Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tập hợp thanh niên để phát huy vai trò xung kích

Thành Nhân - 10:24, 26/04/2021

Nhằm phát huy vai trò xung kích của thanh niên, trong đó có thanh niên người dân tộc thiểu số (DTTS), thời gian qua, Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo thu hút, tập hợp thanh niên DTTS vào sinh hoạt trong tổ chức hội, CLB, đội, nhóm sở thích. Từ đó, nhiều thanh niên DTTS đã thể hiện được năng lực của mình và có những đóng góp tích cực cho cộng đồng.

Các nghệ nhân hướng dẫn học sinh thuộc CLB Cồng chiêng thanh niên chơi nhạc cụ và múa xoang tại trường PTDTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh).
Các nghệ nhân hướng dẫn học sinh thuộc CLB Cồng chiêng thanh niên chơi nhạc cụ và múa xoang tại trường PTDTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh).

Đa dạng mô hình sinh hoạt

Theo chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, do đặc thù là huyện miền núi, có đông thanh niên DTTS sinh sống nên đội ngũ cán bộ đoàn, hội phải thường xuyên bám sát cơ sở để tìm hiểu, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, từ đó xây dựng chương trình hoạt động phù hợp với thanh niên. Các mô hình đoàn kết, tập hợp hội viên, thanh niên qua các CLB, đội, nhóm được tổ chức ngày càng đa dạng theo từng địa bàn dân cư, ngành nghề, sở thích…

Điển hình là CLB bóng chuyền của Hội LHTN Việt Nam xã Vĩnh Thuận. Vào mỗi buổi chiều, thanh niên từ các làng lại tập trung tại sân bóng chuyền của xã để vui chơi, rèn luyện sức khoẻ và thi đấu giao hữu thể dục thể thao (TDTT) giữa các làng với nhau. 

Anh Đinh Pin, ở làng 7, xã Vĩnh Thuận cho biết: Trước đây, các làng đều có chi hội thanh niên nhưng hoạt động không hiệu quả, các phong trào TDTT cũng không được triển khai nhiều, vì thế thanh niên giữa các làng chưa thực có điều kiện giao lưu. Từ khi Hội LHTN Việt Nam xã thành lập CLB bóng chuyền thì chiều nào cũng vậy, thanh niên các làng rủ nhau đến chơi bóng, vui lắm. TDTT vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa được giao lưu và hiểu biết hơn về văn hoá của các dân tộc anh em trong xã.

Theo chị Trần Thị Huyền, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam xã Vĩnh Thuận, thể thao là "kênh" hữu hiệu để Đoàn xã Vĩnh Thuận tập hợp, đoàn kết thanh niên trên địa bàn. Tỷ lệ hội viên, thanh niên người DTTS tham gia các hoạt động Đoàn, Hội ở xã luôn đạt trên 70%. 

Từ các hoạt động này, Đoàn xã đã đoàn kết, tập hợp thanh niên của 8 làng thường xuyên tham gia nhiều hoạt động khác có hiệu quả như: Dọn vệ sinh, trồng cây xanh, trồng hoa tại các tuyến đường trong xã; tổ chức các hoạt động Ngày thứ bảy tình nguyện, Chủ nhật xanh…, góp phần xây dựng đường làng, ngõ xóm thêm xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Thanh niên các làng thuộc xã Vĩnh Thuận giao lưu, tập luyện môn bóng chuyền tại nhà văn hoá xã
Thanh niên các làng thuộc xã Vĩnh Thuận giao lưu, tập luyện môn bóng chuyền tại nhà văn hoá xã

Còn tại trường PTDTNT THCS và THPT Vĩnh Thạnh, CLB Cồng chiêng thanh niên, múa xoang ra mắt năm 2020, đã góp phần gìn giữ và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Bana trên địa bàn. CLB hiện có gần 30 thanh niên nòng cốt. 

Để thu hút thêm thành viên tham gia, Ban Giám hiệu nhà trường và Đoàn trường còn tổ chức các chi hội CLB cồng chiêng thanh niên tại 15 lớp. Vào những ngày lễ lớn, kỷ niệm ngày thành lập trường, khai giảng… đội cồng chiêng tham gia tập luyện, biểu diễn. CLB còn mời các nghệ nhân hướng dẫn các kỹ năng chơi nhạc cụ cho học sinh tại trường.

Hiện Huyện đoàn Vĩnh Thạnh đã thành lập được 6 CLB trực thuộc và các cơ sở Hội, chuyển đổi 46 chi hội hoạt động kém hiệu quả sang mô hình hoạt động CLB, đội, nhóm theo sở thích. Nhờ đó, thu hút hơn 2.000 hội viên, thanh niên tham gia. Qua sinh hoạt, hoạt động phong trào, mỗi năm đã giới thiệu khoảng 400 hội viên ưu tú đứng vào hàng ngũ của Đoàn.

Đổi mới nội dung hoạt động để tập hợp thanh niên

Theo Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh, trước đây, việc tập hợp thanh niên còn gặp rất nhiều khó khăn, bởi nhiều nguyên nhân: Nhận thức, trình độ văn hoá của một bộ phận thanh niên chưa cao, còn có tư tưởng tách biệt với cộng đồng; đời sống kinh tế của đối tượng này cũng còn nhiều khó khăn, phải đi làm ăn xa… 

Vì thế, để thay đổi tình hình, các cơ sở đoàn, hội đã tập trung đổi mới nội dung, hình thức, mô hình hoạt động phù hợp hơn với thanh niên. Bên cạnh đó, lựa chọn, phân công cán bộ là người DTTS có trình độ, tâm huyết với công tác đoàn, hội và phong trào thanh niên, biết lắng nghe hội viên, thanh niên để thuyết phục, vận động thanh niên tham gia tổ chức hội; xây dựng, duy trì hoạt động của các CLB, tổ, đội, nhóm…

Chị Đinh Thị Thươn, Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam huyện Vĩnh Thạnh cho biết: Để công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên DTTS đạt hiệu quả, Hội LHTN huyện đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền vận động thanh niên vào các CLB, tổ chức hội, đồng thời bồi dưỡng phát triển thành những đoàn viên ưu tú. 

“Thời gian tới, để các CLB, đội, nhóm sở thích ngày càng hoạt động hiệu quả, chúng tôi sẽ tích cực đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt; tăng cường nghiên cứu, nắm bắt, tìm hiểu kỹ lưỡng về đặc điểm, nhu cầu của từng đối tượng hội viên, đoàn viên, thanh thiếu niên; từ đó, tạo dựng những sân chơi lành mạnh, bổ ích; khơi dậy sức trẻ, đoàn kết, tập hợp hội viên, thanh niên tham gia vào các phong trào đoàn, hội tại địa phương”, chị Thươn chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.