Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đón Tết Mồng Hai

Sầm Văn Bình - 23:35, 01/09/2022

Suốt hơn nửa thế kỷ nay, người dân tộc Thái ở quê tôi (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) luôn gọi ngày lễ Quốc khánh 02/9 là Tết Mồng Hai. Người ta nhắc nhở nhau, cùng nhau chuẩn bị cho một cái Tết Mồng Hai từ nhiều tháng trước đó.

Đường quê trong những ngày Đón Tết Độc lập (Trong ảnh phụ nữ Thái xã Châu Tiến, Quỳ Hợp trên con đường quê )
Đường quê trong những ngày Đón Tết Độc lập (Trong ảnh phụ nữ Thái xã Châu Tiến, Quỳ Hợp trên con đường quê)- Ảnh LTC

Để chuẩn bị cho Tết Mồng Hai, ngay từ khi gieo mạ cho vụ đông xuân, người Thái quê tôi đã chuẩn bị một mảnh ruộng để gieo giống nếp. Sau khi thu hoạch sẽ có vài yến lúa nếp để dành cho dịp Tết Mồng Hai. Rồi tiếp đó, kế hoạch nuôi gà, vịt, lợn... đều phải tính đến nhu cầu sử dụng và mang ra chợ bán trong dịp Tết Mồng Hai.

Lần đó còn cách ngày Tết Mồng Hai đến hai chục ngày, trong một dịp đến thăm người thân, tôi gặp ông Quán Vi Minh (sinh năm 1934) ở bản Cù (nay thuộc xóm Cù Mọn, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp) đang ngồi ở trên đầu sàn hí hoáy sửa lại cái nồi hông bằng gỗ cũ kỹ. Lúc hỏi chuyện thì ông cho biết, nhân ngày lành tháng tốt, ông sửa lại cái nồi hông này, xem nếu có vết nứt thì trám lại cho kín để dùng hông xôi cho Tết Mồng Hai đang tới.

Ông còn cho biết thêm, thanh thiếu niên trong bản đang họp bàn để phân công nhau đi sửa lại những đoạn đường có nhiều ổ gà, phát quang các bụi rậm, cành cây dọc theo đường đi của bản. Những cây sào nứa cũng được chặt về và cất giữ cẩn thận đợi đến ngày được treo cờ đỏ sao vàng. Dàn chiêng trống trong nhà được đem ra lau chùi, thử giọng. Các cụ cao tuổi còn nhắc nhở con cháu chú ý sửa sang lại những nơi liên quan đến việc thờ cúng, kể cả cách làm đẹp, làm mới hơn cho các câu đối và ảnh Bác Hồ phía trên bàn thờ.

Chị em phụ nữ dân tộc Thái chuẩn bị ẩm thực cho ngày Tết Độc lập. (Ảnh TL)
Chị em phụ nữ dân tộc Thái chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập. (Ảnh TL)

Người già kể lại, trước kia ở quê tôi có ngày 17/7 (âm lịch) được gọi là tết Cẳm Phạ (kiêng kị trước luật trời). Tập tục quy định rằng, trước- trong- và sau tết Cẳm Phạ 3 ngày thì bản mường phải kiêng những việc đại sự: không làm những công việc nguy hiểm và nặng nhọc để tránh tai nạn; không tổ chức đi săn bắn trong rừng; không đánh chửi lẫn nhau; rủi có người xấu số qua đời thì phải nhanh chóng đưa ma chứ không được tổ chức đám tang...

Trong ngày tết Cẳm Phạ, quan niệm xưa cho rằng, bà nữ thần Then Một có tên là Nang Đoi có việc trên Then (Trời), luật trời bắt buộc các ma nhà phải đến tham gia để xin phù hộ cho nhà cửa cháu con được an khang thịnh vượng. Vậy nên đến ngày đó, con cháu trong nhà phải sắm lễ tạ ơn ma nhà.

Mâm cỗ cúng Tết Độc lập của đồng bào Thái Quỳ Hợp
Mâm cỗ cúng Tết Độc lập của đồng bào Thái Quỳ Hợp (Ảnh TL)

Đồ lễ chủ yếu là gà, không dùng thịt lợn, thịt ngan vịt, thịt cầy... (hiện nay đã có sự thay đổi, ví dụ như có thể dùng các món thịt chó hoặc thịt vịt, thịt lợn... nhưng không dâng cúng). Gà trống càng đẹp, càng béo thì càng quý. Có lúc người ta nuôi nhốt gà mấy tháng liền đợi cho đến ngày tết Cẳm Phạ. Người ta cũng bàn nhau đóng góp thóc gạo, trấu... để làm rượu cần, nấu rượu siêu. Họ cũng không quên chuẩn bị các loại khác như măng khô, măng tươi, mộc nhĩ để nấu với thịt gà, thịt vịt.

Với người Thái quê tôi, ngoài Tết Nguyên đán thì chỉ có tết Cẳm Phạ là vui vẻ nhất, trở thành một ngày tết đi vào tiềm thức, có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống tinh thần, tình cảm của cả cộng đồng. Cũng như với tết Nguyên đán, trong ngày tết Cẳm Phạ, người ta có nhu cầu đoàn tụ gia đình, nhớ đến người thân đang ở xa, cúng bái tổ tiên và tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp.

