Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đổi thay ở Bok Tới

L.Phương – H.Đại - 09:38, 08/07/2021

Bok Tới là xã miền núi thuộc huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Đây từng là khu căn cứ kháng chiến của tỉnh, nơi thành lập Sư đoàn Bộ binh 3 - Đoàn Sao Vàng (Sư đoàn 3 Sao Vàng) gắn liền với những chiến công oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ của quân và dân Bình Định. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, Bok Tới đang thay đổi từng ngày.

Già làng Đinh Sinh trò chuyện về sự thay đổi của Bok Tới
Già làng Đinh Sinh trò chuyện về sự thay đổi của Bok Tới

Vùng đất anh hùng

Những ngày đầu tháng 7, dưới cái nắng như đổ lửa, qua quãng đường gần 20 km (tính từ trung tâm huyện Hoài Ân), dọc theo con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh rừng keo lai xanh bạc ngàn, chúng tôi về Bok Tới. Đến đầu xã cũng có thể cảm nhận được sức sống trên mảnh đất anh hùng, qua những ngôi nhà sàn mái ngói đỏ tươi thấp thoáng trong những khu vườn rợp bóng cây xanh...

Minh chứng rõ nét nhất cho sự thay da, đổi thịt ở Bok Tới, đó là thôn T2, nơi này là cái nôi của Sư đoàn 3 Sao Vàng - đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân khu V trong kháng chiến chống Mỹ. So với những năm trước đây, diện mạo của thôn T2 đã đổi khác hoàn toàn. Nhà cửa khang trang, đường sá được bê tông hóa sạch đẹp, hệ thống nước sạch, loa truyền thanh được lắp đầy đủ để phục cho đời sống của người dân.

Già làng Đinh Sinh, nguyên Phó Bí thư huyện ủy Vĩnh Thạnh, từng là bộ đội địa phương hỗ trợ tác chiến cho bộ đội của tỉnh và Sư đoàn 3 Sao Vàng, hiện đang sinh sống tại thôn T2 kể lại: Cách đây 56 năm, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào miền Nam, mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ra miền Bắc, chuyển cuộc chiến tranh từ chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, nhằm ngăn chặn đà sụp đổ của quân ngụy Sài Gòn. 

"Để thực hiện nhiệm vụ chiến trường, ngày 2/9/1965, tại khu rừng Bà Bơi nay thuộc xã Bok Tới, Sư đoàn Bộ binh 3 được thành lập, mang biệt danh “Sư đoàn Sao Vàng”. Tại đây, Sư đoàn 3 Sao Vàng, dưới sự hỗ trợ của đồng bào Bana, H’rê... đã lập nên nhiều chiến công, góp phần không nhỏ làm nên những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta”, già Sinh kể.

Di tích lịch sử rừng Bà Nơi, nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao vàng tại xã Bok Tới
Di tích lịch sử rừng Bà Nơi, nơi thành lập Sư đoàn 3 Sao vàng tại xã Bok Tới

Cũng theo già Sinh, ngày xưa Bok Tới là vùng đất sinh sống của đồng bào Bana, thuộc xã Vĩnh Nghĩa, huyện Vĩnh Thạnh. Sau giải phóng năm 1975, chính quyền sắp xếp lại địa giới hành chính nên Bok Tới thuộc quản lý của huyện Hoài Ân. Trước đây, dân làng sống ở làng Kon Trú, trên vùng núi cao nên hết sức khó khăn, sau khi thành lập xã bà con chuyển về định cư tại nơi này. 

Nhắc về cuộc sống khó khăn trước kia và cảm nhận được cuộc sống hôm nay, già Sinh xúc động không thể diễn tả được, ông chỉ nói rằng: Từ đói ăn, thiếu mặc, cuộc sống du canh, du cư, ăn rau rừng, uống nước suối, giờ đây bà con không còn lo cảnh thiếu đói, kinh tế gia đình ngày càng phát triển, có của ăn của để, con cái được học hành đầy đủ. Đó là nhờ Đảng, Nhà nước đã quan tâm, đầu tư và chỉ cách làm ăn cho bà con

Tập trung hỗ trợ người dân phát triển kinh tế

Theo ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, để có sự thay đổi như hôm nay, mỗi năm huyện và các cấp ngành luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến đời sống của người dân 3 xã khó khăn, trong đó có Bok Tới. Giai đoạn 2016 - 2020, thực hiện Chương trình 135 và các chính sách khác của Nhà nước, huyện đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ cây con giống cho người dân phát triển kinh tế ổn định đời sống.

“Hiện nay, hệ thống đường giao thông nông thôn hầu hết đã được bê tông hóa; các công trình thủy lợi đáp ứng nhu cầu tưới tiêu hàng năm; 90% các hộ thộc địa bàn xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách pháp luật của nhà nước; 100% đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; trên 90% được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân hàng năm 4%; các xã vùng DTTS giảm bình quân hàng năm 4-5%”, ông Phong cho biết.

Những rừng keo xanh tốt giúp người dân Bok Tới có thu nhập ổn định
Những rừng keo xanh tốt giúp người dân Bok Tới có thu nhập ổn định

Giờ đây, ở Bok Tới đã có nhiều hộ dân có cuộc sống ổn định, hàng năm có thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, những hộ còn khó khăn thì họ cũng tự đề ra mục tiêu là sớm thoát nghèo. Đơn cử như gia đình anh Đinh Văn Khiêm, có hơn 9ha keo, 2ha lúa nước và 30 con heo rừng lai, mỗi năm cho thu thu nhập trên 100 triệu đồng.

Gia đình chị Đinh Thị Ái Ly hiện đang là hộ nghèo của xã, nhưng chị đã tự đặt ra mục tiêu cho gia đình đến năm 2022 sẽ thoát nghèo. Chị Ly cho biết: "Gia đình tôi được chính quyền tạo điều kiện vay vốn ngân hàng để phát triển kinh tế. Có được vốn, tôi đầu tư trồng 4ha keo lai, nay cây keo cũng đã chuẩn bị cho thu hoạch. Ngoài ra, tôi còn đầu tư nuôi heo rừng lai, nên tôi tin rằng một thời gian ngắn nữa, gia đình mình sẽ thoát nghèo".

Nói đến sự phát triển của địa phương, ông Đinh Giang Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Bok Tới cho biết: Về cơ cơ bản, đời sống người dân và bộ mặt của xã đã có sự thay đổi rất nhiều. Thể hiện rõ nét nhất là trong xã không còn hộ thiếu đói, hạ tầng đã được đầu tư xây dựng khang trang. Tuy nhiên, để bắt kịp với các xã miền xuôi thì trong thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho địa phương nguồn vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư các mô hình kinh tế phù hợp để người dân áp dụng, phát triển kinh tế.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.