Từng bước thay đổi
Cách đây hơn 20 năm, khi nhắc đến Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận), mọi người đều cảm thấy ái ngại vì đường vào quá xa. Để vào được trung tâm xã, phải đi qua những cung đường có suối nước cắt ngang. Vào mùa mưa lũ, đi qua suối rất nguy hiểm, vì nước nguồn đổ về có thể cuốn theo cả xe máy và người. Mỹ Thạnh thời điểm ấy rất khó khăn. Khó khăn hơn cả các xã lân cận như Hàm Thạnh, Hàm Cần. Mỹ Thạnh heo hút trong tận cùng của cánh rừng.
Nhưng hôm nay, Mỹ Thạnh đã và đang đổi thay từng ngày. Những thay đổi toàn diện về kinh tế- xã hội cũng như đời sống của người dân đồng bào các dân tộc nơi đây gắn liền với những chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai tại địa bàn huyện như: Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Chương trình MTQG 1719…
Vào Mỹ Thạnh hôm nay, khách xa không còn phải lội suối mà được đi trên con đường nhựa phẳng lỳ và băng qua suối bằng cây cầu bê tông vững chãi. Mỹ Thạnh được nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh dành cho hộ nghèo, người nghèo; các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ và kịp thời, giúp cho người nghèo tìm kiếm được việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Nhắc lại một trong những thời điểm khó khăn nhất của người dân Mỹ Thạnh là khi hai đợt dịch đi qua, các hộ đồng bào DTTS tại địa phương còn loay hoay tìm cách xoay sở để làm sao ổn định được cuộc sống thì Dự án hỗ trợ nuôi bò cái sinh sản thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 đã mang đến “luồng sinh khí mới” giúp đồng bào vững tin để vươn lên phát triển.
37 hộ đồng bào dân tộc trên địa bàn xã được hỗ trợ nuôi bò sinh sản, trong đó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam hỗ trợ 22 con, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội hỗ trợ 5 con (nguồn từ Chương trình MTQG giảm nghèo), UBND xã Mỹ Thạnh hỗ trợ 10 con bò cái (nguồn từ Dự án 1 Chương trình MTQG 1719) với tổng nguồn vốn cả 3 đơn vị hỗ trợ là 656 triệu đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, số bò cái vẫn được các hộ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt và chờ ngày cho lứa sinh sản đầu tiên.
Anh Hoàng Văn Trọng ở thôn 2, xã Mỹ Thạnh cho biết: “Mấy năm nay gia đình sống nhờ vào rẫy bắp, nhưng cũng bấp bênh, mùa được mùa mất. Khi được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản, vợ chồng tôi mừng lắm. Từ lúc nhận bò đến nay đã gần một năm, mừng vì nó khỏe mạnh, không có bệnh tật, mau lớn. Vợ chồng tôi rất cảm ơn vì chính quyền đã hỗ trợ cho gia đình trong lúc khó khăn nhất, có thêm động lực để làm ăn nuôi con ăn học”.
Còn hộ gia đình chị Nguyễn Thị Lài cũng được tham gia dự án. Không có đất sản xuất, gia đình chị loay hoay trong nghèo khó. Khi có Dự án hỗ trợ bò cái, chị Lài rất phấn khởi: “Mới nuôi nó mà tính ra cũng gần một năm rồi, gia đình chăm kỹ lắm nên con bò vẫn khỏe mạnh, sinh trưởng nhanh. Hằng ngày, mình dắt bò đi thả, chăm chút nó, đợi đến ngày đón chờ thêm “thành viên” mới”.
Niềm tin thoát nghèo
Ông Hoàng Ngọc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thạnh chia sẻ: “Dự án hỗ trợ nuôi bò là dự án có ý nghĩa đối với bà con, vì đã tạo điều kiện để bà con có điều kiện để chăn nuôi, tạo việc làm, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Việc hỗ trợ bò còn giúp bà con có ý thức chủ động trong việc chăn nuôi, nâng cao trình độ, từng bước làm chủ việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi. Mặc dù, chưa tròn một năm và phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng dự án đã hỗ trợ bà con khắc phục nhiều khó khăn để giữ “nguồn vốn”, chăm sóc tốt từng ngày. Quá trình đó, chính quyền địa phương cũng theo dõi giám sát và hỗ trợ kịp thời cho bà con khi cần thiết để bà con vững lòng tin trong việc thực hiện dự án để tập trung chăn nuôi, phát triển kinh tế từ đó có thêm cơ hội vươn lên thoát nghèo”.
Ngoài Dự án hỗ trợ nuôi bò, xã Mỹ Thạnh còn được hỗ trợ, đầu tư nguồn lực từ Dự án 4 về Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình MTQG 1719 với hạng mục: Công trình kiên cố hóa đường vào khu sản xuất 41 ha, tổng chiều dài 1.176,41m, tổng kinh phí: 2. 825.910.409 đồng; Đường vào khu sản xuất Suối Tà Bôi, dài 728,20m (tuyến 1); Đường vào khu sản xuất Làng Cũ dài 760.68m (tuyến 2) với tổng kinh phí đầu tư 2.850.404.276 đồng. Các công trình này đều do UBND xã Mỹ Thạnh làm chủ đầu tư.
Mỹ Thạnh hôm nay đã thuận lợi hơn về mọi mặt, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất được Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ, theo đó đời sống dân sinh từng bước được cải thiện. Nhiều chính sách phù hợp với thực tiễn giúp cho người nghèo an tâm sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Tuy nhiên, theo cán bộ xã phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo, kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Vĩnh Thạnh tính đến nay: Hộ nghèo vẫn còn 171 hộ/549 khẩu, chiếm 66,02%. Hộ cận nghèo 29 hộ/103 khẩu chiếm 11,19%. Hộ thoát nghèo là 14 hộ/51 khẩu. Hộ nghèo, cận nghèo phần lớn rơi vào đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất, không có việc làm ổn định; tỷ lệ người phụ thuộc đông, chất lượng nhà ở, nhà vệ sinh và một số các dịch vụ cơ bản khác còn thấp.
Để Mỹ Thạnh trở thành điểm sáng trong thoát nghèo, trong những năm tới, địa phương xã định sẽ đẩy mạnh triển khai các dự án thuộc 2 Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo điều kiện cho hộ nghèo được học nghề, vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chuyển giao kỹ thuật và hướng dẫn cách làm ăn, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Khi những con người của núi rừng, được tiếp cận tốt hơn nữa các chính sách xã hội, các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, chương trình giảm nghèo thì bà con sẽ vươn lên phát triển bền vững hơn trong tương lai.