Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng lòng, chung sức vì sự thành công của Chương trình MTQG

Thúy Hồng - 08:29, 02/05/2023

Để đẩy nhanh tốc độ và hiệu quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 1: 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), ngay từ đầu năm 2023 các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương đều quyết liệt đồng lòng, chung sức triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai ở cơ sở.

Chương trình MTQG 1719 sẽ góp phần tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.
Chương trình MTQG 1719 sẽ góp phần tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững

Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện

Năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện các dự án thành phần tại địa phương còn gặp một số vướng mắc. Với vai trò là cơ quan chủ trì quản lý Chương trình, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã trách nhiệm, nỗ lực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để kịp thời đưa ra những giải pháp tháo gỡ.

Theo báo cáo của UBDT tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc Quốc hội vào giữa tháng 4/2023 vừa qua, tính đến ngày 15/3/2022, UBDT và các bộ, ngành Trung ương được giao nhiệm vụ trực tiếp chủ trì các dự án, tiểu dự án và nội dung thành phần của Chương trình MTQG 1719 đã ban hành 36/37 văn bản cần thiết để quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ quản lý, tổ chức thực hiện.

Theo ông Hà Việt Quân - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình MTQG 1719, UBDT đã chủ động, tích cực kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành liên quan để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện Chương trình; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn. Qua đó, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 tại cơ sở đã đạt được một số kết quả nhất định.

Điển hình như tại huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn, theo kế hoạch trong năm 2022, huyện Pác Nặm được phân bổ vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên 41 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 21 tỷ đồng, vốn sự nghiệp gần 20 tỷ đồng. Huyện đã thực hiện triển khai 9 Dự án thuộc Chương trình.

Ông Ma Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Năm 2023, huyện Pác Nặm được phân bổ trên 77,3 tỷ đồng với 8 Dự án. Do đó, với phương châm “khó khăn ở đâu, tháo gỡ ngay ở đó”, huyện Pác Nặm sẽ quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện Chương trình đảm bảo đúng quy định của Trung ương và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Đặc biệt, việc phân cấp phải rõ ràng trong quá trình tổ chức, thực hiện, không chồng chéo, không đùn đẩy trách nhiệm; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình.

Theo báo cáo của UBDT, tính đến 31/12/2022, kết quả giải ngân thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên cả nước đạt 5.721.233 triệu đồng, đạt tỷ lệ trung bình 43,58% so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, ở các cơ quan Trung ương, số vốn sự nghiệp giải ngân đạt 202.818/627.204 triệu đồng (đạt 32,34%). Ở các địa phương đạt trung bình 44,14%, có nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hà Nội và TP. Cần Thơ đạt tỷ lệ 100%.

Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 sẽ giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân.
Nguồn lực từ Chương trình MTQG 1719 sẽ giúp các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân

Tháo gỡ vướng mắc cho từng dự án cụ thể

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 vẫn còn tồn tại, hạn chế, bởi Chương trình có nội dung rộng, quy mô lớn; nhiều dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần có sự tham gia của nhiều bộ, ngành cơ quan Trung ương… Do đó, trong quá trình phối hợp, hoàn thiện đòi hỏi nhiều thời gian để bảo đảm đúng quy định. Điều này đã dẫn tới sự chậm trễ nhất định so với kế hoạch đã đề ra.

Để tháo gỡ vướng mắc từ kiến nghị của các địa phương theo Công điện 71 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cuối tháng 2 vừa qua, UBDT đã ban hành Công văn số 405/UBDT-VPCTMTQG trả lời kiến nghị của các địa phương về thực hiện Chương trình MTQG 1719. Nội dung công văn đã nêu rõ các điều khoản hướng dẫn cũng như cách thức thực hiện các dự án, do trước đó nội dung hướng dẫn còn chung chung, chưa cụ thể và khó thực hiện theo Thông tư số 02/2022/TT-UBDT.

Song song với những giải pháp của Trung ương, các địa phương cũng đã tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, chủ động tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình… Cụ thể như tại Lào Cai, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho tỉnh thành lập Tổ công tác về giải ngân vốn sự nghiệp các Chương trình MTQG tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 - 2025; ban hành kế hoạch chi tiết thực hiện Chương trình MTQG năm 2023… Nhờ đó mà năm 2022, tỉnh Lào Cai đã giải ngân 568.188/766.876 triệu đồng, đạt 74% kế hoạch.

Theo ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG trong 2023, Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai đã tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và Nhân dân về Chương trình MTQG 1719. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình, bảo đảm đồng bộ, phù hợp với các văn bản hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tế ở địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện Chương trình MTQG 1719, phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua thực hiện Chương trình nhằm phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của các địa phương…

Với sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương cho thấy sự quyết tâm trong triển khai thực hiện Chương trình. Tin tưởng rằng, với những giải pháp thiết thực, cụ thể Chương trình MTQG 1719 sẽ thực sự là đòn bẩy phát triển các địa phương vùng DTTS và miền núi còn nhiều khó khăn; tạo sinh kế, giúp đồng bào DTTS phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.