Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Định hướng phát triển các địa phương theo tư duy liên kết vùng

PV - 17:15, 12/08/2023

Sáng 12/8, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đã chủ trì phiên họp thứ nhất của Hội đồng tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Định hướng phát triển các địa phương theo tư duy liên kết vùng - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Hội đồng vùng phải là cơ chế hiệu quả để các địa phương, bộ, ngành trao đổi, chia sẻ thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực thi chính sách - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Phó Thủ tướng cho rằng cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng, phát huy tiềm năng, không để xảy ra cạnh tranh, triệt tiêu lợi thế của từng địa phương.

Vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh; quy mô diện tích lớn nhất cả nước (gần 9,59 triệu ha, chiếm 28,93% diện tích cả nước).

Vùng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 trong 18 khu kinh tế ven biển của cả nước (chiếm 61,1%); là cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Hệ thống giao thông thuận lợi với đầy đủ loại hình (đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng không); có nhiều cảng biển lớn; 9 cảng hàng không (5 cảng quốc tế), điều kiện thuận lợi phát triển các loại dịch vụ, là điểm trung chuyển hàng hóa cho Tây Nguyên, Lào, Campuchia…

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nguồn tài nguyên, khoáng sản phong phú, trữ lượng lớn; tiềm năng lớn về năng lượng (thủy điện, điện gió, điện mặt trời)…; lợi thế phát triển nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, văn hoá… Người dân thân thiện, hiền hòa, cần cù, năng động, sáng tạo; có nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Có thể nói, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có rất nhiều lợi thế để đón trước các xu thế phát triển của thời đại như: Chuyển đổi xanh, giảm phát thải dựa trên khai thác tài nguyên gió; phát triển kinh tế dựa vào hệ sinh thái và du lịch; xây dựng kinh tế hướng biển, xã hội hướng biển và thịnh vượng từ kinh tế biển; phát triển kinh tế tri thức dựa trên chất lượng nguồn nhân lực.

Bên cạnh các thời cơ và thuận lợi, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Quy mô kinh tế còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người còn thấp; tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao.

Các địa phương chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, nhất là kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Quy mô sản xuất công nghiệp, nông nghiệp còn nhỏ. Ngành dịch vụ chất lượng chưa cao; sức cạnh tranh quốc tế ngành du lịch còn thấp. Các đô thị trung tâm chưa phát huy được vai trò động lực.

Đặc biệt, vùng đang và sẽ phải đối mặt với những thách thức rất lớn do tác động của biến đổi khí hậu; nguy cơ thiếu nguồn nước, suy thoái tài nguyên đất, ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường biển,…

Định hướng phát triển các địa phương theo tư duy liên kết vùng - Ảnh 2.

Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên họp - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khẩn trương đưa ra cơ chế hoạt động, lựa chọn nhiệm vụ ưu tiên

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng tầm quan trọng của cách tiếp cận vùng trong phát triển đã được nhận thức và thể hiện bằng các quyết định thành lập hội đồng điều phối vùng.

Tiếp theo, các địa phương, bộ, ngành cần khẩn trương xác định cơ chế hoạt động, phương thức phối hợp trong việc đưa ra những hành động cấp vùng; lựa chọn lĩnh vực, nhiệm vụ ưu tiên của từng tiểu vùng, địa phương dựa trên thuận lợi, thách thức về tự nhiên, kinh tế, văn hoá, xã hội… để thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.

Hội đồng điều phối vùng phải là cơ chế hữu hiệu để các địa phương chia sẻ kinh nghiệm và thống nhất kiến nghị, đề xuất với các bộ, ngành, Chính phủ trong giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi chính sách; đồng thời đề xuất chủ trương, chính sách mới nhằm thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng.

"Cơ chế hoạt động của Hội đồng cần linh hoạt, có mục tiêu rõ ràng, đánh giá được kết quả thực hiện", Phó Thủ tướng nói.

Định hướng phát triển các địa phương theo tư duy liên kết vùng - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, ngoài các phiên họp định kỳ, Hội đồng cần có những hình thức kết nối, trao đổi thông tin thường xuyên, thậm chí hằng ngày, giữa các địa phương, thành viên - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Hình thành các tiểu vùng động lực

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết phương thức điều phối của Hội đồng thông qua về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; các hoạt động xúc tiến, huy động nguồn vốn đầu tư phát triển để thực hiện các chương trình, dự án liên ngành, liên tỉnh, liên vùng; điều tiết các hoạt động đào tạo và sử dụng lao động; xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển vùng, liên kết vùng; giải quyết các vấn đề liên kết vùng; xây dựng kế hoạch điều phối liên kết vùng; hình thành cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin vùng.

Một số nhiệm vụ lớn của Hội đồng bao gồm là điều phối các hoạt động trong công tác lập, điều chỉnh và tổ chức thực hiện quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, thành phố trong vùng giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nghiên cứu, đề xuất về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, hiệu quả, kỷ luật, kỷ cương.

Tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; điều phối việc sử dụng nguồn vốn đầu tư công để định hướng, dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước (FDI, vốn doanh nghiệp, tư nhân), thúc đẩy đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) trong phát triển hạ tầng chiến lược, cấp bách, quan trọng.

