Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Đồng bào Tà Riềng giữ gìn Lễ hội Cha Ba Riang

Hồng Phúc - Văn Sơn - 07:37, 22/11/2022

Cha Ba Riang (Mừng cơm mới) là Lễ hội gửi gắm ước mơ của người Tà Riềng, mong thần lúa ban cho mọi gia đình có cái ăn, cái để. Đây là lễ hội tồn tại lâu đời nhất trong đời sống lao động sản xuất của người Tà Riềng, huyện Nam Giang (Quảng Nam) và được những người con sinh sống trên vùng Trường Sơn gìn giữ từ bao thế hệ ông cha tới tận ngày nay.

Già làng Chờ Rum Nhiếr (thầy cúng), đang thực hiện Cha Ba Riang của người Tà Riềng
Già làng Chờ Rum Nhiếr (thầy cúng), đang thực hiện Cha Ba Riang của người Tà Riềng

Bên bếp lửa những ngày đầu đông, câu chuyện của già làng Chờ Rum Nhiếr (81 tuổi), ở tại thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi ngày càng cuốn hút chúng tôi, khi ông kể về sự thiêng liêng và niềm hạnh phúc của đồng bào Tà Riềng (một nhóm địa phương thuộc dân tộc Gié Triêng) trong lễ hội Cha Ba Riang. 

Theo lời ông kể, hàng năm từ cuối tháng 10 đến giữa tháng 11 (Âm lịch), sau khi thu hoạch mùa xong, lúa phơi khô đem cất hết về nhà kho, đây là thời điểm nông nhàn để cộng đồng người Tà Riềng trong làng nô nức tổ chức lễ ăn mừng cơm mới.

Cha có ý nghĩa là ăn, Ba Riang là cơm mới. Muốn được ăn mừng cơm mới, thì lúa rẫy của gia đình năm đó phải được trăm gùi mới được tổ chức. Tại không gian riêng của gia đình, chủ nhà còn mời cả làng cùng tham gia chứng kiến nghi lễ cúng Giàng (Trời) và các vị thần linh: Thần đất, Thần sông suối, Thần núi, Thần mưa, Thần sấm… để tỏ lòng biết ơn và cầu mong mùa mới mưa thuận gió hòa, dân làng Tà Riềng no ấm.

Mọi nguồn thực phẩm đều được chuẩn bị trước đó rất lâu. Mâm lễ vật cúng Cha Ba Riang gồm: một gùi lúa mới, cơm mới; bánh poắc; một con gà trống, ché rượu cần, rượu tà vạt, rau dớn, ếch nấu măng tươi, cá suối quấn lá chuối rừng nướng, món gà nấu bằng ống nứa nướng lên vừa chín tới và các lễ vật liên quan.

Già làng Nhiếr nhiều năm nay là thầy cúng trong lễ Cha Ba Riang ở Đắc Tôi. Ông nói, vị trí cúng trong Cha Ba Riang thường được già làng chọn trước đó, sau đó mới bày trí các lễ vật ngay tại nơi chôn cây nêu. Già làng đặt con gà trống lên gùi lúa rồi kèm theo là lời khấn nguyện thể hiện mong ước không chỉ của riêng gia chủ mà là của cả dân làng: “U...ớơ Giang si đầy. Pling ta ngây. Giang Ka rưng coong; Giang B’rây, đa ạc, long; Pi Giang căng Cứa. Nhun sa sar liêm ka raim zun ba mưn zềnh! (Tạm dịch: Mời các vị thần xuống ăn cơm mới, ăn thịt, uống rượu, phù hộ các gia đình, dân làng mùa vụ mới làm ăn khá giả, được mùa, thú rừng không phá phách, người làng mạnh khỏe, bệnh tật không còn). 

Già làng vừa khấn vái, vừa theo dõi sang con gà trống đặt trên gùi lúa thiêng tròn trịa. Theo quan niệm của người Tà Riềng, nếu con gà trống vừa đặt ở đó mà lập tức ăn hạt thóc hoặc cất tiếng gáy vang ngay trong lễ cúng có nghĩa là báo hiệu cho mùa màng năm sau tươi tốt, bội thu. Dân làng sẽ vỡ oà trong vui mừng.

Cùng lúc, thầy cúng bắt con gà cắt tiết, trộn đều vào những hạt lúa thiêng vàng óng ánh, hai tay vừa nắm đầy những hạt thóc rồi tung lên trời hô to “Giang Chorr! Giang Chorr”. Cha Ba Riang mang ý nghĩa trân trọng, nâng niu hạt lúa, hạt ngọc của Giàng. Đây là nét đặc trưng trong lễ mừng cơm mới chỉ có trong cộng đồng đồng bào dân tộc Tà Riềng ở 2 xã Đắc Tôi và La Dê, huyện vùng cao Nam Giang.

Vui hội Cha Ba Riang cùng đồng bào Tà Riềng Nam Giang 1
Một góc làng truyền thống của người Giẻ Triêng thôn Đắc Ôốc, xã La Dêê, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam


 Kết thúc phần lễ, phần hội được tổ chức rượu mừng, dân làng cùng gia chủ uống cạn những ghè rượu, các chàng trai khỏe mạnh thay nhau đánh cồng chiêng, trình diễn thổi sáo đinh tút. Những phụ nữ Tà Riềng tay trong tay kéo nhau về khu vực lễ hội cùng hát vang trong vòng xoang với múa điệu “Pêl” (mừng cơm mới), điệu túk chêm hoong (mừng được mùa). Những mặt người tươi rói, những thanh âm sôi động hoà cùng tiếng nói cười là một chỉ dấu tốt cho một mùa lúa rẫy bội thu, no đủ.

Theo già làng Chờ Rum Nhiếr, trước đây, bà con dân làng tổ chức lễ mừng cơm mới diễn ra linh đình từ 5 đến 7 ngày và rất tốn kém. Bếp nhà người Tà Riềng nào cũng đầy ché rượu cần thơm ngon, thịt rừng đầy giàn bếp. Nhà nào đông khách, coi như niềm vinh dự, báo hiệu vụ mùa tới bội thu. Tuy nhiên, hiện nay, các lễ hội nói chung, lễ mừng cơm mới của người Tà Riềng ở các làng thuộc 2 xã Đắc Tôi và La Dê cũng có nhiều thay đổi, theo hướng tối giản hơn, nhưng vẫn giữ được hồn cốt và ý nghĩa từ thuở ban sơ.

Cha Ba Riang cũng là dịp để đồng bào Tà Riềng gặp gỡ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn cầu mong vụ mùa tới sẽ thu hoạch được nhiều lúa hơn. Theo nhiều người dân ở Đắc Tôi, La Dê, bà con giữ gìn lễ hội độc đáo mang đậm dấu ấn của nền văn hóa nương rẫy này, là muốn góp phần tích cực vào việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào Tà Riềng trên đại ngàn Trường Sơn.

Nhằm lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã dành hẳn một dự án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng giúp đồng bào các DTTS nói chung và đồng bào Tà Riềng nói riêng có thêm nguồn kinh phí để tiếp tục bảo tồn, truyền dạy và khai thác các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó giúp đồng bào các DTTS biến di sản thành tài sản.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.