Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đổi mới công tác cán bộ - Nhìn từ Yên Bái

Trọng Bảo - 13:08, 19/02/2021

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc… Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Bao năm qua, lời Bác dạy đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Yên Bái xác định là đường lối, kim chỉ nam để địa phương triển khai. Theo đó, từ chiến lược, đề án, kế hoạch, hành động cụ thể được ban hành, tỉnh Yên Bái đã và đang giải quyết hiệu quả bài toán quy hoạch cán bộ kế cận một cách dài hơi.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái phấn đấu có 20% cán bộ là người DTTS giữ các chức danh thuộc BTV Tỉnh ủy quản lý.
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Yên Bái phấn đấu có 20% cán bộ là người DTTS giữ các chức danh thuộc BTV Tỉnh ủy quản lý.

Ngày 8/8/2018, Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Đề án số 11-ĐA/TU về “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035” (Đề án 11). Mục đích Đề án nhằm xây dựng và đào tạo nguồn cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người DTTS để đảm trách các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035, có đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng, hợp lý về cơ cấu, có sự tiếp nối chắc chắn giữa các thế hệ và đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh trong giai đoạn mới.

Theo ông Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Đề án được xây dựng một cách bài bản, dài hơi với những giải pháp căn cơ. Thông qua các kỳ thi và sát hạch khắt khe, toàn tỉnh đã lựa chọn được 150 cán bộ; trong đó, có 60 cán bộ trẻ, 45 cán bộ nữ, 45 cán bộ người DTTS. Các cán bộ được bố trí tham gia tất cả các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý ở trong nước và nước ngoài.

Anh Nguyễn Văn Hòe là một trong những cán bộ trẻ huyện vùng cao Trạm Tấu được lựa chọn đào tạo, bồi dưỡng theo Đề án 11. Đầu năm 2019, khi đang công tác tại Văn phòng Huyện ủy, anh được điều động về làm Chủ tịch UBND xã Xà Hồ. Hơn 10 năm công tác ở huyện, khi về cơ sở anh Hòe cũng không khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ.

“Về cơ sở mới thấy hết được những khó khăn từ thực tế, do đó mình phải tiếp cận nghiên cứu, tìm hiểu những khó khăn cấp cơ sở…; phải gần dân, hiểu khó khăn của dân, hiểu được cả các phong tục, tập quán ở địa bàn để triển khai được các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đây chính là lý do những cán bộ như mình phải học và phải cố gắng rất nhiều”, anh Hòe chia sẻ.

Với tâm thế như vậy nên anh Hòe đã cố gắng rèn luyện và tham gia đầy đủ thời gian học tập, tiếp thu kiến thức của các giảng viên, báo cáo viên trên các lĩnh vực truyền dạy theo Đề án 11. Được đào tạo bài bản, khoa học, cùng với sự năng động, trách nhiệm khi về cơ sở, anh Hòe đã thực hiện rất hiệu quả trong công tác chỉ đạo điều hành. Đặc biệt, vị Chủ tịch xã trẻ này là người tiên phong triển khai việc thành lập nhóm chỉ đạo điều hành công việc ở xã thông qua mạng Zalo.

Tương tự, năm 2018, anh Hoàng Văn Hải, một cán bộ trẻ trưởng thành từ Bí thư Đoàn Thanh niên được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn. Với trình độ chuyên môn được đào tạo từ Đại học Nông lâm, chuyên ngành Phát triển nông thôn, phát huy tinh thần năng động của tuổi trẻ, ngay sau khi về cơ sở, Hải đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao thu nhập; qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bản thân tôi luôn bám sát cơ sở; kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, phát sinh ở thôn bản”, Phó Chủ tịch xã Hoàng Văn Hải cho biết.

Tại huyện Văn Chấn, địa phương có tới 14 xã ĐBKK, với việc ban hành Đề án 11 của Tỉnh ủy Yên Bái, thì “bài toán” khó lâu nay về nguồn cán bộ kế cận, đặc biệt là cán bộ người DTTS cơ bản đã có lời giải.

“Huyện Văn Chấn có 11 đồng chí tham gia Đề án 11; trong đó, có 3 đồng chí là cán bộ dưới 35 tuổi. Bên cạnh đó, thực hiện theo Đề án 11, chúng tôi cũng chủ động đào tạo, quy hoạch, luân chuyển cán bộ tại chỗ… Đây sẽ là những cán bộ kế cận cho những nhiệm kỳ tiếp theo. Qua đó, tháo gỡ khó khăn trong công tác cán bộ của địa phương mỗi khi hết nhiệm kỳ”, bà Hà Thị Thanh Uyển, Thủ trưởng cơ quan Tổ chức - Nội vụ huyện Văn Chấn cho biết.

Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch tỉnh Yên Bái cho biết: Đến nay, đã có 35 đồng chí cán bộ thuộc Đề án được luân chuyển để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện. Nhiều đồng chí được bổ nhiệm chức vụ cao hơn; nhiều đồng chí bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025; còn lại hầu hết được quy hoạch vào cấp ủy, các chức danh lãnh đạo các cấp.

“Qua đánh giá hằng năm, những cán bộ thuộc Đề án đã phát huy được năng lực công tác tại cơ sở, thể hiện rõ vai trò sáng tạo và tính năng động, nhạy bén của tuổi trẻ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân tin yêu. Đề án 11 được đánh giá là giải pháp mang tính đột phá với tư duy đổi mới về công tác cán bộ”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Giai đoạn 2020 - 2025, Tỉnh ủy Yên Bái đặt mục tiêu phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ (dưới 40 tuổi) giữ các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đạt từ 10% trở lên, tham gia cấp ủy cấp tỉnh đạt từ 12% trở lên; tỷ lệ cán bộ nữ giữ các chức danh thuộc diện BTV Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên, tham gia cấp ủy cấp tỉnh đạt từ 15% trở lên; tỷ lệ cán bộ người DTTS giữ các chức danh thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đạt từ 20% trở lên…

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.