Điều phối các hoạt động liên kết phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Nghiên cứu, đề xuất việc hình thành Quỹ phát triển hạ tầng vùng.

Tại phiên họp, lãnh đạo các Bộ Công Thương, NN&PTNT, GTVT, VHTT&DL đã trình bày những định hướng lớn trong phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế trong vùng; nghiên cứu hình thành một số trung tâm năng lượng tái tạo lớn; cơ cấu lại nông, lâm nghiệp, khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản gắn với công nghiệp chế biến, phát triển các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá kết hợp với quốc phòng, an ninh; tái cơ cấu các ngành dịch vụ, du lịch, phát triển các trung tâm logistics gắn với các cảng biển, cảng hàng không và cửa khẩu…

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng nếu không có cơ chế phối hợp mà "mạnh ai nấy làm" thì những lợi thế riêng có của từng địa phương sẽ tự triệt tiêu. Bên cạnh đó, với địa hình trải dài từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, ông Nguyễn Văn Quảng kiến nghị hình thành các tiểu vùng với những địa phương gần nhau về địa lý, có các lợi thế mang tính hỗ trợ cùng nhau phát triển. "Riêng Đà Nẵng có thể liên kết phát triển du lịch với Thừa Thiên Huế, Quảng Nam; nông nghiệp, công nghiệp với Quảng Nam", Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng bày tỏ và cho rằng phải phân định rõ chức năng, định hướng phát triển của từng thế mạnh của các địa phương, tiều vùng, mới có thể thúc đẩy phát triển.

Đồng tình quan điểm này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Nguyễn Tấn Tuân cho biết với điều kiện giao thông đường bộ, đường biển thuận lợi, tiểu vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận) có động lực phát triển thành trung tâm sản xuất phục vụ nhu cầu cho các đô thị lớn, hình thành hành lang xuất khẩu cho các tỉnh Tây Nguyên.

Trong khi đó, Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu khẳng định quy hoạchh vùng có ý nghĩa quan trọng, là thước đo, công cụ điều phối hoạt động đầu tư phát triển có trọng tâm, trọng điểm. Hội đồng cần tổ chức xúc tiến đầu tư đối với các dự án động lực của tiểu vùng, của vùng.

Định hướng phát triển các địa phương theo tư duy liên kết vùng - Ảnh 4.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tại phiên họp thứ nhất của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ -Ảnh: VGP/Minh Khôi

Khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện tư duy, góc nhìn tổng thể, chiến lược đối với sự phát triển của vùng, quốc gia.

Trao đổi về kế hoạch hành động của Hội đồng, từ các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng cho rằng cần thể hiện tư duy phát triển, khai thác hiệu quả, sử dụng bền vững nguồn lực của vùng, phát huy tiềm năng, không để xảy ra cạnh tranh, triệt tiêu lợi thế của từng địa phương.

Cho ý kiến về định hướng quy hoạch vùng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu xác định lợi thế, phát huy thế mạnh các địa phương, xem xét hình thành một số tiểu vùng dựa trên địa lý, tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi, thách thức, khả năng tối ưu hoá kết nối giữa các tỉnh để liên thông, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát huy lợi thế, sản phẩm chiến lược, hướng đến mục tiêu phát triển đồng bộ, toàn diện cả vùng.

Quy hoạch vùng phải thể hiện tư duy mới về phát triển đồng bộ các loại hình hạ tầng giao thông, trung tâm năng lượng tái tạo để hình thành các khu công nghiệp, đô thị; điều tiết hiệu quả các nguồn lực đầu tư để bảo đảm mục tiêu, chất lượng tăng trưởng của các địa phương và toàn vùng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tích hợp vào quy hoạch vùng các nội dung về giáo dục, đào tạo nghề, y tế, năng lượng, nghiên cứu và triển khai… theo hướng hình thành các trung tâm cấp vùng, quốc gia; quy hoạch các trung tâm phát triển năng lượng, nuôi trồng thuỷ sản xa bờ, hậu cần nghề cả, điện gió… tại các tiểu vùng có lợi thế.

"Quy hoạch cần đưa ra danh mục các dự án đầu tư với sự thống nhất của các địa phương, chuẩn bị kỹ để sẵn sàng triển khai khi có nguồn ngân sách", Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh "Quy hoạch vùng là công cụ điều phối quan trọng, vì vậy, Hội đồng, các địa phương phải tích cực đóng góp trực tiếp, tâm huyết, trí tuệ vào quá trình xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng".

Phó Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin vùng và ứng dụng kết nối để các thành viên Hội đồng, bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ thông tin thường xuyên, hằng ngày, để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc nảy sinh. "Những chính sách mà quá nửa địa phương trong vùng gặp khó khăn khi thực hiện thì Hội đồng phải xem xét, họp trực tiếp với các bộ, ngành để có giải pháp tháo gỡ, khắc phục", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất cơ chế tài chính để chuẩn bị cho các dự án ưu tiên, trọng điểm trong quy hoạch, chương trình, kế hoạch hành động của vùng.

Hội đồng, các địa phương cũng cần chủ động tham gia đóng góp cho nội dung, chính sách mới trong dự thảo các đạo luật có ảnh hưởng quan trọng đến phát triển, kinh tế - xã hội của vùng như: Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu thầu…

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.