.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh Vang Văn Nhâm - chị Lữ Thị Bích tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh Vang Văn Nhâm - chị Lữ Thị Bích tại bản Xẹt 2, xã Châu Thắng

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Quỳ Châu đã triển khai tốt các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, tháng 11/2022, người dân tại xã Châu Thắng vui mừng khi biết đến chương trình hỗ trợ thoát nghèo không lãi suất trong vòng 3 năm. Nguồn vốn được Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An trực tiếp hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất vay để 9 hộ nghèo, cận nghèo tại xã Châu Thắng đầu tư vào sản xuất, phát triển kinh tế từ đó nâng cao thu nhập, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững.

Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH, gia đình chị Lữ Thị Bích, bản Xẹt 2, xã Châu Thắng đã từng bước phát triển kinh tế, trở thành tấm gương thoát nghèo, làm kinh tế giỏi tại địa phương. Chị Bích chia sẻ “Khi được vay vốn từ chương trình hỗ trợ lãi này gia đình tôi vui lắm. Tôi đã mua 5 con bò sinh sản. Với gần một sào đất vườn, hai vợ chồng đã chuyển qua trồng cỏ voi và trồng mía làm thức ăn chính cho bò. Nhờ số tiền lãi được hỗ trợ, gia đình tôi bớt đi một phần gánh nặng về kinh tế, có động lực hơn nữa để thoát nghèo.”

Cũng từ nguồn tiền hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng, cùng với số tiền vay mượn khác, gia đình chị Vi Thị Hạnh ở bản Cằng Bài, xã Châu Thắng đã xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương. Sau gần một năm, gia đình chị Hạnh đã bán 2 đàn lợn nít với giá 1.200.000 đồng/con. Chị đã xây dựng được chuồng trại kiên cố, đầu tư thức ăn chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng từ đó gia đình chị đã trở thành cơ sở chăn nuôi uy tín, cung cấp thực phẩm sạch cho toàn địa bàn xã Châu Thắng và các xã lân cận.

Để đạt được hiệu quả cao nhất từ chương trình vay vốn này, trong thời gian qua UBND xã Châu Thắng đã tập trung rà soát triển khai xây dựng mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương và bò sinh sản, nhằm mang lại những hiệu quả cao, thiết thực cho người dân. Cùng với sự chỉ đạo của chính quyền địa phương, sự giúp đỡ của các ban ngành liên quan, sau gần một năm, những mô hình kinh tế này đã mang lại những hiệu quả nhất định, từng bước giúp người dân thoát nghèo.

Đàn lợn nít của gia đình chị Vi Thị Hạnh - bản Cằng Bài, xã Châu Thắng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình
Đàn lợn nít của gia đình chị Vi Thị Hạnh - bản Cằng Bài, xã Châu Thắng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình

Chủ tịch UBND xã Châu Thắng Sầm Văn Hùng cho biết: “Sau khi NHCSXH hỗ trợ vay vốn, địa phương đã cử cán bộ thú y đến hướng dẫn cách tiêm phòng, tẩy giun sán, kỹ thuật chăm sóc bò và lợn sinh sản cho 9 hộ vay vốn. Cấp ủy, chính quyền còn chỉ đạo các đoàn thể và hệ thống chính trị, và bà con hàng xóm hỗ trợ các hộ gia đình chọn lọc, mua những con giống đạt chất lượng, con giống khỏe mạnh, không bị dị tật. Với những mô hình chăn nuôi lợn đen địa phương, các hộ vay vốn đã bước đầu bán ra thị trường tiêu thụ”.

Các mô hình kinh tế nói trên được hỗ trợ tiền lãi là những mô hình mang tính trọng tâm, thí điểm cho toàn xã nói riêng và địa bàn toàn huyện nói chung. Bên cạnh đó còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; giúp người dân xã nghèo từng bước thoát khỏi khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Ngô Thế Vĩnh - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Châu cho biết: "Căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-BCH ngày 01/9/2022 của Công đoàn cơ sở chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An về việc hỗ trợ giúp đỡ xã Châu Thắng, thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững thông qua việc hỗ trợ tiền lãi cho các hộ gia đình nghèo, cận nghèo tham gia dự án vay vốn NHCSXH để đầu tư phát triển chăn nuôi. NHCSXH huyện Quỳ Châu đã cho vay để xây dựng mô hình kinh tế đối với 9 hộ vay vốn. Dự kiến mức huy động đóng góp của cán bộ, người lao động NHCSXH về hỗ trợ lãi suất cho vay trong 36 tháng là 150 triệu đồng. Những mục tiêu hoạt động trong tín dụng chính sách sẽ được NHCSXH huyện Quỳ Châu tiếp tục thực hiện có hiệu quả, triển khai thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn huyện trong thời gian tới.”

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.