Chiến tranh đã lùi xa song đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng, Lạng Sơn vẫn ghi nhớ thời điểm đường số 4 khắc vào trang sử vàng của dân tộc. Bảy mươi năm trước, Chiến dịch Biên giới Thu - Đông được triển khai, mở màn là cuộc tấn công cứ điểm Đông Khê (Cao Bằng). Sau Đông Khê rồi đến Thất Khê, Lộc Bình, Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập, An Châu… đường số 4 và dọc tuyến biên giới Việt - Trung lần lượt được giải phóng. Chiến dịch Biên giới 1950 đã tạo chuyển biến căn bản cho cách mạng Việt Nam, đưa kháng chiến bước vào giai đoạn mới.
Bảy mươi năm kể từ Chiến dịch Biên giới Thu - Đông (1950 - 2020); bốn mươi lăm năm từ ngày đất nước hoàn toàn thống nhất (1975 - 2020), đến nay đường số 4 vẫn là tuyến đường huyết mạch nối Cao Bằng - Lạng Sơn. Cái khác là tuyến đường đã được mở rộng, đổ nhựa phẳng lỳ, uốn lượn qua những miền quê đang “thay da đổi thịt” từng ngày.
Theo đường số 4 từ Cao Bằng sang Lạng Sơn, chúng tôi qua xã biên giới Đức Long, huyện Thạch An - căn cứ năm xưa được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn để lên trận địa, chỉ huy Chiến dịch Biên giới. Dọc hai bên đường là những mái nhà ngói mới đỏ tươi, nổi bật giữa màu xanh bạt ngàn của rừng hồi, rừng quế.
Đức Long hôm nay đã đổi thay mạnh mẽ, từ những ngôi nhà xây khang trang, kiên cố đến đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa phong quang, sạch đẹp. 9/9 thôn có nhà văn hóa, 7/9 xóm đạt tiêu chuẩn làng văn hoá. 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Trên 95% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia…
Hiện nay đồng bào các dân tộc ở xã Đức Long tập trung phát triển kinh tế đồi rừng, với những rừng hồi, rừng quế mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng/người/năm.
Ông Đinh Sláy, 76 tuổi, ở bản Viện, xã Đức Long rất phấn chấn khi chứng kiến những sự đổi thay trên quê hương của mình. Ông cho hay, những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, cuộc sống của đồng bào nơi đây còn rất nhiều khó khăn thiếu thốn.
“Khi đất nước mở cửa, xóa bỏ bao cấp, hợp tác xã, người dân được tự chủ để lao động sản xuất nên bà con rất hăng hái làm ăn, đời sống của người dân ở đây dần trở nên khấm khá”, ông vui mừng nói.
Vùng biên cương Đức Long đã có bước chuyển mình vượt bậc. Những thành tựu hôm nay sẽ là tiền đề vững chắc để Đức Long tiếp tục giữ vững và dẫn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Thạch An, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Tạm biệt Đức Long, chúng tôi vượt qua đèo Bông Lau để về trung tâm huyện Tràng Định, Lạng Sơn. Những năm trước, đi qua đèo Bông Lau chỉ nhìn thấy cây bông lau phất phơ trong gió, đồi núi trọc lốc, cỏ tranh mọc đầy hai bên đường. Nay dọc hai bên đèo là màu xanh bạt ngàn của những rừng cây bạch đàn, keo, quế, xa mộc; vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: quýt, thạch đen...
Chia sẻ với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Tràng Ðịnh, Lý Văn Lâm cho biết: Những năm gần đây, người dân đã tích cực phát triển kinh tế đồi rừng, trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, với sự đầu tư của các Chương trình mục tiêu quốc gia, Nông thôn mới được đầu tư về cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm… đã làm thay đổi cuộc sống người dân nơi đây, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào các dân tộc.
“Hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện có 90% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia, con em các dân tộc đều được cắp sách đến trường, không còn tái mù chữ…”, Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định Lương Quốc Toản cho biết.
Những chia sẻ của người dân, của lãnh đạo chính quyền địa phương mà chúng tôi ghi nhận được mang lại niềm vui đến lạ khi mùa Xuân mới đang về. Vùng đất chiến khu xưa, dọc theo tuyến đường số 4 huyết mạch giờ đang từng ngày thay da đổi thịt, vươn lên mạnh mẽ.