Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đồng bào DTTS sập bẫy lừa đi lao động nước ngoài - Vì sao: Nhận diện thủ đoạn của bọn “buôn người” (Bài 3)

Hường-Dung-Thu-Anh - 10:50, 15/07/2022

Các vụ việc đưa lao động Việt Nam sang Campuchia làm việc đều có bàn tay của môi giới, cò mồi trong nước. Với chiêu thức thực hiện tinh vi từng công đoạn, khi có vấn đề phát sinh lực lượng chức năng cũng khó để điều tra, xử lý đối tượng.

Lật tẩy chiêu trò lừa người qua biên giới

Hầu hết các nạn nhân bị lừa sang Campuchia đều là thanh thiếu niên ở nông thôn, vùng cao, vùng đồng bào DTTS. Học vấn thấp, kiến thức còn hạn chế, kinh nghiệm sống chưa nhiều nên dễ bị các đối tượng xấu dụ dỗ.

Hầu hết những thanh, thiếu niên ở Việt Nam bị lừa sang Campuchia đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn
Hầu hết những thanh, thiếu niên ở Việt Nam bị lừa sang Campuchia đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn

Các đối tượng thường sử dụng mạng xã hội facebook, zalo ảo đăng thông tin lao động, việc làm để tìm người có nhu cầu. Sau khi phát hiện “con mồi” chúng dùng lời ngon ngọt, hứa hẹn công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao để dụ dỗ các nạn nhân. Mọi hành động đưa người qua biên giới được thực hiện tinh vi, nạn nhân được yêu cầu bí mật thông tin với người ngoài và mỗi bước đi đều theo hướng dẫn.

Với chiêu trò như vậy, 7 thanh thiếu niên dân tộc Gia Rai ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai sa chân vào bẫy lừa một đối tượng môi giới. Theo đó, qua một người dân trong làng, các nạn nhân được biết đến Trần Quang Quyết và biết Quyết đang tìm người vào Tây Ninh làm việc, với mức lương từ 18-20 triệu đồng. Các nạn nhân đồng ý thì đón xe di chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, có người đón chở đi ăn uống, rồi các đối tượng dụ dỗ nạn nhân vượt biên qua Campuchia.

Các đối tượng giao người cho công ty, chủ sòng bạc yêu cầu ký hợp đồng lao động kèm điều khoản đền tiền vi phạm. Công việc chính là làm trên máy tính, thông qua mạng xã hội như facebook, zalo,… để lừa đảo hoặc đào bitcoin. Với mục đích chính là bắt người thân nạn nhân gửi tiền sang chuộc người, do vi phạm hợp đồng.

Tình trạng lừa đảo lao động sang Campuchia làm việc cũng đang diễn ra tại tỉnh Đắk Nông. Theo thông tin từ Công an tỉnh Đắk Nông, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 7 nạn nhân bị lừa xuất cảnh tráp phép sang Campuchia làm việc. Cũng với chiêu thức  thông qua mạng xã hội, đăng thông tin tuyển dụng lao động với mức lương cao. Khi các nạn nhân sập bẫy, các đối tượng hướng dẫn, tổ chức xuất cảnh trái phép qua đường tiểu ngạch. Sau đó, đưa nạn nhân đến các công ty của người nước ngoài để làm việc. Đối tượng sập bẫy chủ yếu thanh niên trẻ, không có việc làm ổn định.

Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động việc nhẹ, lương cao, chế độ hấp dẫn để lừa đảo
Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội đăng tải các tin, bài tuyển dụng lao động việc nhẹ, lương cao, chế độ hấp dẫn để lừa đảo

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Trung tá Đinh Văn Sơn, Phó trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai cho biết: Chỉ tính chưa đầy 6 tháng đầu năm 2022, đơn vị đã nhận 43 thông tin trình báo bị lừa đảo qua mạng, với tổng số tiền thiệt hại tới trên 26 tỷ đồng. 

"Ngoài những thủ đoạn lừa đảo trước đây, như tuyển cộng tác viên bán hàng, mời đầu tư tiền ảo, giả danh cán bộ thông báo án phạt…, thì lừa đi làm việc tại Campuchia với mức lương hàng tháng 800 đến 1000 USD đang là thủ đoạn mới hết sức tinh vi:, Trung tá Sơn cho biết.

