Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Đổi thay ở Dur Kmăl

Lê Hường - 07:38, 03/09/2024

Căn cứ cách mạng xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk có mật danh H6 là vùng đất Anh hùng. Trong kháng chiến cũng như thời bình, đồng bào DTTS một lòng theo Đảng, đoàn kết vượt khó, nỗ lực vươn lên, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Các lão thành cách mạng “truyền lửa” truyền thống cho các thế hệ thanh niên
Các lão thành cách mạng “truyền lửa” truyền thống cho các thế hệ thanh niên

Vùng đất Anh hùng

Trở lại Dur Kmăl những ngày tháng Tám lịch sử, những con đường đất đỏ lầy lội xưa, nay đã được nhựa hóa, bê tông hóa sạch đẹp, xuyên qua rẫy cà phê xanh ngắt, sai trĩu quả... Cuộc sống ấm no đang hiện hữu ở vùng căn cứ cách mạng Dur Kmăl.

Trong ngôi nhà sàn truyền thống, già làng Y Đhun Hmôk (SN 1955), Bí thư Chi bộ buôn Dur 1, kể cho chúng tôi nghe những năm tháng kháng chiến. Thời đó, bà con trong vùng đồng lòng theo Đảng, xây dựng cơ sở cách mạng, đấu tranh vũ trang đến ngày toàn thắng.

Già Y Đhun kể: Già theo bố mẹ cùng bà con buôn làng nuôi giấu cán bộ từ khi còn là cậu bé 7 tuổi. Năm 14 tuổi, già làm Bí thư Chi đoàn buôn Dur 1 và bắt đầu tham gia đấu tranh vũ trang cho đến ngày đất nước thống nhất. Những năm tháng kháng chiến ấy, buôn Dur 1, Dur 2 và buôn Kmăl là hạt nhân vùng căn cứ H6, địch liên tục càn quét; người dân ăn măng le, củ mì khô, đói cơm, thiếu muối, hiểm nguy, gian khổ vô cùng.

Không ít lần bà con phải rời làng theo bộ đội vào rừng sống và chiến đấu, thiếu thốn đủ đường. Nhưng bà con một lòng quyết tâm theo Đảng làm cách mạng, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Phát huy truyền thống cách mạng, hòa bình lập lại, đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl chăm lo phát triển kinh tế, thay đổi phương thức canh tác, đưa cơ giới vào sản xuất, tăng năng suất lao động. Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân chuyển biến tích cực. Năm 2000, xã Dur Kmăl được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân.

Dur Kmăl được như bây giờ là nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, từ cơ sở vật chất hạ tầng thiết yếu đến hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn, chuyển đổi cây trồng, đa dạng sinh kế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất”.

Già làng Y An Ênuôl

Chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử Dur Kmăl, già làng Y An Ênuôl (SN 1946), Người có uy tín buôn Kmăl, vui mừng vì cuộc sống của đồng bào các dân tộc ngày càng ấm no, hạnh phúc.

“Bây giờ Dur Kmăl hoàn toàn đổi khác rồi! Đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc. Đường nhựa, bê tông đến từng buôn; trường học khang trang, kiên cố; trạm y tế xã có bác sĩ túc trực, thiết bị, thuốc men đầy đủ; buôn nào cũng có nhà văn hóa cộng đồng để người dân sinh hoạt…”, già Y An bảo.

Xây dựng buôn làng giàu đẹp

Xã Dur Kmăl hiện có 13 dân tộc cùng sinh sống, trong đó hơn 50% là đồng bào DTTS. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự nỗ lực vươn lên xây dựng quê hương cách mạng của đồng bào các dân tộc xã Dur Kmăl, vùng căn cứ một thời bom đạn dần “thay da đổi thịt”.

Sau nhiều năm tham gia quân ngũ, anh K’Nick, Trưởng buôn Dur 1, trở về tập trung phát triển kinh tế. Gia đình anh có hơn 4ha cà phê lâu năm, trồng xen sầu riêng. Học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, anh đã mạnh dạn tái canh, thực hiện mô hình sản xuất cà phê sạch, chất lượng cao. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh K’Nick còn giúp nhiều bà con trong buôn học cách sản xuất cà phê sạch.

Già làng Y Đhun Hmôk và già làng Y An Ênuôl kể chuyện thời kháng chiến
Già làng Y Đhun Hmôk và già làng Y An Ênuôl kể chuyện thời kháng chiến

Anh K’Nick chia sẻ: Được sự đồng tình ủng hộ của các cấp, sự nỗ lực của các hộ dân tham gia mô hình tái canh, bà con trong buôn đã thay đổi cách làm, cách nghĩ và cách hành động. Nhiều hộ đồng bào DTTS không những vươn lên thoát nghèo mà còn có kinh tế khá. Năm 2000, buôn Dur 1 có tới 124 hộ nghèo, cận nghèo, đến nay chỉ còn 34 hộ.

Bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, có giá trị kinh tế, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đời sống bà con buôn Dur Kmăl đã khởi sắc. Đó là thành quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của các cấp chính quyền và Nhân dân.

Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl Trần Quốc Toàn, phát huy truyền thống cách mạng, xã đã tập trung triển khai các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước, đồng thời huy động sự tham gia, đóng góp của Nhân dân, phát huy đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng buôn làng giàu mạnh. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 11,06%.

Không chỉ về kinh tế, tất cả các lĩnh vực khác của xã cũng đã phát triển hơn trước rất nhiều. Đến nay Dul Kmăl đã đạt 15 tiêu chí, phấn đấu đến năm 2024 hoàn thành các tiêu chí về đích nông thôn mới. Thời gian tới, xã xây dựng được làng nghề dệt tơ tằm, dệt tơ sen tại địa phương, phát triển thương mại dịch vụ, phát triển du lịch.