Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bình Thuận: Khi vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản được phát huy

Bảo Ngọc - 06:19, 14/11/2023

Bằng kinh nghiệm, uy tín và vị thế của mình, thời gian qua các già làng, trưởng bản, Người có uy tín… trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã và đang phát huy vai trò quan trọng, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng DTTS của tỉnh. Đội ngũ Người có uy tín đã trở thành cầu nối chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào DTTS.

Già làng, Người có uy tín ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tham gia phát triển kinh tế
Già làng, Người có uy tín ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận tham gia phát triển kinh tế

Những đóng góp thiết thực

Bà con người Chăm ở xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình không ai không biết đến Sư cả Xích Dự, Chủ tịch Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà Ni tỉnh Bình Thuận, bởi những đóng góp thiết thực mà ông đã làm cho địa phương. Để góp phần cùng địa phương duy trì và nâng cao mức chuẩn xã nông thôn mới, Sư cả Xích Dự đã xây dựng nhiều mô hình hoạt động như: Mô hình “Tủ sách pháp luật” để giúp người dân nắm bắt nhiều thông tin về pháp luật; mô hình “Chức sắc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” cùng bà con giữ gìn vệ sinh môi trường ở cũng như đường làng, ngõ xóm.

Bên cạnh đó, Sư cả cũng đã vận động mạnh thường quân đổ đất, cát san lấp 4 con đường bị lún, đọng nước ở khu dân cư, vận động bà con đóng góp kinh phí để tu sửa khu mai táng và bê tông 3 con đường trong thôn, phấn đấu thực hiện tốt các tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, năm 2017, Sư cả Xích Dự đã cùng với các vị chức sắc khác xây dựng mô hình “Chức sắc tôn giáo tham gia giữ gìn an ninh trật tự”. Đây là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao, góp phần giúp cho tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được cải thiện rõ rệt.

Sư cả Xích Dự cho biết: “Để bà con tin và làm theo, thì điều cốt lõi chính là bàn thân mình phải làm gương trong công việc, mà phải là từ việc nhỏ đến việc lớn như Bác Hồ đã dạy. Đồng thời, thường xuyên tranh thủ đến các hộ dân để lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ. Từ đó, giải thích, hướng dẫn để bà con hiểu đúng chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.”

Toàn tỉnh Bình Thuận có 87 Người có uy tín trong đồng bào DTTS được hưởng chế độ chính sách theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; (gồm: 84 nam, 3 nữ), cụ thể: Huyện Tuy Phong có người; Huyện Bắc Bình có 40 người; Huyện Hàm Thuận Bắc có 13 người; Huyện Hàm Thuận Nam có 7 người; Huyện Hàm Tân có 4 người; Huyện Tánh Linh có 15 người và Huyện Đức Linh có 3 người.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, thời gian qua các vị chức sắc trong các Hội đồng và Người có uy tín, già làng, trưởng bản trong đồng bào DTTS là lực lượng nòng cốt, là cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Những người có uy tín đã có nhiều đóng góp thiết thực trong các phong trào thi đua yêu nước và vận động quần chúng, đồng bào các dân tộc chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương, chính sách về công tác dân tộc.

Đội ngũ những Người có uy tín trong đồng bào DTTS tỉnh Bình Thuận đã cùng già làng, trưởng bản, nghệ nhân, nhân sĩ trí thức thể hiện bằng hành động, việc làm cụ thể để nêu gương và tích cực vận động, giáo dục con cháu, cộng đồng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc; vận động đồng bào xây dựng nếp sống mới, xây dựng gia đình văn hóa, làng bản văn hóa; giữ gìn, phát huy phong tục tập quán tốt đẹp và xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, đặc biệt trong thực hiện việc cưới, việc tang và lễ hội truyền thống của các dân tộc.

Các đại biểu Người có uy tín tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.
Các đại biểu Người có uy tín tham gia lớp tập huấn, phổ biến, cung cấp thông tin cho Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

“Với sự tham gia, hỗ trợ tích cực của Người có uy tín, già làng, trưởng bản, đã góp phần tích cực để các cấp, các ngành chủ động triển khai lực lượng, biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, lĩnh vực trọng điểm. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm được triển khai sâu rộng đến cấp cơ sở. Đã có nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, như: “Ánh sáng an ninh”, “Camera an ninh”, “Dòng tộc văn hóa, tự quản về an ninh trật tự”, “Đội xung kích bảo vệ an ninh trật tự đường phố”, “Khu dân cư phòng, chống ma túy”,...”, ông Tân chia sẻ.

Tiếp tục phát huy 

Nắm bắt được vai trò quan trọng của những Người có uy tín, hàng năm, các cơ quan, ban ngành của tỉnh Bình Thuận đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho Người có uy tín với nội dung cụ thể, thiết thực như: Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về kinh tế - xã hội, các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác dân tộc, tôn giáo; vận động Người có uy tín tích cực tham gia các phong trào đang triển khai tại địa phương; tham gia đóng góp ý kiến xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm phát huy vai trò các vị chức sắc trong các Hội đồng, Người có uy tín. Trong đó tập trung thực hiện tốt các nội dung như: Quan tâm, thăm hỏi, động viên, triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách cho các vị chức sắc trong các Hội đồng, Người có uy tín để họ phát huy vai trò tốt hơn nữa trong công tác tuyên truyền, vận động; Tiếp tục phối hợp làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình, phát hiện và tham mưu cấp ủy, chính quyền xử lý có hiệu quả, kịp thời các biểu hiện gây ảnh hưởng đến công tác quốc phòng - an ninh, không để xảy ra “điểm nóng” ở địa phương; không để các tệ nạn xã hội, các loại tội phạm xuất hiện trên địa bàn...

(CĐ Bình Thuận) Bình Thuận: Khi vai trò của Người có uy tín, già làng, trưởng bản được phát huy 2
Nghệ nhân Người có uy tín truyền dạy nghệ thuật dân gian của người Cơ Ho ở xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận)

“Muốn thực hiện được những việc này, chúng ta phải chú ý đa dạng hóa các hình thức hoạt động hướng về cơ sở, gần dân, sát dân, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng đồng bào có đạo, vùng thường xuyên phát sinh những vấn đề mới (như ô nhiễm môi trường, khiếu nại, khiếu kiện...); đổi mới công tác xây dựng, bồi dưỡng và phát huy tốt hơn, thực chất hơn vai trò của lực lượng cốt cán chính trị nói chung và vai trò của các Hội đồng chức sắc, Người có uy tín, già làng, trưởng bản”, ông Tân cho biết thêm.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Nghệ An: Nỗ lực cho công tác xóa mù chữ để đồng bào thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Năm 2022, Nghệ An được công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đây là tiền đề quan trọng để địa phương tiếp tục có những bước đi vững chắc trong công tác xóa mù chữ. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, địa bàn cách trở… đang là những trở ngại đối với công tác xóa mù chữ, đòi hỏi tỉnh Nghệ An có những giải pháp phù hợp.