Theo thông tin trình báo của một số nạn nhân, khi sang Campuchia, công việc hàng ngày của họ là qua mạng xã hội gọi điện về Việt Nam lừa đảo người trong nước, bằng các hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng, kêu gọi đầu tư, lôi kéo dụ dỗ đi làm việc tại Campuchia… Nếu không đạt chỉ tiêu, họ sẽ bị phạt ít nhất 1000 USD, bị đánh đập, bỏ đói rồi sau đó buộc phải gọi điện cho người nhà đòi tiền chuộc. Họ chỉ được thả khi gia đình đã nộp hàng chục tới hàng trăm triệu đồng cho chúng để chuộc thân.

Khó khăn xử lý

Tại xã Cốc Mỳ (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), chính quyền xã cho biết, trên địa bàn xã ghi nhận 2 trường hợp đi lao động tại Campuchia. Theo Trung tá Nguyễn Văn Tuất, Phó Trưởng Công an xã Cốc Mỳ, qua rà soát lại, công an xã cũng đã nắm bắt một số lao động đi làm bên Campuchia, nhưng mới thấy có trường hợp của Hoàng Hải L. gọi điện về bảo gia đình chuyển cho 70 triệu để chuộc người. Cái khó là, người dân trên địa bàn xã khi đi làm việc ngoài tỉnh, chỉ lấy xác nhận dân sự nên rất khó để xác định người dân có đi làm ở Campuchia hay không.
Không riêng xã Cốc Kỳ, nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Bát Xát cũng xác định có người dân bị lừa sang Campuchia làm việc. Trong đó, có những người đã được gia đình nộp tiền chuộc về, có những trường hợp chưa liên lạc được.

Tương tự, mới đây đầu tháng 7, Công an huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cũng thông tin, trên địa bàn huyện ghi nhận 2 trường hợp bị lừa sang Campuchia làm việc, là anh H.V.X và N.H.L trú xã Ya Tờ Mốt. Sau khi bị các đối tượng lừa sang Campuchia làm việc, hai nạn nhân bị đánh đập, bóc lột sức lao động. 

Để có thể trở về Việt Nam, hai nạn nhân đã phải nộp 170 triệu đồng tiền chuộc. Sự việc đã diễn ra rồi, người nhà nạn nhân mới trình báo lên cơ quan công an. Cùng với đó, nạn nhân cũng không biết thông tin của người môi giới, nên việc làm rõ được đối tượng lừa đảo rất khó khăn cho các lực lượng chức năng.

Một nạn nhân ở làng Kloong, xã Ia O, xã Ia Grai trở về sau những ngày bị cưỡng bức lao động ở Campuchia
Một nạn nhân ở làng Kloong, xã Ia O, xã Ia Grai trở về sau những ngày bị cưỡng bức lao động ở Campuchia

Trước tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm “việc nhẹ, lương cao” diễn ra ở các tỉnh, thành trong cả nước, tối ngày 4/7 vừa qua, Bộ Công an đã phát đi thông tin cảnh báo. Hiện nay, tình hình công dân Việt Nam xuất cảnh trái phép sang Campuchia làm việc tại các cơ sở đánh bạc trực tuyến, bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản vẫn diễn ra phức tạp.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam và Campuchia đã phối hợp giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa đi lao động trái phép tại Campuchia. Các nạn nhân chủ yếu ở độ tuổi 18-35. Thông qua tìm kiếm việc làm trên mạng xã hội hoặc từ người quen, bạn bè rủ rê qua Campuchia làm việc nhẹ nhàng, mức lương cao. 

Sau khi sang nước bạn, các nạn nhân được đưa vào làm việc tại các cơ sở, tổ chức hoạt động lừa đảo như đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo… trên không gian mạng. Các nạn nhân bị ép làm việc từ 12-16 giờ đồng hồ/ngày, không được ra khỏi cơ sở, không đủ định mức sẽ bị bán cho chủ sử dụng khác. Khi nạn nhân muốn hồi hương thì phải gọi cho gia đình, người thân nộp tiền chuộc mới thoát thân.

Những vụ việc thanh niên các vùng quê nghèo bị lừa sang Campuchia làm việc thời gian vừa qua, đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo, cảnh tỉnh người dân trong việc để cao cảnh giác trước thủ đoạn của tội phạm lừa đảo; cũng như trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, lực lượng chức năng, các cơ quan báo chí, phương tiện truyền thông lúc này...

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.