Theo lời kể của ông Quán Vi Minh, ngay từ những kì kỉ niệm Tết Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người dân của cả xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp (thời đó có tên là xã Khủn Tinh) đã có nhu cầu tổ chức và vui Tết Độc lập theo hình thức tập thể và tập trung với các thành phần ở nhiều bản, nhiều mường... Trong một dịp tổ chức như thế, các bản tập trung về thi dựng hướn bỏng (giống như hội trại ngày nay) ở vùng bãi Ná Pại Cụt khu vực trung tâm của xã Châu Quang).

Trong dịp vui tết này, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con bản mường, các già bản đại diện cho các chòm đã ấn định chuyển ngày vui tết Cẳm Phạ lồng vào trong ngày Tết Độc Lập, bởi xét về ngày tháng cụ thể thì hai ngày tết đó gần sát với nhau. Vậy là từ đó, bất kể ngày 2/9 ứng với ngày nào trong lịch âm, người dân quê tôi đã coi tết Cẳm Phạ và ngày Tết Độc lập 2/ 9 là một. Các thế hệ cháu con tiếp nối nghiễm nhiên coi Tết Mồng Hai là ngày tết linh thiêng và quan trọng của đồng bào Thái quê tôi.

Một gia đình người Thái ở huyện Quỳ Hợp dâng mâm lễ cúng Bác Hồ và tổ tiên trong ngày Tết Độc lập
Một gia đình người Thái ở huyện Quỳ Hợp dâng mâm lễ cúng Bác Hồ và tổ tiên trong ngày Tết Độc lập

Sáng mồng 2/ 9, nhà nào trong bản tôi cũng treo cờ đỏ sao vàng trên cái sào nứa cao nhất chọn từ trong rừng về. Ông nội tôi mang cái giỏ mới đan xong còn thơm mùi nan nứa, đựng gần chục con gà đi ra phía con suối Huồi Mổng trong xanh. Bà con trong bản đã ra đông nghịt từ lúc nào. Người lớn cùng nhau kháo chuyện, cười nói râm ran. Đám trẻ con được dịp đùa nghịch, la hét, chạy đi chạy lại ngó xem nhà nào mổ nhiều gà nhất, con gà trống của nhà ai to nhất… Đến gần trưa, tôi cùng ông nội khiêng cái giỏ nặng trĩu về nhà.

Con gà trống to được luộc chín, như ông tôi hay nói nặm ết đỉ, phí ết xúc (nước làm cho sạch, lửa làm cho chín), bốc hơi nghi ngút được bày vào mâm. Cái mâm gỗ ông tôi tự tay làm lấy đã cũ nhưng còn đẹp lắm. Ông bảo tôi lấy một tàu lá chuối tươi lót trong lòng mâm, sống lá ngửa lên và ông dặn phải đặt phía cuống lá hướng về phía trên. Con gà luộc được đặt giữa mâm, ngay trên lá chuối và đầu gà phải hướng theo hướng của cuống lá chuối. Ông nhắc tôi là với người Thái thì gà luộc phải được đặt ngửa, nếu đặt sấp thì kiêng.

Tiếp đó trong mâm phải đặt thêm hai vắt xôi, một bát đựng nhúm muối trắng, hai đôi đũa, rồi rượu siêu, đĩa trầu cau. Ông tôi đứng lên trên cái ghế mây, dọn dẹp kỹ các thứ trên bàn thờ chóng hòng, lấy một chùm nõn cọ non khuơ hết bụi trên tấm ảnh Bác Hồ treo phía trên cao, rồi mới dâng mâm lễ cúng lên. Ông rót rượu siêu ra chén, sắp xếp lại các miếng trầu cau trong cái đĩa sứ xanh bóng, thắp hương rồi tháo khăn đội đầu xuống, chắp tay vái rồi ông khấn:

"Pỉ ạ la pỉ ừn má tuối/Mừa nị họt Tệt Mồng Hai kỉn tè nhún hẩng/Hặc mí thoi pản nừng thoi hẻ/Hặc mí ké pản nừng ké nàng/Pò xằng hơ tè mự độc lập má mướng"…

(Năm này hết năm sau tiếp nối/Hôm nay đến Tết Mồng Hai có từ thuở trước/Có chuỗi tiếp nối như chân chài/Có mắt tiếp nối như mắt lưới/Ông cha dặn dò từ ngày mường ta có độc lập)…

Chị em phụ nữ người Thái đi vui hội ngày Tết Độc lập (Ảnh LTC)
Chị em phụ nữ người Thái đi vui hội ngày Tết Độc lập (Ảnh LTC)
Nét đẹp phụ nữ Thái Quỳ Hợp hôm nay
Nét đẹp phụ nữ Thái Quỳ Hợp hôm nay (Ảnh LTC)
Vui khắc luống trong ngày Tết Độc lập (Ảnh LTC)
Vui khắc luống trong ngày Tết Độc lập (Ảnh LTC)
Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.