Khung ảnh Bác Hồ được ông Lò A Vàng ở thôn làng San, xã Quang Kim treo ở nơi trang trọng nhất. Lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trước hiên nhà. Hình ảnh quen thuộc này vẫn được bà con dân tộc Giáy ở xã Quang Kim thực hiện đều đặn và kĩ càng vào những ngày lễ trọng đại của đất nước.
“Nhiều năm nay, vào mỗi dịp lễ lớn của đất nước như ngày Quốc khánh 2/9, ngày Tết… gia đình đều treo cờ Tổ quốc, còn ảnh Bác Hồ thì được treo ở giữa nhà để nhắc nhở con cháu không bao giờ được quên công ơn người đã hi sinh vì đất nước..”, ông Vàng tâm sự.
Không chỉ treo cờ trong mỗi ngôi nhà, mà lá cờ đỏ sao vàng con được bà con tự giác treo ở các tuyến đường liên thôn, khiến cho bản làng vùng cao thêm rực rỡ sắc màu trong những ngày lễ lớn.
“Mọi người dân trong thôn rất tự giác treo cờ Tổ quốc ở hai bên tuyến đường của thôn cũng để cho đường làng ngõ xóm đẹp hơn. Sau những ngày trọng đại thì người dân cất đi để giữ cho cờ được mới, để những ngày lễ sau lại treo lên”, ông, Dương Văn Tiến, thôn Làng Quang, xã Quan Kim chia sẻ.
Xã Quang Kim, huyện Bát Xát có trên 6 nghìn khẩu với 6 dân tộc anh em sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc Giáy chiếm 65%. Là xã vùng cao biên giới, hình ảnh Bác Hồ và lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong những ngày lễ lớn như lời khẳng định chủ quyền lãnh thổ, trở thành động lực để cấp ủy, chính quyền và Nhân dân trong xã phấn đấu hoàn thành các mục tiêu kinh tế-xã hội.
“Thông qua việc treo cờ và treo ảnh Bác Hồ trong những ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn hay dịp Tết cổ truyền có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tưởng nhớ đến công lao trời biển của Bác Hồ, xây dựng khối đoàn kết; thực hiện chương trình nông thôn mới, góp phần gắn kết giữa các đồng bào dân tộc trên địa bàn xã trong phát triển kinh tế-xã hội”, ông Chu Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Quang Kim khẳng định.