Đội ngũ cán bộ người DTTS được đào tạo cơ bản
Những năm 2000- 2001, tình hình kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận hết sức khó khăn, sản xuất lạc hậu, đói giáp hạt thường xuyên xảy ra, giao thông đi lại hết sức khó khăn. Đội ngũ cán bộ tại các xã miền núi vừa thiếu, vừa yếu, cán bộ là người địa phương rất ít. Để có đủ cán bộ, tỉnh phải điều động cán bộ dưới xuôi lên tăng cường cho các xã miền núi, vùng cao.
Nhận thấy những bất cập của công tác cán bộ, năm 2002, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành 2 nghị quyết nhằm phát triển toàn diện dân sinh, kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS. Trong đó, Nghị quyết 04-NQ/TU của với nhiều nội dung phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất; Nghị quyết 05-NQ/TU về xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS và huyện đảo Phú Quý. Nghị quyết được triển khai từ năm 2003 đến năm 2007, với mục đích đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người DTTS để sau khi ra trường bố trí về làm việc tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, khi thực hiện Nghị quyết 05, các em vừa được văn hóa, vừa được đào tạo bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước để có thể đáp ứng ngay được yêu cầu khi trở về địa phương. Theo thống kê có 151 em tham gia đào tạo theo Nghị quyết 05, đến nay tại các xã vùng đồng bào DTTS trong tỉnh, hầu hết Bí thư Đảng ủy xã, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND xã là học sinh được đào tạo theo Nghị quyết 05; trên 90% cán bộ các ban, ngành của xã là người dân tộc tại địa phương. Không những vậy, sau khi nhận công tác, đội ngũ cán bộ DTTS các xã vừa làm, vừa học để tiếp tục nâng cao trình độ, đạt chuẩn theo yêu cầu, nhiều người đã tốt nghiệp đại học, lý luận chính trị, quản lý nhà nước…
Ông Mang Nhu, Chủ tịch UBND xã Phan Lâm, huyện Bắc Bình chia sẻ: “Sau khi ra trường, về xã công tác, ông đã trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau nhưng vẫn phải tiếp tục học thêm nữa để phục vụ đồng bào, góp phần cùng địa phương phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân”.
Còn ông Hoàng Chiến Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: “Nhiều năm nay, đội ngũ cán bộ của xã cơ bản là người tại địa phương làm việc khá nhịp nhàng, hiệu quả; cấp ủy xã thường xuyên quan tâm tạo điều kiện cho cán bộ tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ tốt hơn nữa đồng bào DTTS”.
Là người con dân tộc Cơ Ho của xã Đông Giang, ông Hoàng Văn Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đông Tiến, huyện Hàm Thuận Bắc đã trải qua các vị trí công tác tại 3 xã khác nhau gồm: Đông Giang, La Dạ, Đông Tiến. Ở bất kỳ địa bàn nào, mình cũng cố gắng hoàn thành thật tốt nhiệm vụ được giao, đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu.
Phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS
Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục quan tâm phát triển đảng viên người DTTS, đến nay toàn tỉnh Bình Thuận có 2.245 đảng viên là người DTTS (chiếm khoảng 5,4% so với tổng số đảng viên toàn tỉnh). Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS các cấp được quan tâm, từng bước đảm bảo cơ cấu, tỷ lệ, thành phần trong cơ quan, đơn vị, tổ chức.
Tính đến tháng 12/2022, số lượng cán bộ, công chức thuộc khối Đảng, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp là 765 người (trong đó có 100 người DTTS); cán bộ, công chức thuộc khối hành chính nhà nước là 1.874 người (trong đó có 137 người DTTS); 360 đại biểu HĐND các cấp là người DTTS; đã cử 2.226 lươṭ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tham gia đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính tri.̣ Đối với lực lượng vũ trang, trong 10 năm đã tuyển 70 quân nhân là người DTTS tham gia nghĩa vụ quân sự, kết nạp 24 đảng viên; cử đào tạo bồi dưỡng cán bộ 21 đồng chí là người DTTS công tác trong lực lượng BĐBP tỉnh.
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh- nơi được xem là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào DTTS, sau 30 năm giảng dạy đã hơn 10.200 em học sinh người DTTS tốt nghiệp. Nhiều em sau tốt nghiệp đã thi đỗ các trường Đại học: Y khoa Tây Nguyên, Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, Khoa học xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Dự bị đại học… Đây là nguồn nhân lực cho tương lai của vùng đồng bào DTTS.
Xác định phát triển giáo dục là giải pháp quan trọng để phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS, HĐND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, đối với nhóm DTTS còn nhiều khó khăn (Cơ Ho, Raglay) và các hộ nghèo, cận nghèo thuộc các DTTS khác được hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh, tiền tàu xe, khen thưởng… nhằm giúp các em học sinh có điều kiện học tập, nâng cao trình độ.
Thực hiện Chương trình MTQG 1719, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và vốn đối ứng của địa phương, tỉnh đã triển khai nâng cấp Trường PTDTNT tỉnh và 4 Trường PTDTNT huyện, đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu học tập của con em đồng bào DTTS. Sở Giáo dục và Đào tạo - đơn vị được giao thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 Chương trình MTQG 1719 cũng đang triển khai nhiều nội dung để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.
Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Đào tạo nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ người DTTS là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên và liên tục, phải có cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn tại từng vùng. Trong thời gian tới, cần vận dụng hiệu quả các chính sách phát triển giáo dục nâng cao nguồn nhân lực của Chương trình MTQG 1719 với các chính sách đặc thù phát triển giáo dục, đào tạo nghề của địa phương. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cần quan tâm đến công tác giáo dục, công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ… song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương”.